Tiếp tục khó khăn tại Trung Quốc, ôtô Nhật tăng đầu tư sang ASEAN?

Hơn một năm sau khi những tranh cãi về nhóm đảo Senkaku gây ra các cuộc biểu tình chống doanh nghiệp Nhật Bản, tình hình kinh doanh của các nhà sản xuất ôtô xứ sở hoa anh đào tại Trung Quốc chưa hồi phục, thậm chí còn giảm so với một năm trước.

Ngày 3/9, Honda cho biết đã bán 55.553 xe trong tháng 8/2013, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 6 và tháng 7, lượng xe bán ra cũng giảm lần lượt là 5,6% và 1,7%.
 
Trong cùng khoảng thời gian, Nissan tiêu thụ được 86 nghìn chiếc, tăng 1% so với năm 2012. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại so với tỷ lệ 1,8 % trong tháng 7.
 
Ảm đạm nhất là Toyora khi hãng này cho biết chỉ bán được 72.100 xe, giảm 4,2% so với tháng 8/2012, trong khi mức giảm của tháng 7 là 3,5%. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, hãng xe Nhật Bản tiêu thụ được 654.600 ôtô các loại, giảm 5,3% so với cùng kỳ.
 
Lượng xe bán ra của các hãng Nhật Bản cùng nhiều hàng hóa khác đã bị ảnh hưởng nặng nề kể từ giữa năm ngoái, khi cuộc tranh chấp lãnh thổ bùng nổ giữa Tokyo và Bắc Kinh, dẫn đến những cuộc tẩy chay sản phẩm Nhật Bản và các cuộc biểu tình đập phá xe cộ, hàng quán làm rúng động thế giới.
 
John Zeng – Giám đốc trung tâm tư vấn  LMC Automotive – cho rằng trong trung và dài hạn, tình hình kinh doanh xe Nhật tại Trung Quốc có rất ít khả năng phục hồi. Ông cũng cho rằng sự chiến thắng của cánh hữu trong cuộc bầu cử quốc hội Nhật Bản, cùng với đó là chính sách cứng rắn trong vấn đề chủ quyền, sẽ tiếp tục gây ra những tác động xấu đến doanh số của các hãng xe nước này tại thị trường đông dân nhất thế giới. “Niềm tin người tiêu dùng vẫn chưa cải thiện. Khi những mẫu xe ngày càng đa dạng, nguồn cung dư thừa, lý do chính trị có thể khiến người ta lựa chọn những thương hiệu khác”, John nói.
 
Tệ hơn nữa, John Zeng còn cho rằng dư âm của vấn đề Senkaku có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm. Tung ra mẫu xe mới sẽ tiếp tục là chiến lược cần theo đuổi, nhưng các nhà sản xuất Nhật Bản cần chú ý nhiều hơn đến các rủi ro phát sinh, bởi chúng có thể châm ngòi cho làn sóng biểu tình, gây ra những tác động tiêu cực đối với doanh thu bán hàng, John nhận định. Không ai quên hình ảnh xe Toyota, Honda bị lật ngửa, đốt, đập nát trên các đường phố Trung Quốc. Thậm chí, người ta còn rùng mình lo sợ nhớ lại cảnh một người dân ở thành phố Tây An bị chính đồng bào mình đánh chấn thương sọ não chỉ vì lái một chiếc Toyota.
 
Cũng từ đó đến nay, hầu hết các hãng xe Nhật đã dừng kế hoạch mở rộng ở Trung Quốc. Toyota đã dừng việc xây một nhà máy ở Thiên Tân, trong khi đó hồi cuối năm ngoái tuyên bố đầu tư đến 2,7 tỷ USD vào Indonesia. Một dấu hiệu khác là các chuyên gia Nhật Bản một lần nữa tư vấn việc xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp cho Việt Nam tầm nhìn 2030, trong đó có công nghiệp ôtô. Thất bại của kẻ này là cơ hội cho người khác, có điều, tận dụng được hay không còn phụ thuộc và các nước ASEAN. Indonesia và cả Myanmar đang làm rất tốt, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay chưa rút ra được bài học về sự thất bại của chiến lược ôtô đặt ra 2 thập kỷ trước.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn