Người Việt không xài sang

Tỷ lệ sở hữu cũng như tiêu thụ ôtô hằng năm của người Việt còn rất xa mới tương xứng với nhu cầu thực sự, vì vậy thật thiển cận khi cho rằng bỏ hàng trăm triệu USD nhập khẩu xe hơi là xài sang, lãng phí.

Trước tiên cần thừa nhận những gương mặt nổi tiếng về chơi xe được tung hô trên báo chí, các mạng xã hội thực ra đều không thuyết phục, và khó mà tìm ra một người thực sự đi lên bằng đôi chân của mình. Không khó hiểu khi tồn tại tâm lý coi thường, cho rằng mua xe sang trọng đắt tiền là sự xa xỉ của những kẻ sống “trên tiền”.
 
Một trong các dẫn chứng được đưa ra như bằng chứng cho sự xài sang lãng phí của người Việt là lượng xe nhập khẩu 11 tháng đầu năm nay đạt 31,5 nghìn xe và kim ngạch hơn 640 triệu USD, tăng gần 30% về số lượng so với năm ngoái và 16% về giá trị.
 
Theo phép tính toán chưa chắc đúng, số được gọi là xe sang nhập khẩu được tính bằng cách cộng gộp xe có xuất xứ từ 4 thị trường Mỹ, Anh, Đức và Pháp đạt 2.433 chiếc   kể từ đầu năm.
 
Con số trên tương đương 7,7% tổng số xe nhập cùng thời gian. Trong khi đó, tỷ lệ xe sang ở các nước thông thường vào khoảng 12%, như Allen Lu, Giám đốc điều hành Infiniti khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết trong một lần trao đổi với phóng viên Songmoi.vn. Tại lễ ra mắt thương hiệu Lexus mới đây, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, ước tính xe sang mới chỉ chiếm 3-3,5% thị trường ôtô trong nước.
 
Trả lời phỏng vấn hồi Triển lãm ôtô Việt Nam 2013, ông Jesus Metelo Arias, Chủ tịch VAMA, cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi đạt mức 50 xe ôtô trên 1.000 người, thị trường sẽ bước vào giai đoạn ôtô hoá, còn Việt Nam mới đạt mức 22 xe trên 1.000 người.
 
Việt Nam có khoảng 2 triệu ôtô các loại đang lưu hành, trong khi theo Tổng cục Thống kê hồi tháng 11/2013, dân số đã đạt tới 90 triệu người. Như vậy, lượng ôtô tiêu thụ còn rất xa so với mức mà một thị trường phát triển bình thường đạt được, và còn lâu mới đến mức được coi là lãng phí khi nhu cầu mua xe 4 bánh của người dân vẫn luôn rất cao.
 
Một con số khác, VAMA dự kiến năm nay toàn thị trường đạt mức tiêu thụ 109 nghìn xe các loại, nghĩa là tỷ lệ xe mới tiêu thụ hằng năm mới đạt 0,0012 xe/người, hay cứ 10.000 người mới có 12 xe mới được bán ra. Còn ở Úc, nước cũng đang phải đối mặt với việc các hãng xe lớn dừng sản xuất, năm 2012 đã bán hơn 1,1 triệu xe, và dân số (theo số liệu đến tháng 4 vừa qua) là 23 triệu người. Tỷ lệ xấp xỉ 0,048 xe/người, hay cứ 1.000 dân có 48 xe mới được tiêu thụ. Chênh lệch tới 40 lần. Nếu Việt Nam đạt ngang với Úc, thị trường ôtô mỗi năm sẽ có quy mô trên 4 triệu chiếc!
 
Thử so với Mỹ, một nước có ngành công nghiệp ôtô mạnh nhất thế giới và lượng tiêu thụ đã đạt tới mức gần bão hòa, năm 2013 ước tính bán được khoảng 16 triệu xe. Dân số tính đến cuối 2012 là 315 triệu, suy ra tỷ lệ là 0,05 xe/người, còn cao hơn cả Úc.
 
Vậy với số tiền chúng ta bỏ ra mua xe trong năm nay và các năm trước không thể bị coi là xài sang, mà ngược lại, cần phải biết rằng chúng ta đang lãng phí một thị trường cực kỳ tiềm năng mà sự phát triển đúng mức có thể là động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy cả nền kinh tế vượt qua cơn bĩ cực hiện nay.
 
Nếu có chuyện lãng phí, thì đó là việc chúng ta vứt trắng 2 thập kỷ để mãi chưa có được một thị trường ôtô tương xứng với gần 100 triệu dân.
 
Nếu có chuyện lãng phí, thì đó là việc o bế các hãng ôtô hết sức để rồi nhận lại kết quả là các hãng chuyển phắt sang nhập khẩu khi có cơ hội.
 
Nếu tính đến việc mải miết bán tài nguyên không thể tái tạo cho nước ngoài đúng là người Việt đang xài sang, không cần nghĩ tới ngày mai.
 
Nếu tính chúng ta xuất siêu sang Mỹ tới 20 tỷ USD bằng chủ yếu các loại nông thủy sản 20 tỷ USD để rồi nhập siêu từ Trung Quốc cũng tới 20 tỷ USD để mua máy móc và nguyên liệu sản xuất thì đó quả thật là xài sang quá sức tưởng tượng khi phung phí cơ hội của cả một quốc gia.
 
Nếu suy nghĩ rằng chính chúng ta để cho tham nhũng trở thành quốc nạn và đánh mất lòng tin của người dân thì chuyện xài sang này còn ăn luôn cả vào tương lai.
 
Tiêu thụ 3 tỷ lít bia mỗi năm là chuyện xài sang, chứ không phải việc bỏ tiền ra nhập khẩu những chiếc ôtô chất lượng tốt cho nhu cầu có thực. Phê phán thói xấu là tốt để có thể tự sửa mình, kêu gọi tiết kiệm là tốt trong thời buổi khó khăn. Nhưng không phải dựa vào đó quy chụp một nhu cầu chính đáng, làm lan truyền suy nghĩ bất hợp lý về sự ghen tỵ trong xã hội. Không thay đổi cách tư duy, thì không chỉ ôtô mà cả những ngành nghề khác rồi cũng sẽ đều đi đến thất bại.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn