Các nhà sản xuất xe điện chạy đua phát triển sạc không dây

Nhằm lôi kéo khách hàng về phân khúc xe hybrid, các nhà sản xuất xe hơi và nhà cung cấp đang tích cực phát triển những bộ sạc điện không dây với hy vọng sẽ giảm bớt sự phiền phức trong thao tác sạc điện cho người sử dụng dòng xe này.

Một lý do khiến những chiếc xe điện và hybrid plug-in chưa tạo được sự bứt phá trên thị trường là do chúng đang bị “neo giữ bởi một sợi dây cáp điện”. Chủ xe cần phải sạc điện nhưng họ không muốn dùng dây cáp mà theo cách không dây – wireless. Các bộ sạc điện không dây giúp lái xe giảm bớt thao tác và hoạt động một cách linh hoạt theo hai cách: cảm ứng khi đặt lên bệ nạp hoặc bằng cộng hưởng từ.
 
Các nhà sản xuất xe hơi đang tìm cách chế tạo những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng ngặt nghèo hơn từ các nhà làm luật. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của hãng Deloitte LLP, những chiếc xe điện và hybrid thậm chí không được 96% người tiêu dùng toàn cầu để ý tới, hãng nghiên cứu thị trường. Nguyên nhân chủ yếu là do giá thành cao và thời gian sạc điện thường khá lâu, từ 3-8 giờ mỗi lần. Nhưng thời gian nạp điện có thể sẽ được cắt giảm đáng kể với công nghệ nạp siêu nhanh mà Tesla Motors vừa công bố trên chiếc Model S, cho phép các bộ pin của xe có thể được sạc đầy chỉ trong 1 giờ.
 
Các công ty đang phát triển công nghệ sạc điện đầy tiềm năng này và mong đợi sẽ tung ra thị trường những bộ sạc không dây vào năm 2015, trong đó có Nissan Motor, Delphi Automotive , Volkswagen AG, Toyota Motor, Mitsubishi Motors, Qualcomm, Evatran và Brose Fahrzeugteile.
GM, nhà sản xuất chiếc xe hybrid Chevrolet Volt, đã đầu tư 5 triệu USD vào một công ty tư nhân mang tên Powermat. Năm ngoái thậm chí cả Procter & Gamble và Jay-Z cũng đã rót vốn vào Powermat khi thấy trước tiềm năng của nó. Ngoài ra, GM cũng đã áp dụng công nghệ sạc không dây cho smartphone và các thiết bị di động khác trên xe của hãng.
 
Bộ sạc của Delphi dựa trên công nghệ được phát triển bởi WiTricity, sử dụng một từ trường để truyền điện năng giữa các cuộn dây đặt bên trong tấm sạc, kích thước tương đương một chiếc laptop, được gắn bên dưới sàn gara hoặc vị trí đỗ xe. Khoảng cách giữa tấm sạc với gầm xe khoảng 25cm tùy thuộc vào độ cao của gầm. Nó có thể cho phép truyền lượng điện năng 3kW trong thời gian 4 giờ. Audi, Toyota và Mitsubishi hiện đang làm việc với WiTricity để chế tạo những bộ sạc cho xe của họ.
 
Các bộ sạc cộng hưởng từ có thể sẽ được bán với giá hơn 2.000 USD, cao gấp đôi giá của các bộ sạc thông dụng hiện nay. Hiệu quả làm việc của chúng cũng không cao với khoảng 10% năng lượng bị mất mát trong quá trình truyền và các kỹ sư đang đặt mục tiêu cắt giảm tiêu hao xuống còn 5%.
 
Dù sạc điện có dây hay không dây nhưng rõ ràng để xe điện thực sự phát triển, cơ sở hạ tầng cho dòng xe này là rất quan trọng. Các hãng xe đang trông chờ vào những khoản hỗ trợ từ chính phủ để xây dựng và mở rộng các trạm sạc điện công cộng cho xe điện. Nhưng chính phủ các nước châu Âu tỏ ra không mặn mà với yêu cầu này, nhất là trong lúc khó khăn đang chồng chất như hiện nay. Các hãng xe không còn cách nào khác là phải tự bỏ tiền túi để đầu tư những công nghệ sạc điện mới và tiện dụng hơn nếu muốn xe điện được người dùng chấp nhận.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn