Những lý do khiến ôtô Trung Quốc bị tẩy chay ở khắp nơi

Trung Quốc là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới vượt qua cả Mỹ. Tuy nhiên, ngay cả người tiêu dùng nước này cũng quay lưng lại với những chiếc xe hoàn toàn “made in China” với các lý do như chất lượng kém, phụ tùng rởm, không an toàn hay sao chép thiết kế một cách trắng trợn.

 
Trung Quốc ngang nhiên đem “hàng nhái” đến triển lãm ôtô Bắc Kinh 2014
 
Phần lớn xe Trung Quốc là hàng “nhái”
 
Trung Quốc được mệnh danh là “lò” của các thương hiệu nhái. Từ một chiếc điện thoại nhỏ bé cho đến vũ khí quân sự cỡ lớn đều trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của các cơ sở sao chép. Vậy nên, xe hơi cũng không phải ngoại lệ.
 
Đã ăn cắp thiết kế một cách trắng trợn, các hãng xe Trung Quốc còn ngang nhiên đem trưng bày ở các triển lãm ôtô danh tiếng. Điển hình như ở Triển lãm ôtô Bắc Kinh năm nào cũng có sự xuất hiện của cả một bộ sưu tập xe nhái.
 
 
Chiếc Gleagle GX7  của Trung Quốc gợi nhớ đến hình ảnh xe Toyota RAV4
 
 
Hay mẫu 4G có vóc dáng tương tự Smart ForTwo
 
Mới đây, giữa Triển lãm ôtô Bắc Kinh 2014 đã xuất hiện một chiếc xe có kiểu dáng không khác mấy mẫu xe nổi tiếng thế giới của Mercedes là G-Class, cho thấy nạn hàng nhái của Trung Quốc đã không còn trong phạm vi của sự gian dối.
 
 
Sản phẩm được mang đến là chiếc offroad có tên gọi Beiqi BJ80. Xe được trang bị động cơ V8 dung tích 4 L nhưng không rõ nguồn gốc. Người Trung Quốc mất hơn 30 năm để “nhào nặn” thành công bản sao của dòng xe cao cấp này.
 
Tuy nhiên, khi nói đến ôtô, hầu như các mẫu xe châu Âu đã không còn ngỡ ngàng khi thấy “người anh em song sinh” của mình xuất hiện chưa đầy một năm sau khi ra mắt. Một phần là do nhiều linh kiện, phụ tùng, đặc biệt ngoại thất, thường được sản xuất ở Trung Quốc.
 
Chất lượng kém
 
Không những sao chép, xe Trung Quốc nổi tiếng là kém chất lượng và bị phàn nàn không những tại các thị trường khó tính mà ngay cả những thị trường được cho là “dễ tính” như châu Phi Khách hàng thường xuyên phản ánh về những vấn đề họ gặp phải, thậm chí chụp cả ảnh gửi cho hãng sản xuất. Ngoài ra, dịch vụ hậu mãi và chăm sóc khách hàng của các nhà sản xuất xe nước này cũng không làm khách hàng cảm thấy hài lòng, điển hình như việc luôn luôn thiếu các bộ phận thay thế.
 
Năm 2013, hãng chế tạo ôtô JAC Motor của Trung Quốc đã buộc phải thu hồi gần như tất cả các xe Tongyue sản xuất trong năm 2012 bị cho là sử dụng thép kém chất lượng. Nằm trong diện thu hồi là 117.072 trong tổng số 119.271 xe. Ở mẫu xe xảy ra hiện tượng rỉ sét do hãng không tuân theo một số tiêu chuẩn kỹ thuật. Vụ việc đã tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh năm 2012 của JAC.
 
Trung Quốc cũng đưa ra chương trình đánh giá xe mới nhưng hầu như người tiêu dùng đều tỏ ra nghi ngờ về tính chính xác của hệ thống này. Hệ thống được đưa ra vào năm 2006 và gần 70% trong số hơn 130 xe được thử nghiệm đạt kết quả từ 4-5 sao.
 
Phụ tùng rởm
 
Không những tràn lan trên các dòng xe sản xuất trong nước, phụ tùng rởm do Trung Quốc sản xuất còn xuất hiện trên sản phẩm của các hãng xe hơi nước ngoài khiến ngày càng nhiều đối tác “quay lưng” lại với phụ tùng “made in China”. Đầu năm, hãng xe thể thao sang trọng của Anh Quốc là Aston Martin đã phải thông báo thu hồi hàng chục nghìn xe do lỗi chân ga.
 
 
Xe của Aston Martin bị thu hồi do lỗi chân ga
 
Hãng cho biết các chi tiết bằng nhựa của bộ phận này là nhựa giả có nguồn gốc từ một nhà cung cấp ở Trung Quốc, trong khi theo tiêu chuẩn, chúng phải được làm từ nguyên liệu của hãng Dupont, một thương hiệu có uy tín trên toàn cầu. Loại nhựa giả sau một thời gian sẽ hư hỏng và xuất hiện những vết nứt.
 
Không an toàn
 
Cũng chính vì chất lượng thấp nên xe Trung Quốc thường đem lại cho người tiêu dùng và các cơ quan quản lý cảm giác thiếu an toàn, và thực tế cũng đã chứng minh điều đó là đúng. Vào năm 2012, cơ quan giám sát tiêu dùng của Úc cho biết một nhà nhập khẩu của nước này đã thu hồi khoảng 23 nghìn xe nhập khẩu từ Trung Quốc do phát hiện thấy có chất amiang có thể gây ung thư trong động cơ và đệm bộ xả của xe.
 
Chưa dừng lại ở đó, giữa năm 2013, Ủy ban Quản lý giám sát Chất lượng Kiểm tra và Kiểm dịch của Trung Quốc đã phải điều tra mức độ chất phóng xạ trên một số hệ thống giải trí được lắp đặt trên xe do 81 công ty trong nước sản xuất. Động thái được đưa ra sau khi một số mẫu xe bị phát hiện lượng phóng xạ ở các hệ thống như đài, đầu CD, đầu DVD... đều cao hơn mức cho phép. Một số linh kiện thuộc diện điều tra đã được dùng để lắp ráp trên các mẫu xe bán ở thị trường Nga và châu Âu.
 
Quá trình kiểm tra cho thấy lượng phóng xạ sẽ cao nhất khi người dùng sử dụng đài radio. Nếu chịu sự tác động của chất này trong một thời gian dài, người dùng sẽ gặp phải các triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, thậm chí... yếu sinh lý.
 
Chất lượng kém cỏi là do các hãng xe Trung Quốc thường “ăn bớt” số lần thử nghiệm an toàn để cắt giảm chi phí. Theo Reuters, Geely Group, một trong những hãng xe lớn nhất nước này chi tiến hành thử nghiệm từ 20-25 lần, thay vì 150 lần cho mỗi sản phẩm mới như ở châu Âu hay Mỹ.
 
Chính vì vậy, Trung Quốc hiện có tới hơn 100 nhà sản xuất ôtô nhưng vẫn chưa có một thương hiệu nào đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thậm chí, ở một nước quen sử dụng đồ ‘tàu” như Việt Nam, người tiêu dùng cá nhân cũng đương nhiên từ chối các mẫu xe Trung Quốc, chưa cần đến các cuộc kêu gọi tẩy chay sản phẩm do chủ quyền bị xâm phạm như vụ giàn khoan 981 hiện nay.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn