Nhà sản xuất ôtô nước ngoài liên tiếp phản ứng trước Nghị định 116

Trang Straitstimes đưa tin từ Indonesia phản ánh: Khi phải đối mặt với nhu cầu chậm chạp “dội ngược lại”, các nhà sản xuất ôtô Indonesia đang phải đối mặt với tương lai ảm đạm trong xuất khẩu vì một quy định mới ở Việt Nam bị chỉ trích là nhằm bảo hộ ngành công nghiệp ôtô trong nước.


 
Indonesia đang cảm thấy bị “đe dọa” khi Việt Nam ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành xe hơi, một động thái thắt chặt hoạt động nhập khẩu xe từ ngày 1/1/2018. Ảnh: Reuters
 
Việt Nam đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành xe hơi, một động thái thắt chặt hoạt động nhập khẩu xe từ ngày 1/1/2018.
 
Theo đó, các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam nay cần phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu (VTA) xác nhận chi tiết chất lượng, tính an toàn và bảo vệ môi trường của xe đưa vào thị trường Việt. VTA phải do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
 
Thêm vào đó, một xe mẫu sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên từ lô ôtô nhập khẩu để kiểm tra phát thải, chất lượng và an toàn kỹ thuật. Việc kiểm tra sẽ được lặp lại trên lô hàng tiếp theo, thậm chí ngay cả cùng một mẫu xe.
 
Ông Kukuh Kumara - Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Indonesia (Gaikindo) – nhận định với Jakarta Post hôm 22/2 rằng: Quy định mới này có thể tạo ra thêm chi phí. Việc kiểm tra hoàn toàn có thể mất từ một đến hai tháng, trong khi các xe khác từ lô hàng sẽ phải nằm lại cảng và trả chi phí lưu kho hàng ngày.
 
Quy định mới khiến Gaikindo gửi Bộ Công nghiệp Indonesia bức tâm thư vào ngày 27/1/2018, trong đó tuyên bố rằng bốn nhà sản xuất ôtô ở Indonesia - Toyota, Suzuki, Daihatsu và Hino - đã ngừng sản xuất 9.337 xe, dự kiến xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Số xe này được cho là sẽ sản xuất trong khoảng từ tháng 12/2017-3/2018.
 
Indonesia xuất khẩu khoảng 30.000 xe hơi sang Việt Nam mỗi năm, phần lớn là từ bốn nhà sản xuất trên.
 
Tâm thư của Gaikindo được gửi đến cùng ngày Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ.
 
Ông Jokowi bày tỏ quan ngại rằng chính sách mới sẽ ảnh hưởng đến thương mại song phương giữa hai nước, vốn đã tăng lên trong ba năm qua.
 
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Airlangga Hartarto cho biết, văn phòng của ông đã gửi tới Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam một công văn phản đối.
 
Ông Jongkie Sugiarto - Chủ tịch Gaikindo – thông báo: các nhà sản xuất Indonesia không gặp vấn đề gì trong việc đáp ứng yêu cầu chất lượng của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn khí thải Euro 4, hệ thống túi khí, hay hệ thống phanh chống bó cứng ABS. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng: Việc kiểm tra mẫu sẽ gây phức tạp.
 
“Việc kiểm tra là rất khó bởi nó phải được thực hiện trên mỗi mẫu, trong mỗi chuyến hàng. Nếu (kiểm tra) không thành công, thì (Việt Nam) sẽ trả lại cả lô hàng” - ông nói.
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Indonesia (BPS), xuất khẩu xe hơi của Indonesia vào Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11/2017 đạt 241,2 triệu USD, tăng đáng kể so với mức 17,78 triệu USD năm 2016. Indonesia cũng nằm trong số ba nhà xuất khẩu xe du lịch hàng đầu sang Việt Nam, sau Thái Lan và Trung Quốc, với thị phần 13,12%.
 
Ông Oke Nurwan - Giám đốc Phòng thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại - cho biết, nếu các nhà sản xuất không muốn xuất khẩu ôtô sang Việt Nam, Indonesia có thể sẽ mất khoảng 85 triệu USD trong Quý I/2018.
 
Ông cho biết chính phủ Indonesia đã quyết định sử dụng phương pháp mềm dẻo bằng cách cử một phái đoàn tới vận động đối tác Việt Nam ngày 26/2. Ông đánh giá rằng Nghị định của Việt Nam có hiệu lực quá sớm và một quốc gia đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên có tuyên bố chính thức với tổ chức trước khi có hành động. Ông tuyên bố: Nếu (Việt Nam) không thông báo cho WTO, chúng tôi sẽ tiếp xúc với WTO.
 
Không chỉ Indonesia, ngay cả chính phủ cũng như các hiệp hội liên quan của Nhật Bản, Thái Lan và cả Bộ Công thương Việt Nam cũng nhiều lần gửi công văn góp ý về sự “khó khăn” quá mức cần thiết của 116 và bày tỏ ý kiến cần được hỗ trợ cho việc giao thương được bình thường.
 

 

 
 
 
Theo Vietnam News, chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rằng nghị định mới là một nỗ lực để bảo vệ các công ty trong nước nhằm cải thiện bộ mặt ngành công nghiệp ôtô đang cố gắng xây dựng chiếc xe hơi “nội địa” đầu tiên.
Vingroup, công ty bất động sản lớn nhất của Việt Nam thuộc sở hữu của ông Phạm Nhật Vượng, đã đầu tư vào một thương hiệu xe hơi địa phương mang tên Vinfast. Công ty đã hợp tác với Pininfarina để làm nên một chiếc xe mang “hơi thở Ý”. Pininfarina được biết đến với việc thiết kế những chiếc xe cho các thương hiệu cao cấp như Ferrari, Bentley và Maserati.
 
Trong khi đó, ở Việt Nam, các cuộc họp giữa các đơn vị sản xuất xe hơi với các cơ quan hữu quan đã diễn ra liên tục và dày đặc, nhưng chưa mang đến sự thay đổi cụ thể nào. Dự kiến hôm nay (26/2), Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, các đại sứ quán phản ánh các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03 của Bộ GTVT, đóng vai trò quan sát và chứng nhân ghi ý kiến. Còn trong các cuộc họp, chủ yếu chỉ là những cuộc tranh cãi giữa các thành viên VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam) với nhau, và giữa các hãng xe lấy sản xuất nội địa làm chủ đạo với phần còn lại.