Ngành ôtô hướng tới điều gì sau một năm choáng váng vì Covid?

Một trong những “tín hiệu” báo động ngành ô tô toàn thế giới phải trải qua năm 2020 kinh doanh ảm đạm, đó là hàng loạt triển lãm ôtô lớn nhỏ đều bị hủy bỏ do lo sợ lây dịch Covid. Ngành ôtô tại Việt Nam cũng chung số phận khi triển lãm ôtô lớn nhất năm và một số triển lãm chung lĩnh vực cũng đã lỗi hẹn với khách tham quan. Sau những thiệt hại nặng nề, ngành công nghiệp được kỳ vọng là mũi nhọn này đang cố gắng cho năm 2021 không xấu hơn.

Mọi dự báo lạc quan về sức tăng trưởng của thị trường ôtô thế giới năm 2020 đều sụp đổ khi dịch bệnh Covid bất ngờ ập đến từ cuối năm 2019. Tiêu biểu là thị trường ôtô quy mô hàng đầu châu Á là Ấn Độ trải qua một tháng “chấn động” khi không khách hàng nào mua xe. Sức mua sụt giảm nghiêm trọng cũng là vấn đề chính đầy nan giải tại các thị trường ô tô khắp nơi. Tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới là Mỹ, số lượng xe đến tay khách hàng trong tháng 4/2020 còn xấp xỉ 711.000 chiếc, giảm tới 46,6% so cùng kỳ 2019. Tại Nhật Bản, quốc gia luôn là đầu tàu phát triển trong ngành sản xuất ôtô, cũng thời gian này không tránh khỏi hậu quả đáng quên khi doanh số ôtô giảm 28,6% so cùng kỳ 2019, bán được 270.393 xe, mức doanh số thấp thứ ba kể từ năm 1968. Do phải đương đầu dịch Covid, người dân châu Âu suy giảm nguồn tài chính nên không thể với tới những chiếc ôtô đầy tiện ích, chỉ khoảng 850.000 xe đến tay khách hàng, giảm hơn 50% so cùng kỳ 2019.
Bài toán hóc búa bậc nhất đối với các nhà quản lý ngành xuất hiện khi dây chuyền của nhiều nhà máy sản xuất linh kiện ôtô trên thế giới bị ngưng trệ do dịch Covid (công nhân phải ở nhà). Việc tìm ra đáp án là bất khả thi, do đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất lắp ráp xe tại các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn cung linh kiện ôtô như Việt Nam vì thiếu phụ tùng hoàn chỉnh xe.
Tại Việt Nam, tình hình ngành sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh ôtô năm 2020 trải qua một giai đoạn cột mốc được nhiều chuyên gia nhận định là mang tính lịch sử vì yếu tố chính, có hệ lụy to lớn nhất là ảnh hưởng dịch Covid, chia làm hai đợt lớn vào tháng 4/2020 và tháng 7/2020. Trong đó, tháng 4 có mức giảm mạnh nhất trong năm khi khách hàng mua ít hơn 14.000 chiếc, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2019. Các hãng Toyota, Mercedes-Benz, Ford... lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động tại Việt Nam phải phát đi thông báo tạm dừng dây chuyền sản xuất hoặc đình trệ hoạt động bán xe bởi ảnh hưởng dịch không có cách nào khắc phục hiệu quả! Nửa đầu năm 2020, doanh số toàn thị trường giảm tới 31% so cùng kỳ 2019. Một trong những hệ quả là các thương hiệu xe phải giảm giá bán rất lớn. Nổi bật là BMW X7 được nhà phân phối Thaco giảm từ 7,5 tỷ đồng xuống còn 6,4 tỷ (!).
Dịch Covid đã kéo giảm mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống rõ rệt. Hậu quả là người tiêu dùng hạn chế mua xe, từ đó mức tăng trưởng bán xe cũng giảm mạnh. Trước tình hình khủng hoảng của ngành ôtô vốn có sức chi phối lớn đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, cuối tháng 6/2020, Chính phủ quyết định ưu đãi giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước, theo Nghị định 70 có hiệu lực đến hết năm 2020. Nhờ đó, người mua xe phổ thông tiết kiệm được 30-60 triệu đồng, số tiền đáng kể. Hơn thế nữa, người mua xe sang như Mercedes-Benz S450 Luxury tiết kiệm được tới 300 triệu đồng. Đồng thời, Chính phủ còn có động thái mạnh mẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước khi ban hành Nghị định 109 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Biện pháp giảm phí trước bạ đã có tác dụng rõ rệt và kéo dài đến những tháng cuối năm 2020, bằng chứng là trong 10 mẫu xe hút khách nhất tháng 11/2020 có 9 mẫu xe sản xuất trong nước. Các mẫu xe như Toyota Vios, Mercedes-Benz GLC... tận dụng cơ hội này đã thu hút khách Việt thành công, nhờ đó doanh số tăng vọt. Bên cạnh đó, các mẫu xe nhập khẩu như Volkswagen Passat, BMW 7-Series... cũng được doanh nghiệp đưa ra cạnh tranh “không khoan nhượng” với xe trong nước khi ưu đãi 100% phí trước bạ. Nhờ những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp ôtô tại Việt Nam, doanh số  tô không tụt dốc thê thảm như dự đoán vào giữa năm 2020. Tính đến hết tháng 11/2020, tổng doanh số xe bán ra tính từ đầu năm 2020 đạt 239.004 xe, giảm 13% so với cùng giai đoạn 2019, so với tỷ lệ dự đoán là 20%.
 
Dự báo năm 2021, diễn biến dịch Covid tiếp tục khó lường nhưng nhân lực ngành ôtô kỳ vọng các đợt triển khai tiêm vaccine ngừa Covid, tiến hành quyết liệt, sẽ dập tắt những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch này đến nền kinh tế, từ đó gián tiếp thúc đẩy ngành ôtô tại đất nước hình chữ S với dân số gần 100 triệu người tiếp tục phát triển bứt phá vì còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, do nhiều mẫu xe được tung ra kèm nhiều công nghệ hiện đại (cho phép khách hàng kén chọn hơn khi có ý định mua xe) cùng với kế hoạch tăng trưởng bù vào phần doanh số lao dốc trong năm 2020, tác động do ưu đãi giảm phí trước bạ nhiều khả năng sẽ không còn, vì vậy các hãng xe phải tiếp tục chiêu bài giảm giá “sốc”để thuyết phục khách xuống tiền. Vì thế, khách hàng sẽ được tậu xe tiện nghi, an toàn hơn với mức giá rẻ hơn so với trước đây. Nhìn chung, các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Hàn Quốc và các nước khu vực ASEAN vẫn đáp ứng đúng thị hiếu của khách Việt nên đạt doanh số cao.
 
Các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường như xe lai sạc điện (PHV), xe điện (EV)... bắt đầu kỷ nguyên phát triển tại các thị trường ôtô lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ... Đơn cử là trong tháng 9/2020, Toyota bán được hơn 1 triệu xe công nghệ hybrid tại quốc gia đông dân nhất thế giới này. Hãng GM (Mỹ) cách đây chưa lâu đã công bố đầu tư thêm 7 tỷ USD cho công nghệ xe điện, sau khi giới thiệu xe Hummer chạy điện. Hiện nay Mỹ đã xây dựng hơn 28.000 trạm sạc cho xe điện. Ngay sát Việt Nam, các đơn vị hữu quan tại Thái Lan đã lập kế hoạch phát triển sản xuất xe điện lên đến 750.000 chiếc vào năm 2030 (chiếm khoảng 30% tổng sản lượng ô tô của nước này). Tuy nhiên, các mẫu xe này vẫn chưa thể trở nên phổ biến, tạo sức cạnh tranh với các xe lắp động cơ đốt trong tại Việt Nam do giá bán xe cao, thiếu mạng lưới trạm sạc điện, chi phí thay pin đắt đỏ...