Khám phá nhà máy sản xuất Lexus LFA - Kỳ 4: Động cơ V10 do Yamaha sản xuất

Lexus LFA sử dụng một cỗ máy V10 đầy sức mạnh nhưng ít ai biết rằng, đây là loại động cơ do Yamaha sản xuất. Ngoài ra, 375.000USD là giá bán cơ bản của chiếc siêu xe thể thao này, nhưng nhiều khách hàng phải bỏ ra một số tiền lên tới 465.000USD.

Trên dây chuyền di chuyển chậm rãi, LFA đi qua khu vực chính, nơi mà chiếc xe được lắp các bộ phận khác nằm trên những đường ray nhỏ hơn. Một trong số đó là dây chuyền phụ, mang cỗ máy V10 của Lexus. Bọc trong một tấm ni-lông mỏng, động cơ này được chuyển đến từ một nhà máy của Yamaha, nơi nó được gia công và lắp ráp hoàn chỉnh.
 
Chậm rãi, LFA tiến tới các bước hoàn thiện cuối cùng
 
Thông tin này có thể khiến nhiều người bất ngờ, bởi một chiếc siêu xe giá 375.000USD như Lexus LFA lại có động cơ do một hãng xe máy như Yamaha sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế thì Yamaha là hãng rất chuyên nghiệp trong việc phát triển động cơ cho các nhà sản xuất ô tô, đặc biệt là các dòng động cơ tính năng cao. Toyota cũng là một đối tác của họ, đồng thời cả hai hãng cũng là cổ đông của nhau.
 
Hình ảnh tư liệu cho thấy quá trình phát triển động cơ trên LFA
do Yamaha thực hiện.
 
Trong sơ đồ bố trí chung của Lexus LFA, động cơ được đặt ngay sau hai bánh trước. Hộp số, hay đúng hơn là cầu chủ động được bố trí phía sau, tạo ra tỷ lệ phân bổ trọng lượng trước/sau rất lý tưởng với 48:52 nghiêng về phía sau. Động cơ và cầu chủ động được nối với nhau thông qua một trục truyền mô-men được thiết kế đảm bảo cân bằng giữa hai yếu tố vừa bền vừa nhẹ.
 
Sơ đồ bố trí động cơ và hệ thống truyền lực của LFA.
 
Mặc dù con số chính xác về khối lượng của động cơ mang mã 1LR-GUE trên LFA không được công bố, tuy nhiên, với việc sử dụng một loạt các kim loại như nhôm, titan, ma-nhê, cỗ máy này được khẳng định là rất nhẹ.
 
Động cơ đã lắp ráp hoàn chỉnh được vận chuyển về từ nhà máy của Yamaha.
 
“Việc cắt giảm khối lượng bằng cách sử dụng vật liệu composite sẽ không có ý nghĩa gì, nếu phung phí thành quả ấy với một động cơ nặng nề”, Tanahashi nói và cho biết thêm rằng, động cơ V10 của LFA nhỏ gọn tương đương các loại động cơ V8 và nhẹ ngang ngửa một động cơ V6 thông thường, nhưng sức mạnh mà cỗ máy này tạo ta lại không kém gì một động cơ V12 với công suất cực đại 560 mã lực và mô-men xoắn lớn nhất đạt 480Nm.
 
Lắp ráp động cơ và hệ thống truyền lực.
 
Đồ thị mô-men xoắn của một số loại động cơ có thể biến thiên rất nhiều, nhanh chóng dốc lên rồi thoải xuống theo tốc độ quay tăng dần của động cơ. Nhưng khi kiểm tra các thông số động lực (dyno test), động cơ của LFA vẽ nên một đồ thị mô-men xoắn khá đều và phẳng, với khoảng 90% mô-men xoắn cực đại đạt được ngay từ tốc độ quay 3.700 vòng/phút và duy trì ổn định cho đến khi động cơ chạm đến giới hạn tốc độ quay tối đa. Trong trường hợp này thì đường thẳng “gợi cảm” hơn đường cong.
 
Lý lịch được lưu giữ cẩn thận
 
Nói về việc kiểm tra các thông số động lực. Mọi chiếc LFA được sản xuất ra đều phải đi qua bước này, không chỉ để kiểm tra động cơ hoặc hệ thống phanh, các thao tác nhàm chán của công đoạn này còn được dùng để đánh giá độ chính xác của công-tơ-mét.
 
Cân lực siết.
 
Trên một khu vực khác, quá trình lắp ráp vẫn diễn ra, nhưng ở đây dàn giao hưởng nghe không còn rõ nữa, không có những tiếng dội lên của các máy vặn bu-lông bằng hơi, thay vào đó là một chiếc khóa vặn bằng tay có màn hình kỹ thuật số để đo và hiển thị lực siết. Cứ sau mỗi một bu-lông, công nhân dừng lại và ghi chú lên một tờ giấy.
 
Đối với hầu hết mọi người, công việc quá tỉ mỉ này có thể là một ngạc nhiên lớn. Lực siết của mọi con ốc, bu-lông trên LFA đều phải được ghi lại trên một bản kê khai. Không chỉ là lực siết của từng bu-lông một, tất cả các thứ được chạm vào, được lắp ráp, ghép nối, điều chỉnh hoặc kiểm tra trên mỗi chiếc và mọi chiếc LFA đều được ghi chép và lưu lại những bản kê khai như vậy. Các bản này được ký bởi người điền dữ liệu, và sau đó được quản đốc ký lại một lần nữa.
 
Hồ sơ lưu trữ.
 
Cứ mỗi khi một trong số 500 chiếc LFA rời khỏi nhà máy ở Motomachi, người chịu trách nhiệm quản lý, cô Mami Murofushi lại đặt bốn chiếc hộp đựng hồ sơ nặng nề, là một tập hợp hàng nghìn bản kê khai, lên một chiếc kệ nằm trong phòng lưu trữ, chỉ cách khu vực lắp ráp LFA vài bước chân. Sắp xếp theo thứ tự mã số sản xuất của xe, các bộ hồ sơ này sẽ được lưu giữ ít nhất trong 50 năm nữa.
 
50 năm nữa tính từ bây giờ, các bộ hồ sơ này sẽ vẫn còn được giữ lại ở đây.
 
Tại sao các bộ hồ sơ lại được giữ trong 50 năm tới? Chỉ có một lý do, đó là những chiếc LFA này có thể tồn tại trong hơn 50 năm nữa. Chính Tanahashi cũng thành thật khai rằng ông không thể biết chính xác những chiếc LFA này sẽ tồn tại trong bao lâu.
 
 
“Tôi có cảm giác rằng CFRP có thể tồn tại mãi mãi”, Tanahashi nói. “Cẩn trọng hơn thì phải nói là rất lâu dài”. Xét ở khía cạnh tồn tại mãi mãi, Tanahashi không lo lắng lắm về vấn đề phát sinh khi sản phẩm hết tuổi sử dụng. Tuy nhiên, một số người khác thì không. Họ vẽ nên một bức tranh cho thấy những bộ khung xe bằng chất liệu sợi carbon chống phá hủy này chất đống trên các bãi chôn rác, 50 năm sau khi chúng được sản xuất bằng các phương pháp tốn kém. Tanahashi cũng nghĩ tới vấn đề này nhưng nói rằng, đến một thời điểm nào đó sợi carbon của LFA có thể sẽ được nghiền nát và vật liệu này lại được sử dụng làm nguyên liệu gia cường.
 
7 phút 14 giây 64
 
Di chuyển về phía đông bắc của khu phức hợp ở Motomachi, khách tham quan đến với một tòa nhà khác. Tại đây, 7 chiếc LFA đã hoàn thiện đang chờ đợi để được kiểm tra, “khám” tổng quát và kỹ lưỡng trước khi giao cho khách hàng. Công đoạn này mất trọn một tuần và là một trong những phần quan trọng nhất trong cả chuỗi quá trình hình thành một chiếc LFA.
 
7 chiếc LFA hoàn chỉnh chuẩn bị được kiểm tra.
 
Một trong số 7 chiếc xe ở đây được đặt hàng thêm gói trang bị Nurburgring. Gói này có trị giá lên tới 70.000 USD, và trong tổng số 500 chiếc, chỉ có 50 chiếc được trang bị thêm gói nâng cấp này.
 
Chiếc LFA được trang bị gói Nurburgring Package trị giá 70.000USD.
 
Với Nurburgring Package, công suất của Lexus LFA sẽ tăng thêm 11 mã lực. “Đó là sự khác biệt chính”, Tanahashi cho biết. Hệ thống treo cũng được điều chỉnh khác đi theo hướng thể thao hơn. Nurburgring Package còn giúp thời gian chuyển số giảm 0,05 giây, xuống còn 0,15 giây. Ngoài ra, mâm xe dạng đa thanh sẽ kết hợp với bộ lốp có độ bám đường cao hơn và cánh gió sau cũng được thiết kế lớn hơn để tăng lực ép xuống. Bên cạnh đó, khoang máy cũng có một số thay đổi nhỏ, cụ thể, lọc dầu được sơn màu bạc, và dòng chữ “Handbuilt by Lexus LFA Works” (Sản xuất bằng tay bởi phân xưởng Lexus LFA) trên nắp máy cũng nổi bật với màu đỏ, thay vì màu ngà champagne.
 
375.000 USD là giá cơ bản của Lexus LFA, tuy nhiên nếu chọn màu sơn đen mờ, khách hàng phải trả thêm 20.000USD, mua thêm cả gói trang bị Nurburgring, giá bán của xe sẽ lên đến 465.000USD.
 
“Đắt tiền, nhưng nó giảm bớt 8 giây cho mỗi vòng chạy ở đường đua Nurburgring”, Tanahashi nói và nhắc đến chuyến chạy thử trên cung Nordschleife của đường đua Nurburgring vào ngày 31/8/2011 với thời gian hoàn thành là 7 phút 14 giây 64. Đây là lý do vì sao gói trang bị này có tên Nurburgring Package.
 
Lọc dầu màu bạc thuộc gói trang bị Nurburgring.
 
Nếu không kể các kỷ lục do ba chiếc xe Radical SR8 LM (6:48), Radical SR8 (6:55) và Gumpert Apollo Sport (7:11:57) thiết lập trước đó nhưng không đưa ra các bằng chứng rõ ràng và đáng tin cậy, thì Lexus LFA với thời gian 7 phút 14 giây 64 (được ghi lại bằng video) là mẫu xe thể thao thương mại thực hiện một vòng chạy Nordschleife nhanh nhất trên thế giới. Đúng hai tuần sau đó, kỷ lục của Lexus LFA đã bị chiếc Dodge Viper ACR phá vỡ với thời gian ngắn hơn 2,5 giây, và đến nay trật tự này vẫn được giữ nguyên.
 
 
(Còn tiếp – Khám phá nhà máy sản xuất Lexus LFA - Kỳ 5).
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn