Trường Hải khó khăn ra sao mà phải xin gia hạn 1.200 tỷ tiền thuế

Theo Trường Hải, tổng số hàng tồn kho và nợ các tổ chức tín dụng của công ty này lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Công ty cổ phần ôtô Trường Hải, với sự ủng hộ của tỉnh Quảng Nam, nơi công ty đặt trụ sở, muốn Chính phủ cho phép 4 công ty thành viên do Trường Hải làm chủ đầu tư được gia hạn nộp thuế nhập khẩu trong thời hạn một năm.
 
Tồn kho và nợ cả chục nghìn tỷ đồng
 
Công văn gửi ngày 7/6 của Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đề nghị của UBND Quảng Nam và Công ty cổ phần ôtô Trường Hải về việc gia hạn số tiền thuế nhập khẩu các lô hàng linh kiện, phụ tùng ôtô của 4 công ty thành viên trong khoảng thời gian từ ngày 1/7/2013 đến ngày 30/6/2014.
 
4 công ty này gồm Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ôtô tải Chu Lai - Trường Hải; Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ôtô khách Trường Hải; Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ôtô du lịch Trường Hải - Kia; Cty TNHH MTV Sản xuất và lắp ráp ôtô Vina-Mazda. Số tiền ước tính khoảng 1.214 tỷ đồng
 
Theo Trường Hải, từ năm 2012 đến nay, do tình hình kinh tế trong nước và thế giới suy giảm nghiêm trọng nên dẫn tới thị trường ôtô các loại trong nước sụt giảm mạnh về doanh số. Công ty cho biết còn tồn kho lượng hàng trị giá 3.385 tỷ và hiện đang nợ các tổ chức tín dụng khoảng 5.684 tỷ.
 
Theo công văn của Bộ Tài chính, người nộp thuế được gia hạn nộp thuế, nộp phạt đối với số tiền thuế, tiền phạt còn nợ nếu không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt. Trong 5 tháng đầu năm nay, tổng cộng Trường Hải đã bán ra 10.418 xe các loại, tăng khoảng 10% so với cùng giai đoạn năm 2012 (đạt 9.421 xe các loại).
 
Nhẩm tính số tồn kho trị giá 3.385 tỷ, tương đương với cỡ 5-6 nghìn xe các loại chưa bán được. Như vậy, số xe của Trường Hải có được trong 5 tháng đầu năm 2013 gần gấp đôi số đã bán trong cùng kỳ năm ngoái.
 
Theo dự báo lạc quan nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), thị trường ôtô trong nước có thể đạt hơn 100 nghìn xe, tăng hơn 10% so với năm 2012. Trong bối cảnh đó mà vẫn tiếp tục tăng cường sản xuất, không lâm vào khó khăn mới lạ.
 
Có nên gia hạn thuế?
 
Công văn của Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế cho Trường Hải dựa vào Nghị quyết 02 ban hành tháng 1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Nghị quyết này cho rằng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh có nhiệm vụ triển khai thực hiện các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.
 
Lý lẽ này có vẻ chưa thuyết phục lắm. Vì cũng trong Nghị quyết 02, không có điểm nào đề cập tới việc gia hạn thuế nhập khẩu, mà chỉ đề cập tới thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp quy mô lớn (trên 300 lao động) được gia hạn thuế thu nhập cũng không thuộc lĩnh vực sản xuất lắp ráp ôtô.
 
Một vấn đề khác cần tính đến là nếu Trường Hải được gia hạn thuế, tại sao các công ty lắp ráp khác như Toyota, Ford hay GM Việt Nam lại không được gia hạn. Đâu phải chỉ một mình Trường Hải là có nhiều xe tồn kho.
 
Thực tế, việc gia hạn thuế cho Trường Hải và có thể cả các công ty khác cũng là việc nên làm. Chỉ cần thực hiện đúng như Bộ Tài chính yêu cầu, là phải nộp các khoản thuế được gia hạn đúng quy định, và sử dụng số tiền thuế được gia hạn để đầu tư phát triển sản xuất phụ trợ, chứ không phải đem trả nợ hay đầu tư sang lĩnh vực khác, ví dụ địa ốc, mảng kinh doanh mà Trường Hải chính thức tham gia gần đây.
 
Nhưng khi câu chuyện là vì tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ôtô, tại sao không tính chuyện gia hạn thuế, chẳng hạn thuế tiêu thụ đặc biệt, cho người mua xe hơi vào thời điểm khó khăn này? Ví dụ, cho phép người mua xe được chọn thời điểm đóng các mức thuế sau khi mua xe 2-3 năm, hoặc trả góp với lãi suất thấp trong thời gian dài. Tăng lượng người mua xe chính là tăng lượng tiêu thụ, giảm tồn kho, thúc đẩy sản xuất. Khi đó, chuyện chậm trả thuế nhập khẩu linh kiện chẳng cần đặt ra nữa.
 
Vào lúc này, thay vì tập trung cho các doanh nghiệp để tiếp tục nuôi giấc mơ về một ngành công nghiệp ôtô trong vài năm ngẳn ngủn còn lại trước khi hội nhập hoàn toàn vào AFTA, tại sao không nỗ lực phát triển một thị trường đủ lớn để mọi hãng xe đều phải muốn có phần trong đó? Vào năm 2009, thời điểm mà thị trường ôtô trong nước đã đạt mốc xấp xỉ 200 nghìn xe, người ta từng kỳ vọng quy mô có thể lên tới 250-300 nghìn xe 3 năm sau đó. Và con số nửa triệu xe bán ra mỗi năm là hoàn toàn trong tầm tay vào 2018, thời điểm hội nhập AFTA.
 
Tổng số xe bán ra của Trường Hải hiện chiếm khoảng 30% toàn thị trường. Hãy hình dung, khi quy mô thị trường là 500 nghìn xe, thì 30% tương đương với 150 nghìn chiếc mỗi năm, một con số mơ ước của bất kỳ hãng xe nào trên thế giới. Lúc đó, vấn đề sẽ không còn là chuyện của vài nghìn tỷ đồng thuế xin gia hạn, mà là phải đầu tư bao nhiêu trăm nghìn tỷ để ít nhất không bị các đối thủ khác chia sẻ bớt thị phần.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn