Được bao bọc, ngành ôtô Việt vẫn “thất bại thảm hại”

Sau hơn 20 năm ra sức bảo hộ, Bộ Công thương cuối cùng cũng phải thừa nhận mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam chính thức thất bại. Ngành ôtô trong nước vẫn mãi chỉ là “đứa bé không chịu lớn” khi giá bán cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Thị trường ô tô Việt Nam
 
Trong bản báo cáo về tình hình ngành công nghiệp ôtô mới đây của Bộ Công Thương, Bộ cho biết ngành công nghiệp đã tạo ra hơn 120.000 việc làm cho người lao động, góp phần giảm nhập siêu và đưa hàng tỷ USD vào ngân sách nhà nước.
 
Theo thống kê đến năm 2016, cả nước có khoảng 173 doanh nghiệp tham gia lắp ráp, sản xuất ôtô, bao gồm 117 doanh nghiệp sản xuất từ xe cơ sở và 56 doanh nghiệp sản xuất xe từ linh kiện rời. Trong số đó, phần lớn các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, một số cũng đã tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
 
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vẫn phải thừa nhận hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phần lớn mới ở mức độ lắp ráp giản đơn và chưa đạt các tiêu chí đã đề ra. Một số nguyên nhân chính được đưa ra là tình trạng giá bán cao gấp đôi các nước trong khu vực và tỷ lệ nội địa hóa còn thấp.
 
Giá bán cao
 
Từ lâu, không ít người tiêu dùng Việt đều “phát thèm” với người dân tại các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...  khi họ được mua những mẫu xe với mức giá thấp hơn rất nhiều, có thể chỉ bằng một nửa tiền so với thị trường Việt.
 
Lãnh đạo Bộ Công Thương lý giải, do các loại phí, thuế của nước ta cao, sản lượng tích lũy trong nước thấp, các doanh nghiệp đang sản xuất kém xa công suất thiết kế đã dẫn đến việc giá xe luôn ở mức cao hơn các thị trường khác.
 
Tỷ lệ nội địa hóa thấp
 
Bên cạnh giá bán xe cao, sự “thất bại” của ngành công nghiệp ôtô trong nước còn nằm ở tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Bộ từng đặt mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa năm 2005 và 40% và năm 2010 là 60%. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ mới đạt từ 7-10%. Ngay cả một doanh nghiệp đứng đầu là Trường Hải, tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ “khá khẩm” hơn ở mức 15-18%.
 
Không những vậy, các sản phẩm được nội địa hóa cũng mang hàm lượng công nghệ rất thấp như gương, kính, ắc-quy, săm, lốp... Hàng năm, các doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện với giá trị lên tới 2-3,5 tỷ USD. Đây là một con số không hề nhỏ.
 
Bên cạnh đó, chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước dù có cải thiện nhưng vẫn chưa thể bằng xe nhập khẩu, chưa có sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp, hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn chưa được hình thành.
 
Bộ cảnh báo trong khi Việt Nam vẫn bị bỏ lại phía sau thì ở một số nước láng giềng, tỷ lệ nội địa hóa của họ đã ở mức 65-70%, thậm chí 80% đối với Thái Lan.
 
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Bộ Công thương phải thừa nhận về sự thất bại của ngành công nghiệp ôtô trong nước mà điều này đã được đưa ra từ cuộc họp với Chính phủ vào cuối năm 2016. Trong suốt một thời gian dài, Bộ Công thương áp dụng nhiều chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự “lấn át” của xe nhập. Tuy nhiên, tình thế không mấy khả quan, đặc biệt khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018 khiến số lượng xe nhập được dự đoán sẽ tăng mạnh so với xe lắp ráp, chưa kể đến việc một số hãng đều đã tính đến chuyện “đóng cửa đi buôn” nhằm đảm bảo doanh thu.
 
Vẫn muốn phát triển ngành ôtô
 
Trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, Bộ Công Thương vẫn “kiên trì” với mục tiêu làm ôtô. Bộ cho biết đã thành lập Tổ công tác liên ngành để đánh giá thị trường trong nước một cách toàn diện và trong mối tương quan với các thị trường khác trên thế giới, xác định kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2020. Bên cạnh đó cũng sẽ điều chỉnh các quy định về thuế, hình thành hệ thống nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện.
 
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại khi xe nhập khẩu gia tăng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước.
 
Tuy nhiên, trước thực trạng hàng loạt chính sách bảo hộ trong quá khứ và hiện tại cũng chưa thể giúp ngành công nghiệp trong nước “cất cánh”, các biện pháp mới có thể thay đổi tương lai của ngành ôtô hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Đó là chưa kể đến những chính sách ưu đãi quá nhiều có có thể làm giảm sức cạnh tranh khi cứ gặp khó khăn, các doanh nghiệp lại dùng chiêu bài xin giảm thuế, nếu không sẽ “dọa” chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu.