Co kéo lại công nghiệp ôtô Việt

Tư duy co kéo ngành công nghiệp ôtô được duy trì với niềm tin khá ngây thơ rằng: Khi nhập khẩu trở nên khó khăn và đắt đỏ, các nhà sản xuất ôtô buộc phải tăng cường dây chuyền sản xuất ở Việt Nam. Và những “chiếc xe Việt” từ Toyota Vĩnh Phú đến Vinfast sẽ còn có cơ nếu như chúng thực sự vẫn được tiếp tục ra lò.

Co kéo lại công nghiệp ôtô Việt
 
nhiên, Toyota Việt Nam từng phát biểu tại Hội thảo Phát triển Công nghiệp hỗ trợ từ năm ngoái rằng: “Nếu chi phí sản xuất tại Việt Nam rẻ như Thái Lan thì Toyota mới có thể tiếp tục duy trì đầu tư, sản xuất tại đây.” Giống hệt như ở Úc! Trong khi đó, những văn bản như Nghị định 116 mới chỉ có khả năng gia tăng khó khăn cho xe nhập khẩu, mà chưa gỡ được những rắc rối làm nên chi phí sản xuất đắt đỏ ở Việt Nam. Dĩ nhiên, nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu luôn có cách để thích ứng, tính toán sao cho vẫn có lãi như cũ, nhà nước cũng chẳng chịu thiệt, vừa mang danh bảo vệ nền công nghiệp nước nhà lại vừa đảm bảo thu ngân sách. Cái gì nghe cũng tròn. Cho nhiệm kỳ này. Chỉ có tương lai vẫn mịt mờ như cũ. Và cuối cùng, mọi chi phí vẫn đổ lên đầu người tiêu dùng. Dĩ nhiên! 
 
Trên thế giới, cuộc cách mạng 4.0 lan tỏa mạnh mẽ đã thay đổi cách con người toàn cầu hóa. Không còn là mang cơ sở sản xuất đến đặt ở một nước nào đó rẻ bèo, rào lỏng và lắm ưu đãi. Bởi họ có thể ngồi từ nhà mà thu tiền từ xa, dưới dạng hàng hóa “nhập khẩu vô hình” xuyên biên giới, đơn cử như điện toán đám mây, công nghệ kết nối, nền tảng bán hàng trực tuyến, nền tảng chia sẻ… mà chẳng mất mấy đồng cho nước sở tại.
 
Từ đó mới thấy, ưu tiên cho chính sách thương mại tự do nay phải khác trước. Hàng rào thuế má đã trở nên lỗi thời. Thay vào đó là các hàng rào kỹ thuật mới, đến chủ quyền số và thông tin người dùng. Nhân công giá rẻ nay sẽ càng mất giá, nhân công công nghệ mới có thể sinh lời cao hơn. Miễn thuế đất mấy chục năm trở nên vô ích, khi đã có đất “ảo”. Và những chính sách nghe có lý thực chất lại lắm chuyện cũng chỉ làm nên hàng rào ảo tưởng sẽ đe được ai đó, mà người ta vẫn sống ung dung và có khối cách để kiếm lời. 
 
Việt Nam vẫn còn một lợi thế nữa có thể đem ra trao đổi: một thị trường đáng kể với sức mua ngày càng tăng. Báo cáo của công ty nghiên cứu Nielsen cho thấy: 23% người tiêu dùng nói rằng họ sẵn sàng chi tiêu một cách thoải mái, 51% cho rằng họ có thể mua những thứ mà họ muốn, và 60% sẵn sàng chi trả cao hơn để mua các sản phẩm có chất lượng cao hơn mức tiêu chuẩn thông thường! 
Thị trường trẻ! Chịu chi! Đang lên! Và khá lớn, gần trăm triệu dân! Đó là ước mơ của mọi ngành công nghiệp, không chỉ riêng xe hơi. 
 
Nhưng thị trường đó lại đang bị bào mòn bằng những chính sách kiểu Nghị định 116 - tiếp tục bảo hộ cho một nền công nghiệp không chịu lớn. Lại được vận hành bởi tư tưởng “làm xe không phải để cho dân có xe đi” hay tệ hơn cả là buộc người tiêu dùng phải tự lo “thông thái”!
 
Và thị trường lên tiếng. Khi phải tự thông thái, người mua đã quyết định rằng: Tại sao phải mua một chiếc xe hơi mới ngay bây giờ khi chiếc xe mơ ước của bạn “rất có thể sẽ có giá dễ chịu hơn trong tương lai, khi thuế nhập khẩu về 0%”? Tính chung 11 tháng năm 2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 10% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng số thuế các loại đánh trên đầu chiếc xe giảm không chỉ 10% dù chẳng bao giờ có một công bố chính thức đáng tin cậy nào về số thuế ôtô thu được. Xe lớn đắt tiền giá tăng khó bán. Xe nhỏ giá còn giảm hơn. Chẳng có xe nào đáng phải mua đắt hơn để...chạy mỗi tí Tết. 
 
Có thể người định mua xe đã tính sai. Nghị định 116, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ… sẽ ngăn cản giá xe giảm xuống. Cả xe nội cũng trở nên... không có nhu cầu giảm giá. Nhưng chắc chắn người mua không chịu trách nhiệm cho việc sản xuất xe ôtô trong nước 10 tháng năm 2017 chỉ bằng 91,7% so với cùng kỳ năm ngoái, càng không có nghĩa vụ đảm bảo đủ việc làm cho ai cả.
 
Còn một thị trường gần trăm triệu dân trong khi kinh tế vẫn tăng trưởng cao đến tận 6,7%, thuộc loại nhất thế giới lại giảm đến 9-10% trong khi có thể tăng trưởng 20-25%, chỉ hoàn toàn vì chính sách thu thả phập phù và bị méo mó trồi sụt bởi mấy cái phát ngôn tiền hậu bất nhất của mấy ông cầm cân thuế má thì thật là...! 
 
Hy vọng chúng ta khéo co kéo cái công nghiệp ôtô này sao cho vẫn còn gì đó để mặc cả khi tham gia, cho dù chậm chạp, vào quá trình toàn cầu hóa 4.0.
 
Hay mấy chấm không cũng được!