Tiêu thụ xe máy quý I/2019 giảm 6,13%

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), kết thúc quý I/2019, người Việt mua 753.934 xe máy các loại. Trung bình mỗi ngày có khoảng 8.377 xe máy mới được giao đến khách hàng.

 
Con số trên chỉ là tổng số lượng xe bán ra trong nước của các thành viên thuộc VAMM như Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha, không bao gồm xuất khẩu cũng không tính đến các thương hiệu xe phân khối lớn như: Ducati, Triumph, Harley-Davidson, Kawasaki...
 
Dù vậy, 5 thành viên của VAMM đã chiếm hơn 90% thị phần, nên cũng phản ánh tương đối đầy đủ nhu cầu xe máy của người dân trong thời gian qua. Trong đó, Honda vẫn là thương hiệu phổ biến nhất với khoảng 575.000 xe ra khỏi đại lý.
 
So với cùng kỳ năm 2018, lượng xe máy tại thị trường Việt Nam giảm 6,13%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này được cho là do các đề án hạn chế xe máy ở nhiều thành phố lớn, điển hình là Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể: Cuối tháng 3/2019, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã gửi báo cáo lên UBND TP Hà Nội, liên quan đến lộ trình dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
 
Theo đó, lộ trình được chia làm 3 giai đoạn: 2019-2025, 2026-2030 và sau năm 2030. Từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ thực hiện cấm xe máy trên đường Nguyễn Trãi và đường Xuân Thuỷ vào các giờ cao điểm. Sang giai đoạn 2021- 2025, Hà Nội có thể cấm xe máy lưu thông vào các ngày cuối tuần tại khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm. Ở giai đoạn cuối cùng 2025-2030, loại phương tiện này bị hạn chế ở bốn quận nội thành cũ là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, trước khi mở rộng đến Vành đai 3 cùng các khu vực khác.
 
Tương tự, theo đề án của Sở GTVT TP.HCM, việc cấm xe máy tại TP.HCM cũng được thực hiện theo 3 giai đoạn: Từ nay đến 2020, 2021-2025 và 2026-2030.
 
Đề xuất cấm xe máy tại các thành phố lớn đã làm xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều người cho rằng: Với tình hình hiện nay, cấm xe máy sẽ gây ra nhiều bất cập, đặc biệt giữa bối cảnh giao thông công cộng chưa thực sự phát triển. Không những vậy, các phương tiện như xe buýt hay đường sắt trên cao chỉ phù hợp với dân công sở, trong khi một số lượng không nhỏ người dân sinh sống ở Hà Nội và TP.HCM làm nghề tự do, xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu.
 
Một số ý kiến khác thắc mắc tại sao cấm xe máy mà không cấm ôtô cho công bằng. Trong khi thực tế cho thấy, loại phương tiện này xuất hiện ngày càng nhiều trên các con phố và cũng là nhân tố không nhỏ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.