Toyota Fortuner sẽ rẻ hơn khi chuyển sang lắp ráp?

Việc Toyota Fortuner chuyển sang lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ tạo ra một bước ngoặt, “châm ngòi” cuộc đua mới giữa các hãng xe đang phân phối tại Việt Nam.

 
Những ngày gần đây đang rộ lên thông tin Toyota sẽ chuyển sang lắp ráp 4 phiên bản hiện có của Fortuner, bao gồm các phiên bản Dầu 2.4 4x2 AT, Dầu 2.4 4x2 MT, Dầu2.8 4x4 AT, Xăng 2.7 4x2 AT, đồng thời nhập khẩu thêm 2 phiên bản mới là Xăng 2.7 4x4 AT và Xăng 2.7 4x2 AT TRD.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, Toyota Việt Nam vẫn chưa xác nhận chính thức về điều này, nhưng trước đó, hãng cũng giữ kín việc nhập khẩu Camry thay vì lắp ráp. Phải đến ngày 23/4 vừa qua, mẫu xe mới được “vén màn” dưới dạng nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
 
Nếu thông tin trên là đúng, động thái sẽ đánh dấu lần đầu tiên, một mẫu xe cỡ lớn được các hãng xe nước ngoài lắp ráp tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu nội địa.
 
 
Cách đây vài tháng, một số nhân viên kinh doanh của Toyota cũng tiết lộ mẫu SUV 7 chỗ sẽ được chuyển sang lắp ráp trong nước và mở đặt hàng từ giữa năm nay. Tuy chưa có mức giá dự kiến, song nhiều khả năng, sẽ thấp hơn so với xe nhập.
 
Thậm chí, một nhân viên đại lý Toyota ở HCM cho biết: Bản lắp ráp có thể ra mắt trong năm nay. Fortuner đang bán là đợt hàng cuối nhập về. Người này cung cấp thêm: Fortuner không còn “sốt” như trước bởi giá trị gói phụ kiện đi theo xe đã giảm xuống 30-40 triệu thay vì 70-80 triệu đồng.
 
 
Các đối thủ hiện tại của Fortuner ở phân khúc SUV 7 chỗ cỡ trung bao gồm Ford Everest, Mitsubishi Pajero Sport, Chevrolet Trailblazer và Isuzu Mu-X. Tuy nhiên, thời gian tới, có thể Fortuner sẽ là tên tuổi duy nhất được lắp ráp, trong khi các đối thủ đều nhập khẩu từ Thái Lan.
 
Ở thế hệ cũ, Fortuner từng được lắp ráp tại Việt Nam và đem đến doanh số khả quan. Kể từ khi thế hệ mới ra mắt, Toyota quyết định thay đổi chiến lược và chuyển sang nhập khẩu từ Indonesia để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0%. Trong giai đoạn này, do ảnh hưởng của Nghị định 116 cùng Thông tư 03, mẫu xe từng rơi vào tình trạng cung không đủ cầu khiến lượng tiêu thụ sụt giảm đáng kể dù nó vốn là một trong những mẫu xe hút khách trên thị trường.
 
Quyết định trên được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Fortuner nói riêng và những mẫu xe chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp nói chung. Nguyên nhân do nguồn cung luôn được đảm bảo, giảm tình trạng khan hàng khiến khách hàng phải mua “bia kèm lạc” nếu muốn nhận xe sớm. Đó là chưa kể đến việc giá bán có thể giảm mạnh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
 
 
Trước đây, Hyundai Santa Fe cũng được chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp tại nhà máy Ninh Bình. Mẫu xe đã “gây sốc” với mức giá giảm tới 300 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không dễ dàng như vậy. Việc tiến hành lắp ráp Fortuner trong nước, Toyota Việt Nam buộc phải mở rộng nhà xưởng để lắp đặt dây chuyển sản xuất dòng SUV này. Bên cạnh đó, nhiều hãng xe khác có sản phẩm cùng phân khúc cho biết đã tiếp nhận thông tin và đang lên kế hoạch để cạnh tranh. Trong số đó, không loại trừ khả năng Chevrolet Trailblazer và Mitsubishi Pajero Sport cũng sẽ “nối gót” Fortuner bởi dây chuyền lắp ráp xe tại Việt Nam của Chevrolet và Mitsubishi đều đã khá hoàn thiện. Nhưng dù có thế nào, trong cuộc "đua tranh" này, người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất với nguồn cung đầy đủ, cùng giá bán rất cạnh tranh giữa các dòng sản phẩm trong cùng phân khúc.