Năm 2013: Toyota lại dẫn đầu, VW soán ngôi của GM

Danh sách 10 hãng xe lớn nhất thế giới năm 2013 do Tạp chí ÔtôXeMáyViệt Nam tổng hợp từ báo cáo năm của các hãng xe.

2013 là một năm thực sự khởi sắc cho ngành công nghiệp ôtô khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc đã thúc đẩy lượng người tiêu dùng mới, nhu cầu mạnh mẽ từ châu Á trong khi thị trường châu Âu ít nhiều đã được cải thiện với tốc độ suy giảm đã chậm lại. Nhìn chung, trong năm qua, lượng xe bán ra ở Mỹ và Trung Quốc tăng khá mạnh, bất chấp lệnh khuyến cáo quan chức không được mua xe sang của Bắc Kinh.
 
Năm con rắn tiếp tục trở thành một năm thành công của hãng xe hơi Nhật Bản Toyota khi cán mốc 9,98 triệu xe bán ra. Tuy nhiên, bất ngờ lớn nhất là việc Volkswagen (VW) bán được 9,73 triệu xe và vượt General Motors với 9,71 triệu xe để giữ vị trí thứ hai.
 
Các hãng nhìn chung đều tỏ ra lạc quan trong năm 2014, dù rằng các báo cáo đầu năm vẫn chưa có gì chứng mình niềm tin đó.
 
1. Toyota Motor Corporation (Toyota, Lexus và Scion)
 
Theo báo cáo, nhờ vào ưu thế đồng Yen suy yếu, tập trung vào các thị trường mới nổi và tăng cường đầu tư các sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, năm 2013, lượng tiêu thụ xe hơi của hãng tăng 2,4% so với năm 2012, đạt 9,98 triệu xe bán ra.
 
Nếu xét đến mức tăng ấn tượng 23% hồi năm 2012, cũng như yếu tố tăng trưởng một phần lớn nhờ đồng Yen yếu, có thể thấy khó khăn dành cho Toyota vẫn còn đang ở phía trước. Năm ngoái, Toyota dẫn trước GM 460.000 xe bán ra, trong khi năm nay khoảng cách này đã thu hẹp chỉ còn 270.000 xe. Còn VW đang tích cực tăng đầu tư cho hai thị trường trọng điểm là Mỹ và Trung Quốc.
 
Tại Mỹ, dù lượng tiêu thụ Toyota, Lexus và Scion đạt con số ấn tượng nhất kể từ mức kỷ lục xác lập hồi năm 2007, song thị phần của TMC vẫn giảm 0,1% so với năm 2012. Ở thị trường châu Âu, lượng bán hàng của Toyota chỉ giảm 0,2%, so với 0,6% của VW và 4,3% đối với General Motors. Tuy nhiên, hai thương hiệu của Mỹ và Đức lại nắm quyền chủ đạo ở thị trường Trung Quốc với lượng bán ra của mỗi hãng là 3 triệu chiếc, trong khi Toyota ít hơn 1 triệu, cho thấy hãng sẽ còn phải nỗ lực hơn nữa để giữ được vị trí của mình.
 
2. Volkswagen Group (VW, Audi, Skoda, Seat, Porsche, Lamborghini, Bugatti và Bentley)
 
Trong khi hầu hết các thương hiệu châu Âu khác đang vật lộn với suy thoái, bản báo cáo vào cuối tháng 1/2014 cho thấy VW đã “cướp” ngôi á quân của GM với 9,73 triệu xe bán ra (tăng 7,3%), để trở thành hãng xe có lượng tiêu thụ lớn thứ hai thế giới trong năm 2013.
 
 
Cũng trong năm qua, lần đầu tiên trong 9 năm trở lại đây, VW vượt GM để trở thành hãng xe bán chạy nhất ở Trung Quốc, với 3,27 triệu chiếc. Tính chung, VW đã bán 3,64 triệu chiếc xe cho khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, gấp 4 lần so với lượng xe tiêu thụ ở Bắc hay Nam Mỹ. Còn ở Tây Âu, với con số 25%, thị phần của VW gấp đôi tập đoàn đứng thứ hai là Peugeot với 11,1%. Theo HIS, VW là tay chơi duy nhất mở rộng sản xuất giữa lúc cả châu Âu đang thắt lưng buộc bụng.
 
VW là thương hiệu bán chạy nhất của tập đoàn này. Jetta với động cơ lai diesel-hybrid bán được 905.869 chiếc, Golf với 720.440 chiếc được tiêu thụ, và chiếc xe tiêu chuẩn trong phân khúc xe siêu nhỏ Polo được bán rộng rãi ở châu Âu, Nam Phi và châu Á cũng là những dòng xe bán chạy nhất mang logo Volkswagen. Điều này cho thấy những chiếc xe nhỏ gọn, tiết kiệm nhiên liệu là đích nhắm đến của người tiêu dùng trong thời buổi kinh tế khó khăn, với giá xăng dầu tăng cao trong thời gian qua. 
 
3. General Motors Co. (Chevrolet, GMC, Buick và Cadillac)
 
Năm 2013, GM để mất ngôi vị số hai vào tay VW. Nhưng một điều an ủi là, với 9,71 triệu xe bán ra, khoảng cách giữa GM với Toyota đã thu hẹp lại.
 
 
Thiệt hại nặng nề nhất của GM là ở châu Âu, nơi hãng lỗ 800 triệu USD, do phải dồn quá nhiều sức để tái cơ cấu lại mảng kinh doanh trong khu vực này. Kinh doanh trên thị trường quốc tế của hãng, chủ yếu là ở châu Á, cũng giảm với doanh thu 2,5 tỷ USD năm 2012 xuống còn 1,2 tỷ USD năm 2013. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ xe lớn nhất của GM, với 3,16 triệu chiếc. Bù lại, GM nhận được tin vui ngay trên thị trường quê nhà, khi hãng kiếm được 7,5 tỷ USD từ thị trường Bắc Mỹ, tăng 1 tỷ USD so với năm 2012.
 
Năm 2014, GM được dự đoán là sẽ tiếp tục con đường duy trì giá bán và lợi nhuận, đồng nghĩa với việc khuyến khích cắt giảm chi tiêu. Đây được xem là một bước đi thận trọng của hãng để duy trì vị thế của mình, song cũng được cho là sẽ tạo cơ hội cho đối thủ cạnh tranh đẩy mạnh lượng hàng bán và thị phần.
 
4. Hyundai Kia Automotive Group (gồm Hyundai và Kia)
 
Năm 2013, lượng xe bán ra của Hyundai Kia Automotive Group đạt 7,56 triệu chiếc, tăng 6,5% so với năm 2012, và vượt qua dự kiến ban đầu là 7,41 triệu chiếc. Trong đó, Hyundai bán được 4,73 triệu chiếc, tăng 7,3% so với năm trước, trong khi Kia là 2,8 triệu xe, tăng 4,8%. Đây được xem là một thành công lớn của thương hiệu Hàn Quốc, trong bối cảnh năm vừa qua, đồng Won tăng đáng kể giai đoạn nửa cuối năm do thặng dư thương mại và dòng tiền từ nhà đầu tìm cách chạy trốn khỏi các tài sản rủi ro ở các thị trường châu Á khác.
 
 
Sau hai năm hoạt động theo phương châm
Việt Nam là một trong những thị trường ưa chuộng xe Hàn nhất thế giới, với 14.540 xe nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2013, chiếm 13% toàn thị trường, và đạt kim ngạch hơn 171 triệu USD, chưa kể số xe được lắp ráp trong nước.
“chất lượng hơn số lượng”, Hyundai giờ đã đang bắt tay vào việc xây dựng nhà máy mới và mở rộng năng lực sản xuất. Rất có thể địa điểm sẽ là Mexico và Trung Quốc.
 
Với nhà máy của Hyundai tại Mỹ hoạt động hết công suất, lượng tiêu thụ ở Mỹ chỉ tăng 2,5%, thị phần từ 4,9% trong năm 2012 xuống còn 4,6%, trong khi Kia từ 3,8% xuống còn 3,4%. Hyundai cũng không duy trì được thành công này ở Hàn Quốc, khi lượng bán ra ở thị trường nội địa giảm 4%, còn Kia giảm 5%. Tại châu Âu, thương hiệu Hyundai cũng có vẻ đã co lại, trong khi sự hiện diện của Kia lại có phần mở rộng. Điều này khiến thị phần của Hyundai ở châu Âu giảm 1%, xuống 3,4%, trong khi Kia tăng 1%, lên 2,8%.
 
5. Ford Motor Company (Ford và Lincoln)
 
Nếu như 2012 không phải là một năm hoạt động tốt của Ford, khi cả doanh số và thị phần ngay trên “sân nhà” đều giảm, thì 2013 có thể được xem là một năm khởi sắc với lượng bán ra đạt 6,4 triệu xe trên toàn cầu, tăng 12,9% so với năm trước.
 
 
Ông Alan Mulally - Tổng giám đốc của Ford - cho biết kết quả này có được chủ yếu nhờ thị trường châu Á và Mỹ đã giúp bù đắp một phần thiệt hại từ châu Âu và Nam Mỹ. Ngoài ra, những ưu đãi về thuế cũng góp phần làm nên thành công cho hãng.
 
Lợi nhuận trước thuế của Ford ở Bắc Mỹ đạt 1,7 tỷ USD, với thị phần từ 15,5% hồi năm 2012 tăng lên 15,9% trong năm 2013. Trong khi đó, châu Âu tiếp tục không phải là một thị trường tốt đẹp dành cho người Mỹ, bởi Ford cũng lỗ 571 triệu USD, dù có giảm nhẹ so với năm 2012.
 
Ford không kỳ vọng quá cao trong năm 2014 này, khi đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế và doanh thu không đổi.
 
6. Nissan Motor Co., Ltd (Nissan và Infiniti)
 
Ở vị trí thứ 6 là Nissan với 5,1 triệu xe tiêu thụ trong năm 2012, tăng 3,3% so với năm 2012. Sau khi căng thẳng ở Hoa Đông phần nào hạ nhiệt, Trung Quốc tiếp tục trở thành một trong hai thị trường lớn nhất của hãng. Ở quốc gia tỷ dân này, Nissan đã tiêu thụ được 1,26 triệu xe, tăng 17,2%, tính cả Venucia - thương hiệu hợp tác với hãng xe nội địa Dongfeng Motor. Tại Mỹ, Nissan bán gần 1,25 triệu chiếc, tăng 9,4% so với năm 2012. Còn tại quê nhà, hãng đã bán ra 678.824 xe, tăng 2,9%, thúc đẩy thị phần đạt 12,6%, tăng so với 12,3% năm 2012. Trong khi đó, ở châu Âu, lượng tiêu thụ của Nissan đã giảm 4% xuống còn 651.476 xe.
 
 
Nissan đặt mục tiêu tăng thị phần toàn cầu đạt 8% vào năm 2017, đặc biệt nuôi dưỡng tham vọng tìm chỗ đứng trong thị trường xe giá rẻ với quyết định phục sinh thương hiệu Datsun, đích nhắm đầu tiên là Ấn Độ, tiếp theo là Indonesia, Nga và Nam Phi.
 
7. Fiat Chrysler Automobiles (Fiat, Alfa-Romeo, Maserati, Ferrari, Lancia và Chrysler, Dodge, Jeep)
 
Năm 2013, Chrysler cho biết thu nhập ròng đã điều chỉnh đạt 1,8 tỷ USD, tăng 9% từ 1,7 tỷ USD năm 2012, mức hoạt động tốt nhất từ khi phá sản vào năm 2009 nhờ đà phục hồi chung của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ. Lượng xe bán ra của Chrysler cũng tăng 9%, đạt 2,6 triệu xe, bao gồm cả sản phẩm làm cho công ty khác, chủ yếu là cho công ty mẹ Fiat. Kết hợp lại, lượng xe bán ra của Fiat Chrysler Automobiles tăng 3,3% so với năm trước, đạt 4,4 triệu xe, trong đó Jeep đạt 732 nghìn xe.
 
 
Chrysler tăng nhẹ thị phần ở thị trường Mỹ, đạt 11,4% so với 11,2% năm 2012 cùng 1,8 triệu xe được bán ra. Nếu như những năm trước, Châu Á Thái Bình Dương thường là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của Fiat-Chrysler thì năm 2013 vừa qua, Fiat bị chê là kẻ chậm chân khi chỉ chiếm một góc rất nhỏ ở thị trường rộng lớn này. Nếu không có Chrysler, Fiat sẽ phải báo cáo thua lỗ 1,25 tỷ USD thay vì thu nhập ròng 1,77 tỷ USD, bởi doanh số bán hàng ở thị trường Ý đang đi xuống ngưỡng thấp nhất trong hơn 30 năm qua.
 
Cuộc hôn phối giữa Chrysler và Fiat đã bước sang một giai đoạn mới, khi giờ đây Fiat đã nắm toàn bộ quyền kiểm soát, tên hãng đã chuyển thành Fiat Chrysler Automobiles cùng với logo mới.
 
8. Honda Motor Co., Ltd (Honda và Acura)
 
 
Honda ước tính 4,385 triệu xe ôtô đã được bán ra
Trong năm 2013, Honda Việt Nam đã đạt được mức tăng kỷ lục tới 254% so với năm trước đó, đạt lượng tiêu thụ 4.593 chiếc.
trong năm 2013, giảm so với dự báo trước đó là 4,43 triệu xe. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ chiếm 1,785 triệu xe, còn lượng sản phẩm bán ra ở châu Á đạt 1,305 triệu chiếc, đều giảm so với dự tính trước đó.
 
Sự cắt giảm này được đưa ra sau khi Honda dự báo nhu cầu ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đang có dấu hiệu chững lại. Nhưng nhà sản xuất ôtô lớn thứ ba Nhật Bản vẫn lạc quan về tình hình hoạt động trong năm 2014, với dự báo có thể đạt mức tiêu thụ 4,5 triệu xe hoặc hơn vào năm 2014. Theo hãng, những xe chiếc xe nhỏ sẽ là phương án tốt nhất cho những ai muốn đánh chiếm thị trường mới nổi.
 
9. PSA Peugeot-Citroën (Peugeot và Citroën)
 
Báo cáo tổng kết năm 2013 của hãng xe hơi Pháp đưa ra con số 2,819 triệu xe, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó xe hạng sang chiếm tới 19%.
 
 
Cuộc khủng hoảng nợ châu Âu tiếp tục gây đau đớn cho PSA khi lượng xe hơi tiêu thụ ở đây tiếp tục giảm 1,6%. Song một điều an ủi là mức giảm này cũng đã được cải thiện nhiều so với con số 8,6% của năm 2012.
 
Chiến lược toàn cầu hóa đã góp phần giảm bớt tổn thương cho PSA, khi lượng xe bán bên ngoài châu Âu của hãng chiếm đến 42% tổng sản lượng xe xuất xưởng, cùng doanh số khả quan của mẫu Peugeot 2008, 308, và thương hiệu DS ở Trung Quốc, góp phần thúc đẩy con số tiêu thụ ở thị trường tỷ dân tăng 19,1%, từ 442 nghìn lên 557 nghìn xe.
 
Trong những năm tới, tầng lớp trung lưu sẽ là đích nhắm chủ yếu của PSA. Ngoài ra, hãng sẽ tiếp tục duy trì ưu thế là nhà sản xuất giảm khí thải carbon tốt nhất năm 2013 trong năm tới đây nhờ các công nghệ mới đã và đang được nghiên cứu.
 
10. Renault S.A. (Renault, Dacia, AutoVAZ)
 
Năm 2013, Renault bán được hơn 2,6 triệu xe trên toàn thế giới, tăng 3,1% so với năm 2012. Một kết quả hoàn toàn trái ngược khi năm 2012, hãng bị tụt 6,3% so với năm 2011. Trong khi phần lớn các hãng đều gặp khó ở châu Âu, hãng vẫn bán được 1,3 triệu xe ở đây, tăng 2,4%, đẩy thị phần thêm 0,4% lên 9,5%, đưa Renault trở thành doanh nghiệp xe hơi tăng trưởng nhanh nhất châu lục trong năm 2013.
 
 
Tuy nhiên, tại quê nhà Pháp, lượng xe bán ra của Renault tụt 0,7%, đạt 547.693 xe, dù hãng có đến 6 mẫu nằm trong Top 10 xe bán chạy nhất nước Pháp, bao gồm Clio và Captur. Trung Quốc vẫn chưa phải địa bàn thế mạnh của Renault. Song điều này có thể thay đổi dần thay đổi trong những năm tiếp theo, khi hãng sẽ liên doanh với Dongfeng với 150 nghìn xe xuất xưởng mỗi năm.
 
Hiện tại, Renault-Nissan đang nhắm đến thị trường xe giá rẻ với việc thiết lập nhà máy ở Ấn Độ và Nissan quyết định hồi sinh thương hiệu Datsun.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn