Ford mệt mỏi ở Úc, quay sang châu Á

Sau 9 thập kỷ kể từ khi ngài Henry Ford bắt đầu cho sản xuất ra những chiếc Model T đầu tiên ở Úc vào năm 1925, Ford Motor nhận thấy quốc gia với đồng tiền ngày một tăng mạnh đang phá hủy sức cạnh tranh của hãng, Úc đã không còn là địa điểm đặt nhà máy lý tưởng nữa. Ngày 22/5, hãng tuyên bố sẽ cho đóng cửa hai nhà máy sản xuất lớn đặt tại quốc gia này.

Chi phí sản xuất ở Úc không những cao gấp 4 lần nhà máy ở châu Á mà thậm chí còn gấp đôi so với khu vực châu Âu. Do đó, Chủ tịch Ford chi nhánh Úc - Bob Graziano - cho biết công ty buộc phải đóng cửa hai nhà máy đặt tại Melbourne và Geelong từ tháng 10/2016, đồng nghĩa với việc mất đi 1.200 việc làm. 2016 cũng chính là năm Ford dự kiến chuyển dây chuyền sản xuất chiếc Fiesta từ Mexico sang Đông Nam Á và hiện Ford đang đẩy nhanh kế hoạch tăng năng suất các nhà máy của Thái Lan lên 8 lần. Do đó, đợt cắt giảm mạnh tay ở Úc sẽ không ảnh hưởng lắm đến chuỗi cung ứng toàn cầu của Ford.
 
Kể từ khi chính phủ Nhật Bản cho phá giá mạnh đồng Yên, khiến đồng đô la Úc trở nên đắt một cách tương đối, biến những chiếc xe nhập khẩu giờ giá còn dễ chịu hơn cả hàng sản xuất trong nước, đẩy các nhà sản xuất ôtô ở đây trở nên nghiêng ngả và dễ dàng đi đến quyết định cắt giảm sản lượng hoặc đóng cửa hoàn toàn. Chỉ cần một hãng có động thái thoái lui, tất những hãng khác có thể trông theo mà hành xử, đe dọa sự sống còn của ngành công nghiệp ôtô và giáng đòn đau vào chính quyền Thủ tướng Julia Gillard và Đảng Lao động. Năm ngoái, Úc đã ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp ôtô với việc mở ra quỹ hộ trợ lên đến 5,4 tỷ đô la Úc, trong đó có 34 triệu đô la Úc là hợp tác với Ford. Lãnh đạo phe đối lập Tony Abbott cho biết, 22/5 đã trở thành một “ngày đen tối cho sản xuất của Úc”.
 
Jac Nasser - Chủ tịch Tập đoàn khai mỏ lớn nhất thế giới BHP Billiton Ltd, đồng thời là cựu Giám đốc điều hành Ford - lo ngại sẽ xảy ra hiệu ứng domino. Ford là nhà sản xuất ôtô nhỏ nhất trong bộ ba “đại gia xe hơi” ở Úc, sau Toyota Motor và General Motors. Chỉ cần một hãng bỏ cuộc thì cũng có nghĩa là ngành công nghiệp ôtô bị hẹp một cách trầm trọng và ảnh hưởng đến cả chuỗi cung ứng. Ngành công nghiệp xe hơi đang mang lại 45.000 công ăn việc làm cho người Úc, chưa kể hơn 250.000 lao động trong các ngành có liên quan. Bộ Tài chính dự kiến tỷ lệ thất nghiệp của nước Úc trong năm tài chính tiếp theo có thể tăng đến 5,75%, cao nhất tính từ năm 2009 trở lại đây.
 
Ford từng tin rằng dòng xe sử dụng hệ dẫn động cầu sau RWD như Falcon hay Territory SUV sẽ rất được yêu thích. Tuy nhiên, người tiêu dùng luôn có cách hành xử riêng hoàn toàn có thể đi ngược lại dự đoán của các chuyên gia dù tiếng có to đến đâu: doanh số của Falcon đã giảm đi khoảng 75% trong vòng 20 năm qua. Công ty hy vọng có thể ngăn chặn nạn “chảy máu thị hiếu người tiêu dùng” với động cơ mới EcoBoost, song thật không may, sức mạnh tiết kiệm nhiên liệu đã không đủ để đưa chiếc Falcon trở thành một chiếc xe tuyệt vời trong mắt người tiêu dùng. Cuối cùng Ford cũng đánh mất dần sự kiên nhẫn của mình và quyết định chỉ sản xuất Falcon và Territory SUV trong vòng 3 năm tới rồi sẽ chỉ tập trung vào các dòng “toàn cầu” như Fusion và Focus. Do đó, Ford ở Úc vẫn sẽ tồn tại với khoảng 1.500 nhân công và 200 đại lý, nhưng sẽ không còn như trước nữa. Đó là điều tất yếu.
 
Hồi tháng trước, GM chi nhánh ở Úc (Holden) cũng tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 500 việc làm cũng với lý do tương tự như của Ford. Mike Devereux - Giám đốc điều hành của Holden - cho biết chi phí sản xuất xe hơi ở Úc đã tăng 60% trong thập kỷ vừa qua. Trong khi đó, doanh số xe hơi Nhật Bản - thị trường xuất khẩu sang Úc lớn nhất trong số các nước châu Á - đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe cam kết kích thích phát triển kinh tế thông qua chính sách tiền tệ tích cực. Devereux chỉ trích cuộc chơi của các ngân hàng trung ương đã kiến tạo nên những sân chơi không bình đẳng cho doanh nghiệp.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn