EU đột kích hàng loạt ‘ông lớn’ sản xuất phụ tùng ôtô vì nghi ngờ thao túng giá

Cơ quan quản lý cạnh tranh EU mới đây vừa tiến hành đợt khám xét bất ngờ văn phòng hành chính của 3 hãng chuyên sản xuất bộ phận ống xả xe hơi, một phần của cuộc điều tra rộng hơn về nghi vấn thao túng giá trong ngành công nghiệp.

 
3 hãng này gồm công ty Faurecia của Pháp, Eberspaecher của Đức và Tenneco của Mỹ. Theo Reuters, trong một thông báo đưa ra hôm thứ Ba (25/3), Ủy ban châu Âu đã cáo buộc cả 3 hãng trên cố tình thông đồng với nhau hoạt động như một cartel nhằm dễ dàng ấn định giá trong ngành công nghiệp ôtô. Nếu phát hiện đầy đủ bằng chứng, cả 3 doanh nghiệp trên có nguy cơ đối mặt với án phạt lên tới 10% trong tổng số doanh thu toàn cầu của họ.
 
Mặc dù không tiết lộ danh sách các công ty lọt vào tầm ngắm trong cuộc điều tra đàn áp vấn nạn thao túng giá trong ngành công nghiệp 4 bánh, song EU cũng cho biết cơ quan này đang tiến hành điều tra hơn 70 doanh nghiệp có dính líu tới việc ấn định giá của hơn 100 bộ phận xe hơi. Trong đó, Faurecia – công ty có tới 52% cổ phần thuộc hãng xe Pháp danh tiếng Peugeot Citroen – đã lên tiếng xác nhận có việc bị EU bất ngờ điều tra.
 
Trả lời phỏng vấn của báo giới, đại diện của Faurecia nhấn mạnh: “Các nhà chức trách chống độc quyền của EU đã tiến hành cuộc điều tra đối với các nhà cung cấp hệ thống kiểm soát khí thải xe hơi. Hiện Faurecia đang hợp tác đầy đủ với các cơ quan chức năng của EU”.
 
Trong khi đó, Tenneco cho biết văn phòng của công ty này tại Đức đã nhận được cuộc “ghé thăm” của EU và một trát đòi hầu tòa của Bộ Tư Pháp Mỹ. Về phần Eberspaecher, có trụ sở tại Esslingen (Đức), với khoảng 7.300 nhân viên và đạt được mức doanh thu hơn 38,5 triệu USD năm 2012, không giấu diếm việc bị đưa vào tầm ngắm.
 
Vụ khám xét đột xuất của EU được coi là bước đi mới nhất trong nỗ lực đàn áp các thế lực ngầm đang thao túng giá trong ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu. Trước đó, các nhà chức trách tại Mỹ, Nhật Bản và Canada cũng đã đưa ra án phạt hàng trăm triệu USD đối với nhiều nhà sản xuất vì hành vi thông đồng “thổi giá” các phụ tùng như dây an toàn, bộ tản nhiệt, kính gạt nước và hệ thống điều hòa không khí. Gần đây nhất là án phạt 740 triệu USD của Bộ Tư Pháp Mỹ dành cho 9 hãng linh kiện ôtô của Nhật Bản.
 
Nếu cuộc điều tra được tiến hành đồng loạt trên toàn cầu, rất có thể người ta sẽ nhìn thấy một sự kết nối chằng chịt của một mạng lưới khổng lồ. Lấy ví dụ ở Việt Nam, trong một cuộc điều tra mới đây, có tới 51% doanh nghiệp chế tạo linh kiện ôtô thừa nhận thực hiện chuyển giá. Đã có nhiều dư luận về hành vi này suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhưng có lẽ tương tự vụ PCI trước đây hay JTC hối lộ lãnh đạo đường sắt mới đây, bí mật sẽ chỉ thực sự được vén màn khi các vụ điều tra được tiến hành bởi cơ quan hữu trách nước ngoài.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn