“Tút” xe máy chơi Tết – muôn vẻ muôn tiền

Như đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến là dân chơi xe máy lại dồn công sức tiền của để chăm chút cho xế của mình. Số tiền để độ xe có khi còn lên đến cả trăm triệu, gấp nhiều lần tiền mua xe mới. Đây cũng là dịp các cửa hàng bán đồ chơi, nâng cấp xe nhộn nhịp nhất trong năm.

Trước đây, chiếc xe máy được coi là tài sản lớn của gia đình nên hầu hết người sử dụng đều cố gắng giữ gìn sao cho nó được “nguyên bản” nhất, lâu hao mòn nhất có thể. Việc sửa sang được coi là tối kỵ. Tuy nhiên, ngày nay khi chiếc xe máy không chỉ được coi là một tài sản, một phương tiện mà nó còn được coi là món đồ thể hiện phong cách cá nhân, công thêm đó là sự phát triển thông tin, kỹ thuật công nghệ nên ngày càng nhiều người thích “phá xe”, lắp thêm đồ chơi mà dân trong giới thường  gọi là độ xe.
 
Tại Sài Gòn, nơi cung cấp đồ chơi và dịch vụ độ xe được tập trung ở các con phố như đường Phan Đăng Lưu, Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương, Phạm Hữu Chí, Đỗ Ngọc Thạnh (Q.5), Hồng Bàng (Q.6), Ký Con (Q.1)... Ngoài ra, nếu có kinh nghiệm, người chơi xe có thể trực tiếp ra chợ phụ kiện xe máy Tân Thành (Q.5) để tìm mua nhiều loại phụ kiện với giá rẻ hơn tại các tiệm bán lẻ.
 
Tại Hà Nội, dân chơi xe thường tìm đến các cửa hàng trên phố Huế, Cao Bá Quát và những lò độ xe cá nhân ở Khâm Thiên, Hoàng Hoa Thám…
 
Độ” xe được chia ra thành nhiều cấp độ khác nhau. Đơn giản nhất là trang trí bề ngoài xe bằng tem, decal hoặc làm đẹp các chi tiết xe bằng inox sáng. Cao hơn nữa là sơn lại xe hay lắp thêm một số phụ tùng như mặt đồng hồ, vỏ lóc máy, mặt nạ, chụp đèn, phuộc… Còn với giới chịu chơi thì chiếc xe có thể được “biến dạng” hoàn toàn từ dáng dấp, đến động cơ, và được trang bị cả những món đồ chơi bắt mắt khác như âm thanh, ánh sáng…
 
Độ camera đuôi cho xe tay ga
 
Tuy nhiên, mỗi cấp độ chịu chơi cũng đi liền với mức tiền chi ra. Để dán tem mới nguyên xe cho một chiếc Airblade sẽ tốn khoảng 400.000 đồng, tem phản quang 300.000 đồng/bộ, càng bóp phanh (chống gãy) cho xe Air Blade, SH 580.000 đồng/cặp.
 
 
 
 
Đối với dòng xe Air Blade đang khá phổ biến hiện nay, dân chơi chủ yếu trang trí bằng cách sơn chóa đèn (phủ pha lê) màu xanh Pepsi, với chi phí 450.000 đồng. Màu sơn đạt độ đậm đồng nhất, làm chóa đèn nhìn trong vắt và đẹp hơn hẳn, đồng thời không cản sáng khi bật đèn pha ban đêm.
 
Sơn chóa đèn pha
 
Nhiều người lại chọn sơn chóa đèn chuyển màu bằng cách sơn chồng nhiều lớp màu, tạo sự giao hòa màu sắc độc đáo, và chạy thêm chuỗi đèn LED trong chóa đèn pha. Bỏ ra 2,6 triệu đồng, anh Nguyễn Thành Phát trú tại quận 1, TPHCM, tỏ ra rất hài lòng với chiếc xe SH được phủ lớp sơn phẳng mịn và bóng loáng như gương soi, lại khá yên tâm vì tiệm sơn bảo hành lớp sơn 3 năm. Phần “mặt tiền” xe của anh thêm nổi bật với chóa đèn sơn màu xanh lục bảo giá 550.000 đồng. Anh kể, một số dân chơi xe còn nâng cấp xe kiểu “hàng độc”, như đầu tư gắn camera de gắn sau đuôi xe hoặc gắn dàn đèn gầm, bộ tem kết hợp đèn LED trong chóa đèn stop…
 
Gắn thêm đèn “vòng thiên thần” 290.000 đồng cho đèn pha trông hầm hố hơn.
 
Một chọn lựa cũng được nhiều tay chơi xe chú ý đó là sơn lớp phủ bóng tạo thêm độ sâu cho các hình vẽ airbrush 3D hoặc lớp phủ nhám giúp xe trông lạ mắt và đậm nét mạnh mẽ, với chi phí 4,5-7,5 triệu đồng (xe máy thông thường), 5,5-12 triệu đồng cho xe ga kích thước lớn hoặc môtô PKL.
 
Không muốn đổi màu sơn của xe, nhiều người lại chọn phong cách “ánh kim” bằng cách gắn thêm các chi tiết bằng inox như ốp chống phỏng pô, ốp inox chụp vè trước sau, ốp gác chân sau 250.000 đồng, tấm mạ crôm bảo vệ chóa đèn stop 90.000 đồng… Tổng cộng trọn bộ “full inox” giá khoảng 3 triệu đồng.
 
Với những người không ưa sự bóng loáng của kim loại thì các sản phẩm phụ kiện truyền thống lại là sự lựa chọn thích hợp. Hiện trên thị trường có bán sẵn những tấm ốp làm từ nhựa PVC để tạo dáng độc cho “chiến mã”, với chi phí 500.000 đồng (ốp hông, bửng chắn bùn…) hoặc từ 5,5-12 triệu đồng (bộ ốp nhựa nguyên xe). Thời gian chờ làm là từ 1-15 ngày. Tuy vật liệu có giá thành rẻ hơn công nghệ đổ khuôn composit nhưng sau khi được xử lý tỉ mỉ bằng bột trét và keo dính chuyên dụng thì bề mặt nhựa thô vẫn thể hiện nước sơn bóng đẹp, đồng thời tôn dáng xe ấn tượng với những nếp gấp khí động học hoặc hốc gió sắc sảo.
 
 
Hầu hết các loại phụ kiện được nhập về từ Thái Lan, một số được đặt hàng qua các hệ thống cung cấp của nhà sản xuất như Nhật, Anh, Đức, Mỹ… Bên cạnh đó, nhiều hàng cũng bán hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc, song chúng thật khó qua mặt được với dân sành nghề.
 
 
Tuy nhiên, thú vui độ xe cũng đi kèm với không ít rắc rối. Bởi hiện nay luật định chưa cho phép sử dụng những chiếc xe được thay đổi so với nguyên mẫu. Đó đó, những chiếc xe độ bắt mắt cũng chính là điểm ngắm của cảnh sátgiao thông mỗi khi ra đường.
 
Thị trường có sẵn những món đồ để dân chơi có thể cá tính hóa “ngựa sắt” với giá từ vài trăm đến cả triệu đồng. Đơn giản như việc thay bô e loại Koso cũng phải bỏ ra tầm hơn 300 nghìn đồng để mua. Mâm sơn xanh bóng 1,5 triệu đồng/cái, mâm đen mạ crôm sáng bóng 1,2 triệu/cái.
 
Đèn LED sọc kép 580.000 đồng và đèn mắt mặt trời 330.000 đồng. Cặp chóa đèn xi-nhan trước Exciter hình mắt đại bàng 300.000-380.000 đồng. Đồng hồ Koso hiển thị vòng tua máy và dung lượng bình điện ắc-quy (dành cho xe Exciter) giá 1 triệu đồng.
 
Anh Nguyễn Hoài Thăng, chủ nhân của một chiếc Exciter, cho biết anh và các bạn trong hội chơi xe vừa dán bộ tem thể thao mô phỏng các mẫu xe đua MotoGP giá 5 triệu đồng. Một số muốn Exciter đậm chất chơi đã gắn pô độ AHM 1,5 triệu đồng, bộ lẩy số Exciter 1,8 triệu, yên thể thao 2 tầng 740.000 đồng, đèn cầu 640.000 đồng, bộ đèn stop độ kết hợp dãy bóng LED và lô-gô chế 850.000 đồng, dây đèn LED chữ Y kiểu “Audi” chạy viền chóa đèn xi-nhan trước 180.000 đồng. Có người chỉ sơn airbrush phối 2 màu vàng-đen (3,5 triệu đồng/xe) hoặc sơn phối 3 màu (màu thứ ba để tạo độ sâu trên bề mặt thân xe) tốn 5,5 triệu. Nếu làm hết các hạng mục kể trên, tổng chi phí làm đẹp nguyên chiếc Exciter có thể lên tới 35 triệu đồng.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn