Món nợ ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Tiêu thụ ôtô sụt giảm, ngay lúc thuế cần thu nhất. Tháng 11/2017, lượng tiêu thụ ôtô tại thị trường Việt đạt giảm 13% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến tháng 11, lượng tiêu thụ cộng dồn của năm 2017 cũng thấp hơn 10% so với năm 2016.

Ngành công nghiệp ôtô, với nhiều người, quả thật là một viên ngọc quý theo nghĩa “nguồn thu”. Ở thời buổi lúc nào cũng có nguy cơ giảm thu lơ lửng, có được một thị trường đủ quy mô để... can thiệp cho giảm thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm âu cũng chẳng phải dễ dàng! Đối với nước nào cũng vậy, đó là một trong những nền tảng quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế mang lại việc làm, động lực, nguồn thu, cả hy vọng lẫn kỳ vọng “để dành cho thế hệ sau”. Ở nước ta lại còn hơn như vậy. Đó là cả ước mơ đằng đẵng được “bonus” thêm hai mươi năm trời thất vọng.
 
Nhưng đó là chuyện của người làm chính sách. Họ được trả lương để quy hoạch cho ra tấm ra món một thứ gì đó. Không thành là trách nhiệm và món nợ của họ.
 
Còn với người tiêu dùng, sao phải bận lòng, miễn là có xe để đi, với giá phải chăng nhất, là sướng rồi!
 
Thế nhưng, chẳng rõ từ bao giờ, chuyện của “nhà cái” làm chính sách cứ được nghiễm nhiên đổ lên đầu người tiêu dùng! Vị ”cha đẻ” của bản chiến lược phát triển ôtô Việt gần đây đã nói rằng làm công nghiệp không để cho dân có xe đi. Thế mà nay, ông Bộ trưởng Tài chính khi bàn về câu chuyện sản lượng xe bán được giảm trong năm so với cùng kỳ năm ngoái: “Người mua đang trông chờ sau ngày 31/12/2017 khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ mua xe, đã ảnh hưởng tới công ăn việc làm lao động trong ngành công nghiệp ôtô trong nước.” Lạ thay!
 
Đây cũng chẳng phải lần đầu. Đổ vấy cho dân cũng là một khuyết điểm dễ lây của các quan chức hồn nhiên và hơi dễ dãi trong lời ăn tiếng nói.
 
Có một dạo, nạn mũ bảo hiểm rởm tràn lan, người ta bán đầy đường với những dòng chữ rao to đùng, hầu như ai cũng có thể thấy rõ ràng. Thay vì lo quản lo chặn lo bắt, các cơ quan quản lý thị trường từ cao đến thấp đều đồng lòng đổ tại người mua và đề xuất phạt những người tiêu thụ hàng rởm! Rồi chuyện thực phẩm bẩn tràn lan, ông quản lý nhà ta lại nói: Ai bảo cứ mua. Người tiêu dùng là phải thông thái! Hay khi hàng Việt cứ mãi lép vế hàng ngoại, thì người tiêu dùng lại bị chê là sính ngoại. Hóa ra, mỗi người dân muốn sống ổn được đều phải tài giỏi... như một quan quản lý thị trường! Gần đây nhất, giữa cái sự ồn ào của BOT Cai Lậy đang gây bức xúc khắp miền Tây và cả nước, thì ông Bộ Giao thông vẫn coi như... điếc, cử cả những chiếc xe cẩu to đùng mua bằng tiền thuế của dân đến để toan đối phó ngăn chặn người dân tỏ thái độ bằng những biện pháp hợp pháp và hợp lẽ đời. Còn ông thứ trưởng nào đó vẫn nói như trên mây “mong người dân ủng hộ vì bộ... không sai!”
 
Tất nhiên, có những lúc nhà quản lý cũng tinh tế lắm. Đơn cử như, cơ quan lập đề án hạn chế xe cá nhân ở Hà Nội đã cẩn thận khảo sát hàng nghìn người dân, và 90% người dân ủng hộ nhiệt liệt cấm xe máy. Quả là quá tôn trọng!
 
Đổ cho người tiêu dùng tuy đơn giản thật, nhưng mà không dễ! Thị trường có lý sự riêng. 
 
Nền thương mại toàn cầu mấy chục năm qua dựa trên một nguyên tắc: Các nước làm ra những sản phẩm có lợi thế so sánh nhất sẽ dành được miếng bánh to nhất. Thế giới ngày càng phẳng. Người yếu giữ được cái miếng nhà mình ngày càng khó. Hàng hóa thì cứ chảy chỗ trũng. Nhất là ôtô. Các thương hiệu xe hơi hàng đầu thế giới không còn ai chỉ sản xuất “cho nhu cầu trong nước”. Và hai ba chục năm nay, cũng chưa thấy ai xây nổi một thương hiệu cho một hãng xe mới nào, kể cả gã khổng lồ phương Bắc lắm tiền lừng danh “công xưởng thế giới” lẫn “ông vua hàng nhái”! 
 
Nếu lợi thế so sánh trước kia thường dựa trên nhân công (giá rẻ hoặc tay nghề, tùy vào ngành cần số lượng hay chất lượng) và nguyên liệu, đôi khi có thêm yếu tố mang tính can thiệp nhà nước như hàng rào thuế quan, chính sách bảo hộ. Nay, nó đã không còn là lợi thế mà trở thành rào cản. Chẳng thế mà, ở một trong những nước nổi tiếng về sự bảo thủ, Chủ tịch Tập đoàn Toyota Akio Toyoda đã phải phát đi thông điệp với ban lãnh đạo: Phải hành động “ngay bây giờ hoặc không bao giờ” để quyết định “tồn tại hay diệt vong”. Ông Toyoda muốn khơi dậy “tư duy khủng hoảng” trong đội ngũ lãnh đạo để công ty khổng lồ này không rơi vào trạng thái trì trệ, đáp ứng những thay đổi nhanh chóng trong ngành công nghiệp, không chỉ là công nghệ mà cả sự đe dọa từ những đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện từ thung lũng Silicon và Trung Quốc.
 
Thế nhưng, Việt Nam ta vẫn đang tự hào với ít nhất ba lợi thế cũ. Đó là nhân công giá rẻ (nhưng chưa chất lượng và hoàn toàn có thể dùng công nghệ 3D, robot thay thế ở một số công đoạn). Đó là nguồn tài nguyên đã bị khai thác đến... trơ đất, và cũng không rõ sẽ còn duy trì được trong bao nhiêu năm nữa. Đó là tư duy bảo hộ được thể hiện khá rõ nét trong văn bản gây xôn xao làng công nghiệp ôtô Việt Nam trong năm qua: Nghị định 116 siết lại điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
 
Ai cũng biết, chính sách bất ổn không phải chuyện tốt với một nền công nghiệp toàn cầu như ôtô. Một trong những điều mà các nhà quản lý luôn hứa hẹn một cách nhất quán trong suốt cả năm qua là giảm tải thủ tục hành chính, thoát khỏi các quy định, đẩy lùi tệ quan liêu. Nhưng dường như không bao hàm ngành ôtô. “Hôm qua” mới tuyên bố bãi bỏ gánh nặng trong Thông tư 20, “hôm nay” lại bất ngờ ban Nghị định 116. Dưới danh bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 116 vẫn không khác gì một dạng “giấy phép con” như hàng ngàn loại giấy phép con khác còn tồn tại bóp méo sự vận hành của thị trường. Chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho những dòng xe dung tích nhỏ cũng chỉ đủ sức kéo giá một chiếc xe giảm được vài chục triệu đồng. Vừa đấm vừa xoa, ai cũng chẳng làm mất lòng mà có mất thì điều đình một chút cũng có thể cười xòa với nhau. Với kiểu làm sao đủ thu cho ngân sách, quản được nhà buôn xe, xoa một chút nhà lắp ráp, dưới cái danh “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, e rằng cái bài chơi đắp đổi co kéo ấy có cố kéo dài cũng chẳng còn tác dụng được bao năm nữa. 
 
Phần 2: Co kéo lại công nghiệp ôtô

Tin tổng hợp

otoxemay.vn