Người tiêu dùng đứng trước ‘ma trận’ xe đạp điện

Hậu xăng tăng giá, thị trường xe đạp điện bất ngờ nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng. Tuy nhiên chất lượng cũng như xuất xứ của loại xe này vẫn còn nhiều nghi ngại.

Hiện nay, thị trường xe đạp điện ở Hà Nội đang đón nhận sự gia tăng đột biến về cả số lượng lẫn nhiều thương hiệu khác nhau. Nhưng điểm chung là hầu hết các loại xe đạp điện bày bán đã vắng bóng mác xe Trung Quốc, thay vào đó các thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, Bridgestone, Giant... Đồng thời giá bán hiện nay của các thương hiệu này đều trên dưới 10 triệu đồng, loại xe giá rẻ trên dưới 5 triệu đồng hầu như không thấy xuất hiện.
 
Nhiều chủ cửa hàng khi được hỏi đều ra sức quảng cáo cho những tính năng mới mà xe điện hiện nay sở hữu như thiết kế đẹp hơn, trang bị đèn chiếu sáng bắt mắt và nhất là quãng đường chạy xe dài từ 40 đến 60 km/lần sạc. Quả thật, so với cách đây 5 năm, mẫu mã thời trang cùng tên tuổi nhà sản xuất lớn đã khiến xe đạp điện thu hút không chỉ giới học sinh mà cả người lớn tìm mua trong thời buổi giá xăng “phi mã”.
 
Tuy nhiên, chất lượng của xe đạp điện vẫn còn là dấu hỏi lớn khi mà thời gian qua, nhiều vụ việc có dấu hiệu gian lận thương mại bị phát hiện. Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM đã kiểm tra một kho hàng tại quận 6, phát hiện có gần 70 chiếc xe đạp điện Trung Quốc sản xuất, giả mạo nhãn hiệu Honda, Yamaha và 230 tờ tem in chữ Honda, Yamaha. Chủ lô hàng cho biết mua lại từ một công ty nhập khẩu, trị giá khoảng 4,5 - 5 triệu đồng mỗi chiếc. Những chiếc xe này nếu tiêu thụ trót lọt, thì giá đến tay người tiêu dùng có thể lên tới 10 triệu đồng/chiếc.
 
Nếu chỉ nhìn mẫu mã bên ngoài và tên thương hiệu khó mà khẳng định đâu là xe đạp điện thật, đâu là nhái vì hiện chưa có nhà sản xuất nào đặt đại lý chính thức ở Việt Nam.
 
Vụ việc trên cũng chỉ là cái kim trong bọc, bởi thực tế thị trường xe đạp điện Việt Nam hiện nay bị thống lĩnh bởi đa số xe nhập khẩu. Thời gian trước xe dán mác Trung Quốc tiêu thụ tốt nhờ giá rẻ, nhưng tuổi thọ pin sạc không lâu. Dần dà loại xe này cũng bị tẩy chay dần và thay thế bởi các xe quảng cáo xuất xứ từ Đài Loan, Nhật, Hàn… sử dụng công nghệ pin khô và pin lithium. Nhưng khi thị trường có dấu hiệu sôi động thì cũng là lúc người tiêu dùng đối mặt với ma trận xe thật, xe giả.
 
Theo khảo sát thị trường của trang CafeF tiến hành đầu tháng 4, có tới 60% xe đạp điện bày bán trên thị trường là hàng không chính hãng. Tất cả các sản phẩm nhái thương hiệu mạnh đều có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Hiện có 2 loại xe giả, đó làm giả giống hệt từ kiểu dáng đến nhãn hiệu của xe thật và loại thứ hai là chỉ giả về nhãn hiệu còn kiểu dáng tự thiết kế. Có thể lấy ví dụ là hiện công ty Honda Sundiro tại Thượng Hải, Trung Quốc chỉ sản xuất có 3 mẫu xe đạp điện và Yamaha Motor Trung Quốc sản xuất 13 mẫu, nhưng tại thị trường Việt Nam đang bày bán đến… 13 mẫu xe Honda và 30 mẫu xe Yamaha.
 
Mẫu mã và giá cả của xe nhái hầu như đồng nhất và khó phân biệt với xe thật. Người tiêu dùng chỉ có thể biết thông qua quá trình sử dụng. Ở xe giả, động cơ điện chất lượng kém làm cho xe có công suất yếu hay chập chờn, dễ bị ngấm nước. Quãng đường đi ngắn và tuổi thọ pin chỉ từ 1-1,5 năm trong khi ở xe thật là khoảng 3 năm.
 
Đa phần người bán xe đạp điện đều cam kết bảo hành cho sản phẩm bán ra, nhưng thời hạn chỉ từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, sau khi hết thời hạn bảo hành, khách phải tự trả tiền cho các hỏng hóc, đôi khi là “một đồng gà, ba đồng thóc” với những bộ phận thay thế tốn kém như ắc-quy, bộ điều tốc, động cơ.
 
Thị trường xe đạp điện hiện đang rất bát nháo bởi mặt hàng này đang được thả nổi, cũng chưa có thương hiệu nào được coi là chính thức tại Việt Nam để đứng ra bảo vệ nhãn hiệu của mình. Vì vậy, người tiêu dùng đang phải tự đóng vai trò “thông thái” khi chọn mua xe đạp điện theo kiểu may rủi.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn