Ford “tòi” ra những bí mật sản xuất xe thời hiện đại

Những bí mật công nghệ được Ford sử dụng trong việc sản xuất xe hơi vừa được hãng tiết lộ. Thông tin để “hớ hênh” khá ngược đời này là vì nhân kỷ niệm 101 năm Ford khai sinh ra hệ thống lắp ráp xe hơi theo kiểu dây chuyền đầu tiên trên thế giới. Có lẽ hãng muốn lại được công bố “trước” cả làng xe những công nghệ sản xuất của thời hiện đại. Đó chính là những ứng dụng công nghệ mô phỏng trong “game” vào thiết kế xe, sử dụng công nghệ in 3D và cả quy trình sản xuất “thử” tại nhà máy ảo.

Công nghệ in 3D
 
Chuyên gia đang dựng mô hình 3D tại nhà máy của Ford (Nguồn: Ford)
 
Nếu như trước đây nhà sản xuất phải dựng mô hình xe thật, thậm chí đến hiện tại nhiều nhà sản xuất vẫn còn đang “nặn” xe bằng đất sét. Thì ở Ford công nghệ dựng in 3D đã được ứng dụng. Việc sử dụng công nghệ in 3D giúp Ford thiết kế những nguyên mẫu chính xác như thật và kiểm tra những nguyên mẫu này trên thực tế, tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí so với trước đây. Công nghệ in 3D ra đời đã khuyến khích sáng tạo và thúc đẩy sự phát triển các thiết kế. Tận dụng được các thành tựu của kỹ thuật đồ họa số đã rất tinh vi.
 
 
Dùng công nghệ làm video game trong thiết kế xe
 
Chuyên gia đang kiểm nghiệm sản phẩm với chương trình nhập vai thực tế ảo (Ảnh: CrunchGear)
 
Từ năm 2006, chương trình nhập vai thực tế ảo (FIVE) của Ford đã ra đời tại trụ sở Dearborn, Mỹ. FIVE sử dụng công nghệ nắm bắt hình ảnh động và trình diễn 3D lập thể (được dùng trong phim hoạt hình và game) để mang đến cho các nhà thiết kế và kĩ sư một trải nghiệm sống động với các phương tiện chưa ra đời. Bằng việc sử dụng công nghệ thực tế ảo, các nhà thiết kế và kĩ sư của Ford có thể kiểm nghiệm những mẫu xe mới và điều kiện hoạt động tối ưu trước khi những chiếc xe chính thức đi vào sản xuất.
 
Cho đến nay, công nghệ phát triển ảo đã giúp xác minh hơn 150.000 chi tiết trên 200.000 nguyên mẫu ảo ở các phòng FIVE toàn cầu. Ford có thể kiểm nghiệm những mẫu xe mới và điều kiện hoạt động tối ưu trước khi cho ra đời mẫu xe thật, tránh nhiều tổn thất về chi phí và thời gian.
 
 
Sử dụng nhà máy ảo
 
Chương trình nhà máy ảo của Ford (Nguồn: Technologytell)
 
Trên tất cả, Ford đã tiến tới cả việc xây dựng hẳn một quy trình sản xuất xe từ lúc vẽ mẫu đến khi lái thử… tất cả là ảo! Chế tạo ảo là quá trình tất cả các bộ phận của một chiếc xe được đánh giá ảo, độc lập và trong bối cảnh của quy trình lắp ráp xe, trước khi được lắp ráp thực tế tại nhà máy. Quy trình này được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn thu thập dữ liệu, giai đoạn đánh giá các thành phần ảo và giai đoạn “xây dựng”.
 
Trong giai đoạn “xây dựng”, chiếc xe được lắp ráp ảo trong các phòng thí nghiệm kỹ thuật số từ những bộ phận thành phần nhỏ nhất đến lớn nhất.Trong khoảng 2 tuần, các công nhân tại nhà máy chế tạo ảo tiến hành qua các giai đoạn lắp ráp xe khác nhau. Trong thời gian này, nhóm nghiên cứu kỹ lưỡng việc sản xuất mô phỏng và đánh giá tính khả thi của các thiết kế. Nếu phát hiện bất kỳ vấn đề gì, các thiết kế xe có thể được chỉnh sửa trước khi bắt đầu quá trình chế tạo dụng cụ và sản xuất bộ phận vốn rất tốn kém. Quá trình này cũng tạo điều kiện cho các chuyên gia toàn cầu từ khắp nơi có thể cùng cân nhắc về thiết kế và sản xuất mẫu xe.
 
Chế tạo Ảo giúp ích rất nhiều cho quy trình thiết kế xe và ước tính giúp giảm 90% các vấn đề liên quan đến chế tạo tính từ năm 2002 khi Ford xác định Chế tạo Ảo là một quy trình chất lượng toàn cầu.
 
Ông Peter Bunting, Giám đốc Sáng tạo Kĩ thuật số của Ford Châu Á Thái Bình Dương cho biết, nhà máy ảo cho phép chuyên gia có thể nhìn xuyên thấu cấu trúc phương tiện để giám sát cách chúng hoạt động, từ tổng thể cho đến từng chi tiết như hệ thống máy và điện. Điều này giúp đánh giá toàn diện những vấn đề về cả kĩ thuật và thẩm mỹ.
 
 
Vậy khi đã tung hê và nói ra cả những bí mật về cơ chế sản xuất của mình như vậy, Ford muốn chứng tỏ điều gì! Ngoài mục đích thể hiện và lí giải cho khả năng linh hoạt tối ưu của dự án “Một Ford”, họ có thể sản xuất ra những chiếc xe đáp ứng chung cho tất cả các thị trường. Khả năng thay đổi mẫu mã, thiết kế linh hoạt với các kiểu nhu cầu “oái ăm” của khách hàng toàn cầu trở nên dễ dàng với máy tính. Cũng như ngầm đe các đối thủ rằng.. chạy theo họ là sẽ vất vả! Nhưng mặt khác nếu nhìn từ góc độ khách hàng, có vẻ như việc chế tạo xe bằng máy tính sẽ tạo ra nhiều nhiều mẫu xe hơn để chọn lựa. Và có lẽ chi phí sản xuất thực của một mẫu xe cũng sẽ phải rẻ đi nhiều. Giống như cuộc cách mạng của 101 năm trước, Ford đã tạo ra được những chiếc xe ô tô rẻ hều, ai cũng mua được. Tóm lại là giá xe phải rẻ hơn nữa thì công nghệ này mới thực sự có ý nghĩa. Hoặc biết đâu họ và các hãng xe khác cũng đã làm điều này từ lâu!?