Ấn Độ - 'đất dữ' với Toyota, GM và VW

Năm tài chính 2013-2014 có thể là một thời điểm khó quên đối với các hãng xe tại Ấn Độ khi lượng tiêu thụ sụt giảm tới 4,65%. Tuy nhiên, đối với những ‘ông lớn’ như Toyota, GM và Volkswagen thì ‘nỗi đau’ thậm chí còn lớn hơn nhiều.

Xét về lượng xe hành khách tiêu thụ trên toàn cầu, Toyota, GM và Volkswagen đứng đầu danh sách. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, thị trường lớn thứ 6 trên thế giới, các hãng này phải ngậm ngùi xếp ở các vị trí thứ 6, thứ 8 và thứ 10. Volkswagen có thể được coi là tân binh với thời gian hoạt động tại Ấn Độ khoảng 7 năm, nhưng Toyota đã có một lịch sử 17 năm, trong khi GM là gần 20 năm.
 
Trong khi các ‘ông lớn’ nói trên đều phải đứng ở những vị trí cuối trong top 10 hãng xe hàng đầu Ấn Độ thì Maruti Suzuki giữ vị trí ‘quán quân’ với 42,1% thị phần, theo sau là Hyundai với 15,2% thị phần. Honda – một cái tên khá quen thuộc trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới – cũng chỉ nhỉnh hơn Toyota một chút với vị trí số 5.
 
Theo Wilfried Aulbur, đối tác quản lý tại Roland BergerBSE Strategy Consultants, Ấn Độ là một thị trường với những thuộc tính rất khác biệt, yêu cầu các hãng xe phải điều chỉnh hoạt động của mình so với các thị trường khác.
 
Điển hình là phân khúc xe có giá dưới 4 lakh Rupee (hơn 6.500 USD) chiếm khoảng 70% thị trường xe Ấn Độ, buộc các hãng phải cải thiện sản phẩm của mình để thích ứng với thị trường. Điều này đồng nghĩa với những khoản đầu tư đáng kể mà không phải tên tuổi nào cũng sẵn sàng bỏ ra.
 
Trong thời gian gần đây, Renault Duster, Ford EcoSport and Honda Amaze đều đã giải được ‘bài toán’ bằng sự kết hợp giữa chức năng, thiết kế, giá cả và các dịch vụ sau bán hàng. Toyota cũng được cho là có những thành công nhất định với Qualis và Innova nhưng Volkswagen, GM vẫn đang vật lộn để tìm kiếm những sản phẩm có thể làm tăng số xe bán ra và sống sót ở thị trường Ấn Độ.
 
Trong khoảng thời gian gần 20 năm, chi nhánh Ấn Độ của GM phải gánh chịu khoản lỗ lũy kế  2.740 crore Rupee (463 triệu USD) trong khi chỉ giành được 2% thị phần và một vết nhơ danh tiếng vì làm sai lệch dữ liệu về khí thải. VG Ramakrishanan – Giám đốc điều hành Frost & Sullivan – nhận định: “GM gặp khó khăn là do đem vào Ấn Độ những sản phẩm được thiết kế dành cho các thị trường nước ngoài”.
 
Hãng xe Đức Volkswagen cũng từng có một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2010- 2012 với Polo và Vento nhưng đã chậm lại do sự vắng mặt của một chiếc xe nhỏ dành riêng cho khách hàng Ấn Độ cũng như cơ sở cung cấp hiệu quả. Trong khi đó, việc liên tục thay đổi quản lý cấp cao lại không giúp giải quyết vấn đề.
 
Rakesh Batra của Ernst & Young cũng nhấn mạnh yêu cầu phải nội địa hóa sản phẩm khi cho rằng: “Các hãng xe cần có một cơ cấu chi phí, chiến lược sản phẩm rõ ràng và tập trung vào các thị trường đô thị, nông thôn để đạt mục tiêu lợi nhuận”.
 
Tuy nhiên, theo Tổ chức Các nhà sản xuất xe có động cơ quốc tế, Ấn Độ đứng thứ 6 thế giới về sản xuất xe hơi trong năm 2013, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ và Hàn Quốc.  Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng đây vẫn là trọng tâm trong kế hoạch sản xuất của các hãng xe toàn cầu. Họ đang hướng tới cạnh tranh về giá, nội địa hóa bằng cách tung ra các mẫu xe mới, đẩy mạnh doanh số và mạng lưới sau bán hàng.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn