Thị trường ôtô Việt: Từ hy vọng đến xỉu dần đều...

Hết năm nhìn lại, thị trường ôtô chỉ đạt 110 nghìn chiếc, chẳng khởi sắc là bao so với năm 2012 hết sức bi đát, và dự báo con số của năm nay cũng chỉ tăng thêm khoảng 10 nghìn xe nữa.

Năm 2013 trôi qua đi trong khó khăn với sự kiệt sức của các doanh nghiệp, với sự nghèo đi trên thực tế của người dân khi giá cả càng cuối năm càng leo thang. Và các cơ quan thuế tăng cường đi thúc, đi truy thu thuế để tìm nguồn thu bổ sung cho sự lạm chi quá mức của bộ máy nhà nước to lớn, cồng kềnh mà tại đó có rất ít người làm được việc.
 
Có điều, trong tháng 12 vừa qua, người dân Việt Nam qua một đêm bỗng giàu hẳn lên. Không phải vì việc tăng mức lương cơ bản thêm đâu đó 100.000 đồng/tháng, kể từ tháng 7, nhưng đến cuối năm mới được truy lĩnh. Mà cái sự giàu lên này là vì theo ước tính của Tổng cục Thống kê, năm 2013 GDP bình quân đầu người của dân Việt ta là 1.960 USD so với con số năm 2012 là 1.600 USD tính theo cách cũ, một mức tăng 23% trong có... một đêm. Và so với năm 2010, khi GDP là 1.000 USD, thì mới có 3 năm mà đã tăng gấp đôi.
 
Có được sự gia tăng này là nhờ ông Tổng cục Thống kê đã thay đổi cách tính. Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, giải thích trên Thời báo Kinh tế Sài gòn, ngày 12/12 và ngày 19/12, rất rõ ràng: “Trong quá trình thu thập thông tin những năm gần đây và làm việc với chuyên gia quốc tế về quy mô GDP của Việt nam, Tổng cục Thống kê nhận thấy có một số lĩnh vực thời gian qua đã phản ánh chưa hết. Vì vậy Tổng cục Thống kê đã điều chỉnh tăng quy mô giá trị gia tăng của lĩnh vực ngân hàng, và khấu hao nhà tự có tự ở của dân cư (ở ngành kinh doanh bất động sản).”
Nhưng nhìn kỹ ra về sự phát triển kinh tế năm qua, thấy băn khoăn nhiều vì theo thông lệ quốc tế, khi thu nhập đầu người đạt 1.000 USD, thị trường ôtô bắt đầu khởi sắc. Khi thu nhập 2.000 USD, việc mua bán ôtô râm ran. Nhưng đã chẳng có cái gì giống như thế xảy ra cả.
 
Khởi đầu năm 2013 có nhiều ồn ào với hy vọng kỳ cuối năm, đón tết Quý Tỵ sẽ bán thêm được chút chút xe sau một năm 2012 có số lượng xe bán đã xuống thấp kỷ lục. Hy vọng dựa trên niềm tin mơ hồ rằng kinh tế đã xuống tới đáy, bắt đầu ngóc lên và người ta sẽ mua xe để làm ăn.
 
Nhưng rồi thì hết năm nhìn lại, vẫn chưa thấy khởi sắc gì so với năm 2012 vốn rất bi đát cho thị trường ôtô: doanh số bán hàng có cao hơn năm ngoài hơn 10 nghìn chiếc, nhưng con số này chỉ là mức tăng cần thiết do dân số Việt Nam có sự gia tăng thêm 1 triệu người trong khi tỷ lệ số xe trên đầu dân vẫn không được cải thiện…
 
Lý do của sự không khởi sắc đó, tiếc thay, vẫn cũ mèm mà ai cũng biết rõ từ nhiều năm nay, rõ đến mức mà nói ra thì các nhà lập chính sách sẽ lại bắt chước cụ cố Hồng trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng mà rằng: biết rồi, khổ lắm, nói mãi…
 
Đầu tiên là do các chính sách của chúng ta không thân thiện với cái ôtô. Ôtô là biểu tượng của sự giàu có, sự nổi trội trong khi giá trị xã hội vẫn khuyến khích sự cào bằng. Xưa đã thế mà những năm tháng theo định hướng XHCN lại càng thế. Tệ hơn, số lượng ôtô công, cái mang danh là của chung, phát triển vô tội vạ. Do vậy, đằng sau các chính sách về phát triển ôtô vẫn là sự không thiện chí để người dân mua ôtô. Thị trường ôtô do vậy bị bóp nghẹt và không một cơ sở công nghiệp ôtô nào có thể sống sót với thị trường đó nếu đầu tư bài bản và làm ăn nghiêm chỉnh.
 
Tiếp đó, các chính sách đối với ôtô nói riêng, và đối với các hoạt động kinh tế nói chung, luôn luôn thay đổi. Lúc thì tăng thuế, lúc thì tăng phí, lúc thì lại giảm phí. Lúc thì có nhiều ưu đãi, lúc thì lại hạn chế. Lúc định cho lưu hành xe thoải mái, lúc lại định hạn chế xe cá nhân để giảm bớt ách tắc và tai nạn giao thông… Cứ như là các chính sách ôtô đang trôi nổi giữa các tình hình thực tế mâu thuẫn nhau, chuyện rất thường tình ở bất cứ xã hội nào, cũng như lang thang trong vô định để làm hài lòng các nhóm lợi ích khác nhau, điều vốn bất khả thi ở bất cứ xã hội hiện đại nào. Tức là thiếu một định hướng chính sách khoa học, ổn định và có cơ sở xã hội vì lợi ích người dân.
 
Cuối cùng là các chính sách vẫn không thân thiện thêm bao nhiêu đối với các doanh nghiệp tư nhân nước nhà, cả doanh nghiệp ôtô lẫn các doanh nghiệp không ôtô, kể từ những thay đổi sau Đổi Mới một phần tư thế kỷ trước. Doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo: sẽ tiếp tục tiêu dùng phần lớn tiềm năng quốc gia và mang lại rất ít hiệu quả cho nền kinh tế. Và cũng rất nhiều tham nhũng ở đây. Còn doanh nghiệp tư nhân thực sự của Việt Nam thì không có gì cả: không đất đai, không vay được tiền ngân hàng và cũng chẳng có lao động lành nghề… Họ cũng chịu đựng các thủ tục hành chính hành là chính, bị thúc thuế bất cứ lúc nào nhà nước gặp khó khăn, như trong năm 2013 này chẳng hạn, dù rằng không mấy doanh nghiệp dám chắc những khoản thuế đó đi về cho ngân sách nhà nước nhiều hơn hay để bôi trơn cho những công chức thoái hoá ở sở thuế nhiều hơn.
 
Nền công nghiệp ôtô nước nhà vì thế không phát triển được. Nền công nghiệp liên doanh lắp ráp ôtô nước nhà cũng chỉ phát trỉển một cách chụp giật: tận dụng những sai lầm trong chính sách phát triển ôtô của Việt Nam để bán những hàng lỗi mốt, lạc hậu về kỹ thuật và đã sẵn sàng rút bỏ khỏi cuộc chơi vào khoảng năm 2018, khi các hàng rào thuế quan sẽ được dỡ bỏ triệt để. Và cũng vì thế nên nền kinh tế nước nhà đã không thể khởi sắc được trong bất cứ lĩnh vực sản xuất công nghiệp hơi hiện đại nào, chứ chưa nói đến ôtô. Nên ôtô không bán được âu cũng là chuyện đương nhiên.
 
Chỉ có chuyện cách điều hành chính sách vẫn không thay đổi sau ngần ấy năm, sau ngần ấy những thất bại và sau khi đã được cảnh báo về sự sụp đổ của công nghiệp ôtô nước nhà sắp tới.
 
Vì thế cho nên chúng ta thấy cùng là đặt ra mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô ở Indonesia người ta giữ mức thuế tương đối ổn định trong 10 năm. Còn ở Việt Nam tính trung bình trong 6 tháng chúng ta thay đổi 3 lần. Nên Indonesia phát triển công nghiệp ôtô sau Việt Nam rất lâu, nhưng giờ đây họ đã trở thành một trung tâm sản xuất lớn thứ hai ở Đông Nam Á, thu hút rất nhiều khoản đầu tư lớn, bài bản của các doanh nghiệp xe hơi quốc tế hàng đầu. Còn ở Việt Nam thì đa phần các dự báo, như dự báo của Euro Cham chẳng hạn, cho biết đến năm 2018 trên thị trường Việt Nam có thể sẽ còn toàn là xe nhập khẩu.
 
Cũng theo các chuyên gia quốc tế, đến năm 2018 thế giới tiêu thụ 100 triệu chiếc ôtô. Năm nay, Việt Nam tiêu thụ khoảng 110.000 chiếc xe. Với tốc độ phát triển kinh tế như hiện nay và với tốc độ mua sắm ôtô như hiện nay, 5 năm nữa có lẽ người dân Việt chúng ta may ra mua được 150.000 chiếc xe chăng. Dân số Việt Nam chiếm 1,5% dân số thế giới và số lượng ôtô tiêu thụ bằng 0,15% thế giới. Mà theo dự định thì năm 2020 Việt Nam về cơ bản đã  phải là một nước hiện đại, công nghiệp hóa rồi. Thế thì kiểu hiện đại hóa của chúng ta sẽ là kiểu hiện đại hóa gì?
 
Thôi thì đành dùng phép thắng lợi tinh thần để khẳng định rằng Việt Nam hiện đại sẽ không cần nhiều ôtô: vì để bảo vệ môi trường và vì chúng ta... sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều khi không có ôtô.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn