Hậu trường dàn dựng các vụ đâm xe kiểu Mỹ

Hai lần mỗi tuần, các nhà nghiên cứu của Viện Bảo hiểm An toàn xe hơi Mỹ (IIHS) sẽ thực hiện một số bài thử nghiệm va chạm tiên tiến đối với các xe mới tại Mỹ, trong đó quan trọng nhất là nội dung đâm trực diện góc nhỏ (small overlap test).

 
Bài thử nghiệm được thiết kế để đánh giá khả năng “chịu đựng” của một chiếc xe khi đâm vào một vật cố định như cây, hay một phương tiện khác đang đỗ với một phần tư đầu xe tiếp xúc với vật cản. Tên gọi nghe có vẻ nhàm chán và hơi kỹ thuật nhưng phản ánh được bản chất của những sự cố thường xảy ra trên các đường phố ở Mỹ. Trên thực tế, va chạm phía trước góc nhỏ chiếm gần 25% những vụ va chạm trước liên quan đến các trường hợp chấn thương nghiêm trọng hay tử vong.
 
Trong thời gian gần đây, các nhà sản xuất xe hơi đã thi nhau thiết kế lại xe của mình nhằm đáp ứng được các tiêu chuẩn của nội dung thử nghiệm vì kết quả xếp hạng mà IIHS đưa ra có sức ảnh hưởng đáng kể đối với khách hàng. Tuy nhiên, để bài kiểm tra được thực hiện và đưa ra kết quả, cơ quan phải trải qua rất nhiều khâu.
 
Chuẩn bị cho tác động
 
Vào buổi sáng diễn ra bài thử nghiệm, hình nộm mô phỏng người điều khiển xe sẽ được đặt vào vị trí ghế lái và được các nhân viên của IIHS “chăm chút” cẩn thận, thậm chí còn hơn bản thân chiếc xe.
 
 
 
Các hình nộm đều có độ bền cao. Các kỹ thuật viên sẽ kiểm tra lại chúng sau mỗi 5 bài thử nghiệm, Vì vậy, những “tài xế” này có thể được sử dụng qua nhiều thập kỷ. Hình nộm có chiều cao và cân nặng tương đương với kích thước trung bình của một lái xe nam ở Mỹ.
 
Thực hiện bài test
 
Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, các đèn chiếu sáng sẽ được bật ở khu vực diễn ra bài thử nghiệm. IIHS mời đại diện từ các hãng xe đến để chứng kiến. Tuy nhiên, họ sẽ không có tiếng nói trong quá trình này. Một bên thứ ba đóng vai trò đánh giá liệu phương tiện có thể bảo vệ hành khách ngồi trên xe hay không.
 
 
Đâm trực diện góc nhỏ được cho là một “bài toán khó” với các tài xế. Hầu hết các xe đều không được thiết kế để ứng phó với hoàn cảnh này nên các lực tác động khi xảy ra va chạm thường làm giảm tác dụng bảo vệ của hệ thống an toàn được trang bị trên xe. Với một chiếc xe được thiết kế kém, các lực có thể đẩy lốp xe về phía sau và “tấn công” thẳng vào các thành phần xung quanh cabin, làm người lái bị tổn thương.
 
 
 
Về mặt lý thuyết, một túi khí sẽ bung ra từ vô-lăng và túi khí bên cũng phát nổ để bảo vệ đầu tài xế. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng thường không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Các lực tác động thường đẩy bảng điều khiển ra khỏi vị trí ban đầu, làm túi khí phía trước bị di chuyển ra khỏi vị trí cần thiết. Trong khi đó, túi khí bên không phải lúc nào cũng mở rộng đủ để bảo vệ những phần dễ tổn thương gần cửa sổ.
 
Kết quả
 
Nếu như các tổ chức khác đánh giá bằng số sao thì IIHS lại đưa ra các mức là Tốt (Good), Acceptable (Khá), Kém (Marginal) và Tồi (Poor). Kể từ khi nội dung thử nghiệm được đưa ra vào năm 2012, hầu hết những xe phổ biến nhất ở Mỹ đều không được đánh giá cao. Điển hình là Ford Escape và Toyota RAV4, hai trong số những xe crossover cỡ nhỏ bán chạy nhất tại đây, đều phải nhận kết quả Tồi (Poor). Chỉ một số xe, trong đó có Subaru Forester, Mitsubishi Outlander Sport hay Chevrolet Spark được đánh giá Tốt trong bài thử nghiệm.
 
Các xe tham gia phải đạt kết quả Tốt hoặc Khá trong nội dung va chạm trước góc nhỏ và Tốt trong các bài kiểm tra khác của cơ quan cùng một số tiêu chí khác mới được nhận giải Top Safety Pick+ - giải thưởng cao nhất của IIHS.
 
Đến nay, Nissan là hãng bị “dìm hàng” nhiều nhất từ nội dung đâm trực diện góc nhỏ. Đầu năm ngoái, chiếc crossover Nissan Rogue đã phải nhận một kết quả tồi tệ. Trong một báo cáo, cơ quan cho biết: “Rogue là chiếc xe kém nhất mà các kỹ sư của IIHS từng thấy”.
 
 
Tuần trước, chiếc Juke của Nissan cũng tham gia thử nghiệm và thể hiện khá kém cỏi  Tuy nhiên, IIHS chưa thể công bố kết quả chính thức cho đến khi các đối thủ cạnh tranh hoàn thành nội dung này. Kết quả dự kiến được đưa ra vào tháng 8.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn