Phân tích sự bất hợp lý của Phí Sử dụng Đường bộ (SDĐB): Phần 3: Bất hợp lý vì Bộ GTVT “làm tất, ăn cả”

Sau hai điểm bất hợp lý về việc thu phí SDĐB đại trà trên đầu từng phương tiện và né tránh thu phí gián tiếp qua xăng dầu, điểm bất hợp lý thứ ba là việc bộ GTVT là chủ thể vừa đề xuất, vừa lập dự án, vừa thực hiện, vừa quản lý, vừa phân bổ, vừa sử dụng Quỹ Bảo trì Đường bộ. Điều này đặc biệt bất hợp lý đối với một chương trình quy mô quốc gia, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và quyền lợi toàn xã hội.

Chính sự mono đó đã tạo nên chương trình thu phí SDĐB hiện nay với rất nhiều điểm bất cập. Đó là sự phiến diện, thiếu công bằng, thiếu tầm nhìn, thiếu khoa học, thiếu công bằng, thiếu tính khả thi, thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ, thiếu các đánh giá tác động chiều sâu, đặc biệt là thiếu hiệu quả và có nhiều nguy cơ thất bại để lại hậu quả xáo trộn, đánh mất niềm tin của công dân.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng ngay từ lúc nhậm chức đã liên tục đề xuất các ý tưởng để tạo nguồn thu về cho ngành GTVT, nào là phí lưu hành phương tiện, sau lại gọi là phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, rồi phí đi vào nội đô giờ cao điểm, phí bảo trì đường bộ và bây giờ là phí SDĐB. Phần việc dễ và trong tầm tay – thu phí từ ôtô thì ông nhận để Bộ GTVT làm, còn phần việc khổng lồ và hết sức khó khăn là thu phí của 35 triệu xe máy thì ông khoán cho chính quyền cấp cơ sở với tỷ lệ “hoa hồng” cao ngất là 10-20%.
 
Khi sáng tạo ra giải pháp gọi là “Phí SDĐB thu trực tiếp trên đầu phương tiện”, các tuyên bố ngập ngừng của ông Thăng về cách thu phí đối với xe máy thực chất chỉ là đánh lạc hướng để các chủ ôtô đỡ cảm thấy bị đối xử bất công mà thôi. Nhưng chính sự mập mờ này cũng là ví dụ về sự yếu kém trong nhận thức điều hành xã hội, thiếu bản lĩnh và tầm nhìn. Trong vai trò một chính khách, ông Thăng không được phép bộc lộ công khai ý chí nửa vời qua việc thừa nhận chỉ hy vọng thu được 50% phí SDĐB từ xe máy. Thật nực cười vì không có quốc gia nào ban hành một văn bản quy phạm pháp luật mà lại lớn tiếng công bố rằng chỉ cần 50% số đối tượng tuân thủ quy định đó. Ý thức “tuân thủ một nửa pháp luật” của chính người đề xuất luật này sẽ khiến 100% số đối tượng mục tiêu không muốn và không cần chấp hành nó.
 
Một ví dụ khác là, trước khi được bổ nhiệm là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ BTĐB, ông Thăng đã tự hoạch định tỷ lệ chi trả từ 10% - 20% tổng phí thu từ xe máy để “thuê” chính quyền cấp cơ sở làm việc đó. Tức là ngay cả khi chưa thu được đồng tiền nào về Quỹ BTĐB, ông Thăng đã có biểu hiện lạm quyền chi tiêu Quỹ này, bộc lộ ý thức hành xử vô nguyên tắc với một nguồn thu từ xã hội. Mặt khác, với tư cách Bộ trưởng GTVT, ông không thể trả tiền thêm cho các viên chức hành chính cơ sở - những người đang hưởng lương ngân sách, để yêu cầu họ làm một việc ngoài phận sự của mình. Trong trường hợp này mà ông định dùng tiểu xảo “mỡ nó rán nó” thì thật là quá chủ quan.
 
Ông “tư lệnh” ngành GTVT không thể chỏng lỏn với quan chức địa phương theo kiểu “làm đi, tôi trả tiền” được. Thế ông tưởng xưa nay nhân dân không đều đặn và kính cẩn trả tất cả các loại tiền cho địa phương chắc?!
 
Mặt khác, nếu địa phương “nuốt” được cái nhiệm vụ khó nhằn mà ông giao, hoá ra xưa nay họ quá rảnh? Nếu không rảnh thì chẳng lẽ họ có thể dẹp bớt các dịch vụ công, gạt nhu cầu của công dân sang một bên để ưu tiên đi thu phí SDĐB lấy “hoa hồng” cao từ Bộ GTVT?
 
Tiền lệ thu phí và điều hành Quỹ GTĐB cũng khới lên các vấn đề ngang tầm như: Bộ Y tế có thể đòi thu phí lập Quỹ bảo trì Bệnh viện, Bộ Giáo dục muốn thu phí lập Quỹ bảo trì Trường học, Bộ Công thương cần thu phí lập Quỹ bảo trì Lưới điện... với những lý lẽ và sự bức thiết đều tương tự Bộ GTVT. Nhưng như thế thì Ngân sách quốc gia dùng làm gì? Phải chia Việt Nam thành bao nhiêu tiểu quốc như Bộ GTVT?
 
Minh chứng cho việc này, một người trong cuộc là bà Phan Thị Thanh Hà – Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (HN) nhận định: “Nếu bất cứ bộ ngành nào có việc cũng giao khoán cho địa phương như vậy thì chẳng mấy chốc chúng tôi sẽ phải làm thêm cả ca đêm”. Vâng, dù các cấp chính quyền cơ sở có phải làm thêm ca đêm hay không thì năng lực thực hiện dịch vụ công của họ vẫn chắc chắn bị chi phối bởi kiểu khoán việc tréo ngoe này, tức là ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của công dân.
 
Đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình được ngành giao thông vận tải tự hào là tuyến hiện đại nhất Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ sau 5 tháng hoàn thành đã hư hỏng, nhiều đoạn bong tróc, lún nghiêng, ổ gà ổ trâu…
                    Xem ảnh kèm theo
Xét trên góc độ quản lý kinh tế, Bộ GTVT đang đóng vai trò chủ đầu tư - chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý, giám sát thực hiện, nghiệm thu các dự án giao thông, mở mang đường sá, triển khai các công trình mới... Tức là họ và các nhà thầu phải phân vai mà chịu trách nhiệm trước nhân dân về chất lượng đường sá, công trình giao thông. Trong khi chính cái chất lượng ban đầu tệ hại đó đang là vấn đề nổi cộm, gây nhức nhối trong dư luận xã hội và nền kinh tế, mà vẫn chưa tìm được đối tượng nào chịu trách nhiệm, thì giờ đây Bộ GTVT lại đòi thu tiền của dân để làm cái việc trám chít, vá víu đường sá, cầu cống. Như vậy là bất hợp lý. Vì nhân dân chưa bao giờ được biết Bộ GTVT dùng “đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” cả.
 
Nhiều đoạn trên đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đá dăm rời bị dồn thành đống, làm cánh lái xe ái ngại. Nếu chạy với tốc độ “cao tốc” thì khó tránh khỏi tai nạn
 
Sụt lún, hư hỏng trên mặt đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, với số vốn đầu tư gần 9000 tỷ đồng
 
Nói về việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN nhận định, đường sá có tốt lên hay không phụ thuộc vào 2 yếu tố: 1. Chất lượng xây dựng cơ bản ban đầu phải đảm bảo yêu cầu; 2. Bảo trì phải làm thường xuyên. Nếu chất lượng xây dựng đường mới không được cải thiện thì sẽ rất nhanh xuống cấp, khi ấy duy tu bảo dưỡng rất lãng phí và tốn kém. Quả thực, với cả trăm nghìn km đường không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và xuống cấp nhanh, kết hợp tần suất sử dụng như hiện nay, thì Quỹ BTĐB dù có lớn đến đâu cũng chỉ như muối bỏ bể. Đó là chưa kể quá trình bảo trì đường bộ, nếu không có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, thì tiền cũng sẽ trôi đi hết mà thôi.
 
Thẳng thắn hơn, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, không nên để Bộ trưởng GTVT làm Chủ tịch Quỹ BTĐB mà nên để Bộ Tài chính làm cơ quan chủ quản thu, phương án thu, quản lý và hạch toán, cân đối và phân bổ lại cho Bộ GTVT và các địa phương. Đề xuất của ông Liên chẳng khác gì cách thu chi ngân sách nhà nước hiện nay, và đúng là phải làm như vậy. Thực tế là người dân không tin tưởng vào đạo đức và năng lực quản lý, trình độ và chất lượng bảo trì đường bộ hiện nay. Bất kỳ ai, cứ bước chân ra đường là tìm được bằng chứng cho sự nghi ngờ đó.
 
Cá nhân tác giả bài viết này cũng sử dụng ôtô và hiểu rằng khoản phí SDĐB đúng là cần nộp và nó cũng không quá lớn nếu so với chi phí để xe tĩnh hàng tháng (khoảng 1 triệu) và tổng chi phí cho các kiểu gửi ôtô khác (1 triệu nữa). Khoản phí này càng đúng riêng với ôtô, vì có nhiều con đường cao tốc chỉ dành riêng cho xe hơi (ví dụ như tuyến đường vành đai 3 trên cao mới hoàn thành), làm được như vậy cần rất nhiều tiền.
 
Tuy nhiên, vấn đề của một người khác rất xa với chính vấn đề đó nhưng thuộc về toàn xã hội và nền kinh tế. Đáng nói là tính minh bạch, công bằng xã hội, hiệu quả thu và sử dụng nguồn thu.
 
Hàng triệu người sở hữu ôtô đã phải đóng góp cho đất nước tới 3 loại thuế và 5 loại phí trực tiếp, gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT; phí trước bạ, phí kiểm định phương tiện, phí cấp biển, phí SDĐB, phí bảo hiểm…  Chưa hết, suốt quá trình sử dụng xe, họ tiếp tục phải nộp phí kiểm định, bảo hiểm, vé qua trạm, liên tục mua xăng kèm các khoản thuế nhập khẩu, TTĐB, thuế môi trường và VAT, tính ra cứ mỗi khi đổ đầy một bình xăng 60 lít chủ xe đã nộp thuế đến gần 420.000 đồng.
Vậy là bất chấp cả một “rừng” sự bất hợp lý, chỉ gần 2 tuần nữa ông Thăng sẽ bắt đầu thu Phí SDĐB trên từng chiếc ôtô. Chưa thu phí thì người ta còn để ông yên, chứ khi đã cầm tiền của dân thì ổ gà, ổ voi sẽ rơi xuống đầu, hố tử thần sẽ sụt trước mặt, hàng triệu mũi tên chỉ trích sẽ bay cùng một hướng về phía ông. Tiền phí chưa thể thu về được ngay một lúc, dẫu đủ thì vài nghìn tỷ rắc lên hàng triệu mét mặt đường hư hỏng khác gì muối bỏ bể?! Nhưng búa rìu thì chắc chắn sẽ ập đến tức thì. Tình hình này e rằng ông không đỡ nổi. Rõ khổ!
 
Phần 1: Bất hợp lý khi thu phí SDĐB trên đầu phương tiện
Phần 2: Bất hợp lý khi từ chối thu Phí SDĐB qua xăng dầu
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn