Xe cổ - Đầu tư vào đam mê

Hàng chục phiên đấu giá xe cổ diễn ra trong vài năm qua đã giúp xác định được top 100 chiếc xe đắt nhất đã từng được định giá. Thông qua đó người ta có thể nhận biết được nhãn hiệu nào, mẫu xe nào được nhà đầu tư ưa chuộng nhất… Danh sách top 100 hoặc top 1000 chiếc xe cổ là quá dài để nhớ nhưng rất hữu ích đối với những người đổ tiền vào một trong những loại hàng hóa sinh lợi lớn nhất thế giới.

 
Xe cổ đem lại đam mê và lộc tài
 
Nếu như trước đây, các bộ sưu tập xe cổ vốn được xem là thứ dành cho những người giàu lập dị, thì nay đã trở thành một chiến lược đầu tư tài sản được thừa nhận. Thật khó để xác định chính xác thời điểm sung mãn của một ngành công nghiệp, nhưng công bố thường niên về những chỉ số của Hiệp hội xe cổ thế giới HAGI (Historic Automobile Group International) trên tờ Thời báo tài chính London “Financial Times” là một sự khẳng định mạnh mẽ rằng ngành công nghiệp xe cổ nay đã vượt qua thời điểm đó.
 
Chỉ số HAGI xác định hiệu quả đầu tư vào những chiếc xe cổ như một loại tài sản thay thế. Để tính toán chỉ số này, HAGI cũng đã sử dụng các phương pháp tài chính nghiêm túc vốn vẫn dành cho những danh mục đầu tư truyền thống. Quan điểm nghiên cứu của HAGI cho phép họ công bố những chỉ số thị trường cho những chiếc xe cổ của Posrche, Ferrari, Mercedes-Benz… và nay HAGI đang theo dõi toàn bộ thị trường xe cổ toàn cầu.
 
 
HAGI là một hãng nghiên cứu đầu tư độc lập bắt đầu khi một nhóm người đam mê xe quyết định rằng thị trường xe cổ cần một vài dữ liệu thống kê và họ đã thiết lập bộ tiêu chuẩn mà lần đầu tiên theo dõi một cách chính xác giá xe cổ. Hàng tháng HAGI công bố chỉ số này để tiện cho việc đầu tư vào những chiếc xe thể thao cổ quý hiếm. Chỉ số của HAGI thậm chí còn tốt hơn so với chỉ số S&P 500 trong vài năm qua. Quả thực, nay với dữ liệu từ báo cáo của HAGI (cơ sở dữ liệu được tập hợp từ hơn 100.000 giao dịch thực về xe cổ thông qua nhiều kênh khác nhau), người ta mới thấy rằng đầu tư vào xe cổ có khả năng sinh lời tốt hơn tất cả các dạng đầu tư khác như tiền cổ, rượu vang, tem, nghệ thuật và ngựa thuần chủng… cũng như hầu hết các loại chứng khoán.
 
Đồ sưu tầm
Thay đổi giá trị sau 12 tháng (%)
Thay đổi giá trị sau 5 năm (%)
Thay đổi giá trị sau 10 năm (%)
Nội thất
-2
-16
-19
Gốm sứ Trung Hoa
3
45
77
Đồng hồ
4
32
82
Trang sức
3
49
156
Rượu vang
3
5
176
Nghệ thuật
-3
2
193
Tiền xu cổ
10
91
227
Tem
5
50
250
Xe cổ
28
121
456
 
 
Nghệ thuật, đồng hồ và trang sức vốn là những danh mục truyền thống, nơi người giàu thường coi là “đầu tư vào đam mê”. Với số lượng người giàu đã tăng lên 9,1% trong năm ngoái, dòng tiền mới không chỉ làm bùng nổ giá của các tác phẩm nghệ thuật mà còn đẩy giá “lên trời” của xe cổ, tiền cổ, tem và các món đồ sưu tầm khác vì những hàng hoá mới mang lại lợi nhuận cao hơn. Thống kê của HAGI đặc biệt lưu ý đến xe cổ với giá trị tăng lên chóng mặt 121% sau 5 năm và 456% sau 10 năm.
 
Bản báo cáo về sự giàu có “Wealth Report” hàng năm của Knight Frank cũng đã giới thiệu chỉ số đầu tư cao cấp KFLII (Knight Frank Luxury Invesment Index) kết hợp hiệu quả đầu tư của 9 loại hàng hoá gồm nghệ thuật, xe cổ, đồng hồ và tem vào một chỉ sổ tổng hợp. KFLII đã cho thấy sự tăng trưởng về giá trị lên đến 8% sau một năm và 179% trong chu kỳ 10 năm.
 
 
Vòng đời của xe cổ
 
Gần như tất cả những chiếc xe mới đều giảm giá sau 1-2 năm đầu tiên trong cuộc đời chúng. Hầu hết trong số chúng tiếp tục mất giá cho tới khi bị thải loại tại các bãi rác xe hơi. Một phần rất nhỏ những chiếc xe này bắt đầu được định giá lại giá trị, và chỉ vài chiếc xe được định giá cao hơn giá bán ban đầu của chúng.
 
Nhiều chiếc xe đã biến mất trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên một số chiếc còn tồn tại bởi vẻ đẹp của chúng trong con mắt của người nắm giữ. Khi đó giá trị của chiếc xe được xác định không rõ ràng và tùy thuộc vào sự nhận thức của mỗi người. Trên thực tế, nhiều chiếc xe trong top 100 chiếc được hồi sinh từ tàn phế và bị bỏ quên hàng chục năm. Một trong ba chiếc xe đắt nhất trong danh sách được phát hiện tại một cánh đồng ở vùng nông thôn nước Mỹ và nó đã bị vứt ở đó quá lâu đến nỗi một thân cây đã mọc xuyên qua khoang động cơ. Một chiếc khác bị bỏ lại bên đường cao tốc Hollywood.  
 
 
Chiếc Ferrari 375-Plus 1954 lắp động cơ V12 4.9 là một ví dụ. Nó đã về thứ hai trong giải đua Mille Miglia, và sau đó nó bị bỏ quên một thời gian dài. Động cơ và một số bộ phận quan trọng đã bị tháo rời trước khi khung và thân bị ăn trộm và trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận pháp lý quốc tế kéo dài cả thập kỷ. Nhờ sự dàn xếp của Bonhams mà tất cả phụ tùng nguyên bản của chiếc xe được thu hồi và Ferrari 375-Plus 1954 đã được bán với giá 16,38 triệu USD – trở thành top 10 chiếc xe đắt giá nhất thế giới.
 
Chiếc Bentley Blower 1929 đã phá kỷ lục tại đường đua lòng chảo Brooklands năm 1931 cũng trải qua tình trạng tương tự trong hàng chục năm trước khi được phục hồi và công nhận. Nó đã được giao dịch với giá 7,906 triệu USD tại Goodwood năm 2011.
 
 
Để nhận được sự chú ý của HAGI và đủ điều kiện để theo dõi, một chiếc xe phải có giá ít nhất bằng giá bán ban đầu của nó, cộng với sự mất giá của đồng tiền trong ngần ấy năm. Từ đó, HAGI đưa ra đủ dữ liệu để giúp các nhà đầu tư xe cổ quyết định mua bán.
 
Những kết quả đấu giá là chỉ là một trong những dữ liệu được sử dụng để tạo nên các chỉ số của HAGI. Công ty ước lượng chỉ 30% lượng xe cổ được bán thông qua đấu giá và HAGI tập hợp các số liệu giao dịch thông qua các chuyên gia thương hiệu và mạng lưới các đại lý để đưa ra đánh giá tổng quan cũng như mức giá đúng nhất.
 
 
Ferrari được giới đầu tư ưa chuộng nhất
 
Danh sách 100 chiếc xe cổ đắt giá nhất thế giới được bán tại các phiên đấu giá còn cho thấy nhiều hơn thế: thương hiệu nào là được ưa chuộng nhất, nhà đấu giá nào uy tín nhất đối với các nhà sưu tập cũng như sự tăng trưởng vững chắc của thị trường xe cổ.
 
53 chiếc xe trong top 100 là của Ferrari và Ferrtai trở thành nhãn hiệu được giới đầu tư ưa chuộng nhất. Cụ thể hơn, Ferrari có 9 chiếc lọt top 10, 14 chiếc trong top 20, và 30 chiếc trong top 50. Ferrari 250 GTO Berlinetta 1963 cũng giữ kỷ lục là chiếc xe đắt giá nhất với 38,115 triệu USD tại Quail Auction do Bonhams tổ chức tháng 8/2014.
 
 
 
Ngoài ra Ferrari cũng nắm giữ thêm kỷ lục về mẫu xe được giới đầu tư ưa chuộng nhất. Tổng cộng đã có 13 chiếc Ferrari 250 GT California Spiders đã lọt top 100. Chỉ 106 chiếc Ferrari 250 GT California Spider (trong đó 56 chiếc trục cơ sở ngắn SWB và 50 chiếc trục cơ sở dài LWB) đã được sản xuất.  
 
Sau Ferrari, Mercedes-Benz là thương hiệu được ưa chuộng thứ hai với 10 mẫu xe lọt top 100. Trên thực tế Mercedes-Benz có rất nhiều xe đắt tiền nhưng chúng không được mang ra bán nên không được xem xét. Chiếc Mercedes quý hiếm và được săn lùng nhiều chính là 540K Speziale Roadster 1936 và chỉ 29 chiếc được sản xuất trước khi nhà máy được trưng dụng để phục vụ Thế chiến 2.
 
 
Các thương hiệu truyền thống của Anh Quốc, Đức, Ý, Pháp và Mỹ được giới đầu tư quan tâm là Bentley, Aston Martin, Rolls-Royce, Austin Healey, Jaguar, McLaren, Maserati, Alfa Romeo, Talbot-Lago, Ford, Shelby, Cadillac, Chrysler, Duesenberg.
 
Nước nào làm ra nhiều xe giá trị nhất
 
Những chiếc xe thuộc top 100 đều có quốc tịch rõ ràng: Ferrari, Alfa Romeo và Maserati của Italia;  Mercedes-Benz, Horch và Porsche của Đức; Ford, General Motors, Shelby và Duesenberg của Mỹ; Bugatti, Delahaye và Talbot-Lago của Pháp; Rolls-Royce, Bentley, Jaguar, Aston Martin của Anh Quốc. Với 53 chiếc Ferrari, 3 chiếc Maserati, 2 chiếc Alfa Romeo, Italia trở thành quốc gia sản xuất nhiều xe hơi đắt giá nhất thế giới. Sau Italia là Anh Quốc với 14 chiếc (5 Bentely, 3 Jaguar, 2 McLaren và 2 Rolls-Royce và 2 Aston Martin), Đức với 12 chiếc (10 Mercedes-Benz, 1 Horch và 1 Porsche), Pháp với 9 chiếc (4 Bugatti, 3Talbot-Lago, 1 De Dion và 1 Delahaye).
 
 
Một điều ngạc nhiên là chỉ 5 nước kể trên làm ra những chiếc xe thuộc top 100. Mặc dù là cường quốc xe hơi nhưng Nhật Bản chưa có đại diện nào nằm trong top 100. Nhưng các hãng xe Nhật không cần phải vội vã, gần đây, một số mẫu xe huyền thoại của Nhật Bản như Toyota Supra 1968 cũng đã được giao dịch với giá lên tới cả triệu USD.
 
Thị trường xe cổ đang nóng
 
Sau hơn hai thập kỷ trầm lắng, các kỷ lục về giá xe cổ đã liên tiếp bị phá vỡ trong 5-7 năm qua. Đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường đang rất nóng. Theo thống kê, trong top 100 có đến 25 chiếc xe được giao dịch năm 2014, 20 chiếc năm 2013 và 18 chiếc năm 2012. Điều đó có nghĩa là có đến 2/3 trong top 100 được bán từ năm 2012. Nếu tính trong top 50 thì có đến 36 chiếc được bán từ đầu năm 2013.
 
Những nhà tổ chức đấu giá xe cổ uy tín nhất
 
Để những chiếc xe trên ra được thị trường, cần một hệ thống tổ chức đấu giá chuyên nghiệp và uy tín. RM Auctions là nhà tổ chức đấu giá xe cổ uy tín nhất hiện nay. Trong danh sách top 100 thì có đến 45 chiếc được giao dịch thành công qua bàn tay môi giới của RM Auctions. RM Auctions cũng đã giúp bán thành công 5 chiếc trong top 10 và 10 chiếc trong top 20. Nhà đấu giá Gooding & Company đóng góp 33 chiếc cho danh sách top 100. Bonhams có 14 chiếc trong đó có chiếc đắt nhất Ferrari 250 GTO Berlinetta 1962 trị giá 38,115 triệu USD. Các nhà đấu giá xe cổ uy tín khác gồm Sotheby (8 chiếc), Christie's (3), Mecum Auctions (3), Barrett-Jackson (2) và Artcurial (1).
 
 
Mỹ là thị trường chính của xe cổ
 
Mỹ là quốc gia có nhiều người giàu nhất thế giới nên không ngạc nhiên khi Mỹ là thị trường đồ sưu tầm quan trọng ở nhiều lĩnh vực (nghệ thuật, tem, rượu vang, tiền xu cổ), và xe cổ không là ngoại lệ. 72 chiếc trong top 100 được bán tại các phiên đấu giá ở Mỹ, tiếp theo là Anh Quốc (12), Italia (8), Pháp (4), Monaco (3) và Đức (1).
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn