Phân khúc cỡ nhỏ: xe Nhật ồ ạt về nước, xe Hàn chịu áp lực

Sau nửa năm vướng Nghị định 116, nhiều mẫu xe cỡ nhỏ đã “ồ ạt” cập cảng Việt Nam và tiến hành các thủ tục thông quan. Phân khúc A hứa hẹn sẽ sôi động trở lại trong thời gian tới khi các mẫu xe Nhật có nguy cơ “đe dọa” sự thống trị của xe Hàn.

 
Một trong những cái tên được chờ đợi trong lô hàng của Toyota là Wigo - nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia. Mẫu xe sở hữu ngoại hình nhỏ gọn, các kích thước dài, rộng, cao lần lượt là 3.600 x 1.600 1.520. Trục cơ sở 2.450 mm. Nội thất xe bố trí đơn giản nhằm tối đa hóa không gian sử dụng.
 
Dự kiến, Wigo 2018 được bàn giao cho khách hàng Việt trong thời gian tới sẽ được trang bị động cơ 4 xi-lanh 1.2L Dual VVT-i, công suất 86,7 mã lực và mô-men xoắn 108 Nm. Hộp số loại tự động 4 cấp hoặc số sàn 5 cấp.
 
Một số đại lý của hãng tiết lộ khoảng giữa tháng 8 tới sẽ bắt đầu bàn giao xe cho khách hàng, mức giá dao động từ 380-400 triệu đồng, chưa kể các khoản chi phí phát sinh khác.
 
Một mẫu xe khác của Nhật Bản là Suzuki Celerio. Hồi cuối năm ngoái, hãng mới đưa về Việt Nam một lô hàng với số lượng hạn chế, mức giá công bố khi đó là 359 triệu đồng và chỉ có bản số tự động.
 
Sau khi “vượt rào” Nghị định 116, lô hàng tiếp theo đã có mặt tại Việt Nam, bao gồm bản số tự động và số sàn. Ở bản số sàn, các đại lý báo giá khoảng 329 triệu đồng. Bản số tự động giữ nguyên giá bán. Thời điểm giao xe dự kiến vào tháng 8. Mức giá này không giảm so với năm 2017 khi xe vẫn phải chịu thuế nhập khẩu 30% nhưng vẫn được đánh giá là khá cạnh tranh với các đối thủ trong cùng phân khúc, trừ Chevrolet Spark. Thời điểm giao xe dự kiến tháng 8.
 
 
Bên cạnh Toyota Wigo và Suzuki Celerio, Mitsubishi Mirage nhập khẩu Thái Lan cũng chuẩn bị lên kệ trong tháng 8 sau một thời gian dài rơi vào tình trạng khan hàng. Ở thời điểm hiện tại, chưa có thông tin về giá xe. Một số đại lý cho biết mức giá có thể sẽ giảm nhưng chỉ từ 10-20 triệu đồng. Nhiều khả năng, phiên bản số sàn MT Eco động cơ 1.2L không còn được phân phối.
 
Như vậy, trong thời gian tới, phân khúc xe cỡ nhỏ tại Việt Nam sẽ sôi động và nhiều lựa chọn hơn với sự xuất hiện của “bộ ba” xe Nhật, tranh giành thị phần từ những tên tuổi Hàn Quốc đang “làm mưa làm gió” trên thị trường như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning.
 
Vài năm trở lại đây, Hyundai i10 có lượng tiêu thụ khá tốt tại khi kết quả lần lượt 21.000 xe năm 2016 và 19.000 xe năm 2017. “Đồng hương” Kia Morning cũng đạt mức doanh số 10.285 xe năm ngoái.
 
Nửa đầu năm 2018, thị trường vẫn chứng kiến sự “thống trị” của xe Hàn khi tổng số xe Hyundai i10 và Kia Morning đến tay khách hàng là 18.300 chiếc. Ngược lại, kết quả của Chevrolet Spark, Mitsubishi Mirage và Suzuki Celerio gộp lại cũng chỉ đạt 1.565 xe.
 
Giới chuyên gia nhận định, việc xe Hàn chiếm ưu thế phân khúc cỡ nhỏ có nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm có mặt sớm trên thị trường trong khi các hãng xe Nhật gần như “bỏ ngỏ” mảng kinh doanh khá hứa hẹn này. Bên cạnh đó là mức giá chỉ từ 300-400 triệu đồng, hình dáng nhỏ gọn, trẻ trung. Đây thường là lựa chọn của những người mua xe lần đầu.
 
Tuy nhiên, theo các dự đoán, thị trường nửa cuối năm 2018 sẽ “đông vui” hơn khi có thêm các đối thủ đến từ Nhật Bản, khiến xe Hàn gặp phải áp lực cạnh tranh không hề nhỏ. Nếu như các mẫu Hyundai i10 và Kia Morning lắp ráp trong nước có thế mạnh về trang thiết bị thì Toyota Wigo hay Suzuki Celerio lại là những dòng xe nhập đến từ các “ông lớn” Nhật Bản vốn nổi tiếng về chất lượng và độ bền bỉ. Đó là chưa kể đến việc nhiều người có tâm lý chuộng hàng “ngoại” hơn nếu đứng giữa hai sản phẩm tương đương về chất lượng cũng như giá cả.