Ford là hãng xe Mỹ đầu tiên vào Myanmar

Hãng xe Mỹ cho biết sẽ hợp tác với một công ty Myanmar là tập đoàn Capital Diamond Star để bắt đầu bán tại thị trường này từ cuối năm nay.

Hôm 30/4 vừa qua tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, đã diễn ra lễ công bố chính thức ra nhập thị trường xe nước này của Ford, đồng thời hãng xe Mỹ cũng giới thiệu về showroom trưng bày xe đầu tiên sẽ đi vào hoạt động từ tháng 8 năm nay.
 
“Chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội rất lớn tại một thị trường mới mẻ 60 triệu dân và có tỷ lệ người sở hữu ôtô thuộc hàng thấp nhất thế giới,” ông David Westerman, một giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Ford cho biết.
 
Đường cao tốc dẫn tới thủ đô Naypyidaw của Myanmar rộng nhưng vắng bóng xe ô tô
 
Số nhân viên của Ford bước đầu cho kế hoạch “tiến quân” vào Myanmar chỉ khoảng 50 người, chủ yếu ở Yangon. Hiện tại Ford chưa có kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại đây và nhu cầu xe Ford tạm thời được xác định chủ yếu là xe thương mại. Tuy nhiên, ông Westerman nói rằng các mẫu xe sẽ tăng lên bắt đầu từ cuối năm nay và sẽ xuất hiện cả các xe sedan, bán tải, SUV. Trong đó, Ford Ranger và Taurus sẽ được ưu tiên.
 
Ford là công ty xe hơi đầu tiên của Mỹ đặt chân vào thị trường Myanmar sau một thời gian dài nước này bị cấm vận. Ford cũng như một số thương hiệu khác của Mỹ là Pepsi, Cocacola, 7-Up và Mirinda đều tiến vào thị trường được coi là tiềm năng này qua mối hợp tác với tập đoàn Capital Diamond Star, do Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất còn những hạn chế với Myanmar. Vì vậy, khó khăn lớn nhất mà Ford phải đối mặt là phá vỡ “lớp băng” tại nơi mà người tiêu dùng vốn quen thuộc xe đã qua sử dụng trong khi giá bán xe mới khiến các sản phẩm của Ford được xếp vào số hàng hóa cao cấp. Ngoài ra, Ford sẽ phải mất thời gian để làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người Myanmar. Zaw Zaw, một chủ đại lý xe hơi cũ tại Yangon đã nhận xét: “Xe Mỹ sẽ đắt hơn và sẽ sử dụng nhiều nhiên liệu. Tôi nghĩ rằng khách hàng sẽ thích xe hơi Nhật Bản hơn.”
Thị trường xe của Myanmar bị kìm hãm nhiều thập kỷ qua do lệnh trừng phạt quốc tế và kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ bởi chính quyền quân sự cai trị trong gần 50 năm, giấy phép nhập khẩu chỉ được cấp với một vài công ty có mối thân thiết với chính quyền. Hiện nay hầu hết các xe ở quốc gia Đông Nam Á này đều là xe hơi Nhật Bản, với ước tính khoảng 80% xe hơn 10 năm tuổi.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn