100 năm dây chuyền lắp ráp xe đầu tiên

100 năm trước, dây chuyền lắp ráp xe hơi đầu tiên trên thế giới đã ra đời, và biến cỗ máy lúc đó còn khá kỳ dị và được cho là của giới nhà giàu trở thành phương tiện giao thông cá nhân đại chúng.

Hai nhà phát minh nổi tiếng và không ít tai tiếng người Pháp Panhard và Levassor (1889), cũng như Peugeot (1891) được cho là những cái tên đầu tiên đặt nền móng cho công nghiệp xe hơi toàn cầu. Trong đó, Panhard và Levassor đã hợp tác để chế tạo ra một chiếc “xế hộp” hoàn chỉnh đầu tiên vào năm 1890. Chiếc xe này có sử dụng động cơ của Daimler. Tuy vậy, phác thảo đầu tiên của hộp số cận đại mà hai kỹ sư Pháp đưa ra vào năm 1894 đã vấp phải hàng loạt lời chỉ trích nặng nề từ những người trong giới cũng như giới truyền thông. Dù vậy, điều đó chẳng thể ngăn cản hai con người này tạo nên bước ngoặt lịch sử trong ngành công nghiệp ôtô thế giới.
 
Hệ thống truyền động mới của Panhard và Levassor là thiết kế đầu tiên trên thế giới có thiết kế đặt dọc mang tên Systeme Panhard mà sau này đã trở thành một tiêu chuẩn trên xe hơi. Thiết kế này giúp hệ thống truyền công suất ra cầu sau thông qua ly hợp và hộp số trượt 3 cấp.
 
Chỉ ít lâu sau, vào năm 1898, nhà triệu phú Louis Renault đã kết nối công suất thành công từ động cơ đặt dọc, qua hộp số tới cầu sau bằng trục kim loại. Đây là sự phát triển từ ý tưởng của một người Mỹ có tên C. E. Duryea vào năm 1893. Sáng kiến này ngay lập tức được hầu hết các nhà sản xuất ôtô áp dụng.
 
Panhard và Levassor
 
Tới năm 1904, đại đa số các nhà sản xuất ôtô đã sử dụng hộp số sàn của Panhard và Levassor. Chính sự khởi thủy này đã giúp giúp tốc độ và công suất động cơ tăng lên và hiệu quả hơn. Cũng kể từ đó, tất cả các phát minh sau này đều nhằm mục đích sang số dễ dàng hơn và dẫn tới sự ra đời của hộp số tự động. 
 
Tuy nhiên, để nói về giai đoạn đầu trong lắp ráp xe tại Pháp thì không thể không kể đến việc các xe hơi thời điểm này đều chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào về hình dáng. Chẳng thế mà khi chiếc xe được gọi là tiêu chuẩn đầu tiên là Benz Velo 1894 được ra mắt thị trường thì chỉ một năm sau đó, có tới 134 chiếc Velo (viết tắt từ Velocipede - xe đạp đẩy bằng chân) hoàn toàn khác nhau được sản xuất. Hãng đã thiết kế riêng một động cơ hoàn toàn mới, chỉ có duy nhất 1 xi-lanh và có dung tích 1.054cc, cho công suất 1,5 mã lực tại 450v/ph. Xe còn được tích hợp động cơ nằm ngang, có hai số tiến mà không có số lùi như các dòng xe hiện đại ngày nay. Chính đặc điểm này phần nào hạn chế khả năng di chuyển của xe, nhất là khi nó ăn xăng ở mức ngất ngưởng 14 lít/100km mà tốc độ cực đại mới là 20km/h.  
 
Cho dù thiết kế của Benz sớm trở nên lỗi thời và mất đi tính thông dụng trước sự lấn lướt của các nhà sản xuất Pháp khác cũng như các tên tuổi đến từ Đức, nhưng Velo nói riêng và các mẫu xe khác của Benz nói chung đã đạt được lượng tiêu thụ ấn tượng vào thời điểm đó là 1.200 chiếc. Do đó, chúng vẫn xứng đáng được xếp vào vị trí trang trọng trong lịch sử phát triển thành một trong các nhãn hiệu ôtô hàng đầu thế giới của công ty.
 
Benz Velo 1894
 
Trong khi Pháp sản sinh ra những chiếc ôtô hoàn chỉnh đầu tiên, nước Mỹ mới là nơi các dây chuyền sản xuất xe hơi hàng loạt phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là với Ford.
 
Các nhà sản xuất xe hơi thương mại dùng động cơ xăng đầu tiên tại Mỹ là Charles và Frank Duryea. Họ là hai anh em ham mê xe đạp nhưng lại tìm thấy hứng thú với động cơ xăng nói riêng và xe hơi nói chung. Những chiếc xe cơ giới và ôtô đầu tiên được xây dựng vào năm 1893 ở Springfield, Massachusetts, sử dụng động cơ xy-lanh đơn công suất 4 mã lực. Tới năm 1895, chiếc xe thứ hai của họ giành chiến thắng tại cuộc đua ôtô đầu tiên của Mỹ sau 9 giờ tranh tài với quãng đường 80km từ Chicago tới Evanston. Cho tới năm 1896, công ty Duryea Motor Wagon bán được 13 mẫu Duryea – một chiếc limousine đắt đỏ được sản xuất tới những năm 1920.
 
Nhưng chiếc xe sản xuất hàng loạt đầu tiên lại phải kể tới Curved Dash Oldsmobile của nhà sản xuất Ransome Eli Olds (1864-1950) vào năm 1901. Olds đã phát minh ra một dây chuyền sản xuất xe hàng loạt và bắt đầu công nghiệp xe hơi tại Detroit. Ông bắt đầu chế tạo xe sử dụng động cơ hơi nước và xăng cùng với cha mình, Pliny Fisk Olds, ở Lansing, Michigan vào năm 1885. Hai năm sau đó, ông đã có được chiếc xe chạy bằng hơi nước đầu tiên. Tiếp đó, vào năm 1899, với kinh nghiệm dày dặn khi làm việc với các động cơ sử dụng xăng, Olds đã sản xuất các xe ôtô giá rẻ và thành quả là 425 chiếc Curved Dash Oldsmobile được sản xuất hàng loạt đã ra đời, để sau đó trở thành hãng sản xuất xe hơi hàng đầu tại Mỹ từ 1901-1904. Cũng trong thời điểm này, hãng đã bán được 2.100 chiếc Curved Dash Oldsmobile năm 1902 và khoảng 5.000 chiếc vào hai năm tiếp theo.
 
Curved Dash Oldsmobile
 
Tuy vậy, sự thành công khiến toàn cầu nhớ nhất lại thuộc về Henry Ford (1863-1947) với hãng xe hơi nổi tiếng cùng tên do ông gây dựng. Từ chỗ chỉ dành cho quý tộc, xe hơi ngày càng hiện đại và bình dân hóa nhờ Henry Ford sử dụng công nghệ sản xuất hàng loạt.
 
Dây chuyền lắp ráp xe do ông cải thiện ở nhà máy tại Highland Park đã trở nên thu hút bởi những gì mà nó có thể làm được vào thời điểm đó. Nổi tiếng nhất phải kể tới mẫu Model T của Ford đã được lắp ráp chỉ trong 93 phút, với hơn 3.000 chi tiết trong 84 bước, được thực hiện dễ dàng bởi một nhóm công nhân lành nghề – những con số đáng chú ý vào lúc đó. Tuy nhiên, phải tới tận năm 1903, khi ông thành lập ra Ford Motor thì những thành công vang dội mới thực sự tới. Đây là công ty sản xuất xe hơi thứ ba được thành lập để chế tạo các mẫu xe do chính ông thiết kế. Ông giới thiệu Model T năm 1908 và nhận được phản ứng tích cực của thị trường sau đó. Sau khi lắp đặt dây chuyền tại nhà máy năm 1913, Ford đã trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Tới năm 1927, có tới 15 triệu chiếc Model T được sản xuất. 
 
Với những cải tiến cơ bản, Model T nổi tiếng của Ford đã thay đổi tất cả những khiếm khuyết trong khoảng thời gian xảy ra Thế chiến thứ nhất. Đây cũng được coi là bước đột phá trong sự phát triển ngành xe hơi toàn cầu nói chung và tại Mỹ nói riêng. Bằng việc sử dụng thành công dây chuyền sản xuất hàng loạt, hãng Ford đã đưa ra thị trường hàng triệu xe trong những năm 1920 với thay đổi thiết kế nhỏ. Cũng từ đó, giá của xe đã hạ xuống mức phù hợp với người tiêu dùng thay vì ngất ngưởng với các con số.
 
Henry Ford và Model T
 
Nói riêng về dây chuyền sản xuất của Ford, không quá nhiều người biết rằng nó được lấy cảm hứng từ các lò giết mổ gia súc ở Chicago và Cincinnati. Các kỹ sư của hãng đã chế tạo thành công một hệ thống kéo để dịch chuyển khung Model T dựa trên cách thức hoạt động đó. Đây là hệ thống chỉ bao gồm một tời máy và một sợi dây thừng kéo dài trên sàn nhà. Đã có 140 công nhân lắp ráp đứng dọc dây chuyển dài 150 feet (hơn 45m) và chứng kiến tận mắt mô hình lắp ráp di động đầu tiên trong lịch sử. Chính sự thay đổi này đã tạo ra một bước ngoặt không hề nhỏ trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu với việc tăng sản lượng và mở rộng thị trường sau này. Theo đó, thời gian lao động của công nhân từ hơn 12 giờ đồng hồ đã giảm xuống chỉ còn khoảng 3 tiếng. Đặc biệt vào năm 1916, tức 2 năm sau khi chính thức đi vào hoạt động, số lượng Model T được xuất xưởng đã tăng lên 585.388 chiếc, và giá bán giảm xuống còn 360 USD.
 
Cho tới năm 1927, khi mở rộng sang Anh, một chiếc Model T được lắp ráp tại Trafford Park chỉ mất chưa đầy 24 giây. Số lượng mẫu xe này được tiêu thụ trên toàn cầu thời điểm này cũng đạt con số ấn tượng là 15 triệu chiếc – tức một nửa số xe bán trên thị trường. Gần một thập kỷ sau, không riêng tại thị trường quê nhà Mỹ, quy mô và hình thức sản xuất kiểu này được mọc lên trên khắp thế giới.
 
Song, tới năm 1941, thân xe hơi có những thay đổi mang tính cách mạng đã khiến quá trình lắp ráp di động của Ford bị tăng tính phức tạp và gặp chút ít khó khăn. Để rồi 5 năm sau đó, Ford đã đưa những dây chuyền sản xuất cỡ lớn vào hoạt động. Lúc đó, hình ảnh những chiếc Mercury xếp thành hàng dài sau khi ra khỏi dây chuyền lắp ráp đã trở thành một trong những biểu tượng hưng thịnh của ngành ôtô toàn cầu, dù vẫn cần có sự tham gia khá nhiều của con người. 
 
Một trong những hình ảnh của dây chuyền sản xuất xe hơi đầu tiên của Ford
 
Sự thành công tiếp tục tới với Ford trong những năm 70 của thế kỷ trước khi có lệnh cấm vận dầu lửa từ khu vực Ả Rập và xu hướng tăng trưởng nhập khẩu kỷ lục của nước Nhật. Điều đó khiến Ford càng có động lực để thúc đẩy phát triển và cải tiến các dây chuyền lắp ráp của mình nhằm tăng lượng sản xuất.
 
Cho tới ngày nay, công cuộc cải tiến trong việc sản xuất xe hơi vẫn tiếp tục diễn ra tại Ford và các hãng xe khác. Chẳng hạn với Toyota, trong năm tài chính 2013 đã bán hơn 10 triệu xe các loại, nghĩa là trung bình mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 27 nghìn xe của hãng được xuất xưởng. Một nhà máy hiện đại ngày nay có thể lắp ráp hơn 100 xe trong vòng một giờ. Mà với một chiếc xe đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn hiện nay, được tạo nên từ khoảng 30 nghìn chi tiết. 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn