10 điều đại lý xe hơi không nói ra (Phần 2)

Có rất nhiều khoản phí “ẩn” đằng sau một chiếc xe. Giá bán của một chiếc xe không phải là giá trị của mỗi chiếc xe ấy mà nó đã "đèo bòng" khá nhiều các loại phí vô hình khác mà người mua chỉ có thể biết được điều này sau khi nhận tờ hóa đơn thanh toán.

Ảnh: Shutterstock
Các đại lý không chỉ cố gắng bán đi một chiếc xe
 
... mà họ còn cố gắng bán đi “các tùy chọn” như chống rỉ, bảo vệ vải, bảo hành mở rộng… thậm chí là bơm khí nitơ cho lốp. Các chi phí cho những “tùy chọn” này không hề rẻ. Bảo hành mở rộng có thể thêm vào 1.214 USD chi phí mua một chiếc xe trong khi chi phí thực chất chỉ khoảng 837 USD, theo Consumer Reports.
 
Theo các chuyên gia đánh giá, phần lớn các tùy chọn cũng không cần thiết lắm, hoặc có thể mua ở những nơi khác ngoài đại lý với giá rẻ hơn. Edmunds, một trang nổi tiếng với các lời khuyên về xe, cho hay: một gói “tân trang vẻ ngoài” giá 279 USD mà các đại lý đưa ra cũng chẳng có gì hơn ngoài pinstriping cơ bản. Và Edmunds còn viết thêm: Có thể mua băng pinstriping với cái giá 2-10 USD rồi thuê một thợ lành nghề với tiền công 50-100 USD là chiếc xe có ngay diện mạo mới. 
 
Giá chiếc xe không phải là khoản tiền cuối cùng để mua xe
 
Ảnh: Getty Images
 
Nhiều người mua xe nhầm tưởng rằng họ đã xong việc khi “chốt sổ” mua chiếc xe gì với cái giá bao nhiêu sau màn thương lượng căng thẳng. Thế nhưng, họ sẽ bất ngờ nhận được một hóa đơn có thêm phụ phí khổng lồ, chẳng hạn “phí quản lý”, “phí chứng từ” (độc lập với phí nộp lên nhà nước theo quy định như phí trước bạ)… với lý do bù đắp cho việc các đại lý “mất thời gian” thực hiện giao dịch và hoàn tất hồ sơ mua bán, giấy tờ xe. Có lúc, phụ phí này có thể lên tới 2.000 USD, theo Earl Stewart, chủ sở hữu của Earl Stewart Toyota tại Lake Park, Florida. Ông gọi đây là “lợi nhuận trá hình” của đại lý. Trong một cuộc khảo sát, TrueCar đã nhận thấy rằng: phụ phí này thay đổi rất lớn giữa các bang, ở Iowa chỉ có 146 USD thì ở Florida có thể lên tới 610 USD. Nhưng dù ít dù nhiều thì chắc chắn nó sẽ làm chi phí mua xe “đội” lên rất nhiều. 
 
Các đại lý nói rằng phụ phí này là hoàn toàn hợp pháp, bởi thủ tục hành chính rất phiền hà. Nhưng dù có nói thế nào, thì khách hàng luôn cần được biết về khoản phí này trước khi quyết định mua. Việc “lờ” đi mà chỉ đưa ra thông báo sau khi giao dịch được xác lập vẫn khiến người tiêu dùng “khó chịu”. Còn các nhà quản lý không thể cấm đoán mà chỉ có thể khuyến cáo người mua nên hỏi cẩn thận trước khi ra quyết định.
 
Thiếu chuyên gia
 
Khách hàng mua xe thường cho rằng mỗi lần bước vào đại lý là sẽ có cả một dàn nhân viên bán hàng nhảy ra “vồn vã mời chào” thì thực sai lầm. Theo NADA, công việc của một nhân viên bán xe hơi không đơn giản khiến tỷ lệ thay đổi nhân viên bán hàng là 66%, tức là cứ 15 nhân viên thì có khoảng 10 người sẽ bị thay mới trong năm (tỷ lệ này trong ngành bán lẻ chung còn cao hơn, 74,9%). Đó là bởi tính chất thiếu ổn định và quá tải của công việc này (có thể làm việc cả ngày, cả tháng mà không được nghỉ), điều này rất dễ gây bất mãn cho các nhân viên không chịu được áp lực công việc. Do đó, người mua xe còn phải chịu một thứ chi phí “vô hình” rất ít được nhắc đến, đó là họ đã tiêu tốn một khoảng thời gian không nhỏ để trao đổi với nhân viên bán hàng mới hoặc ít kinh nghiệm rằng mình đang cần gì, để người bán hàng tìm đúng với nhu cầu của khách. Có lẽ vì thế mà khá nhiều khách hàng khi đã mua quen xe của một nhân viên dày dạn kinh nghiệm thì rất hay giới thiệu cho bạn bè và người thân.
 
Khách hàng có thể phải trả tiền xây sửa
 
Có thể nói, ngày nay thật khó để phân biệt giữa đại lý xe hơi và một khu xây dựng. Đó là bởi các đại lý thường xuyên xây sửa thứ gì đó. AutoNation ước tính đã có khoảng 350 triệu USD đổ vào việc xây sửa trong vòng 4 năm qua. Nguyên nhân là tạo sự khác biệt để tồn tại giữa con lốc cạnh tranh, nhưng đôi khi thì các đại lý cũng hơi “phóng tay”, thậm chí còn mở cửa hàng cà phê hay quà tặng nhỏ. Trong ngắn hạn, việc mua hàng ở giữa “công trường xây dựng” rõ ràng bất tiện. Nhưng về lâu dài thì sự “bất tiện” này còn nghiêm trọng hơn: người mua xe có thể phải trả thêm tiền.
 
Các đại lý cho rằng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ sự tiện nghi mới, nhưng NADA thì lại nhận định: nếu là một tay kinh doanh khôn ngoan thì họ sẽ không để “tăng giá sản phẩm” bằng thứ chi phí như vậy, trong khi giá hợp lý sẽ là nhân tố quyết định kẻ chiến thắng. “Chỉ vì đầu tư hàng triệu USD cho cơ sở hạ tầng thì cũng không đồng nghĩa các đại lý được quyền tăng giá một cách vô lý để bù đắp”, chuyên gia kinh tế Steven Szakaly nói.
 
Ảnh: Shutterstock
 
Tesla đang thách thức các đại lý kiểu cũ
 
Tesla đã nhận được rất nhiều sự chú ý trong ngành công nghiệp ôtô cho những chiếc xe điện tiên phong của hãng. Nhưng trong thế giới đại lý, hãng được chú ý bởi mô hình bán hàng – bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua đại lý trung gian. CEO của Tesla Elon Muskcho biết: mạng lưới đại lý là không phù hợp để bán những chiếc xe công nghệ mới. Ông cũng phản đối việc bán dịch vụ song song cùng bán xe. 
 
Cách bán hàng này của Tesla tự nhiên là hấp dẫn người tiêu dùng, bởi nó có thể cắt giảm chi phí trung gian và thậm chí là bớt cả thời gian mặc cả. Hiện tại, dù luật định vẫn đang đứng về phía các đại lý, Tesla bị phán quyết hạn chế ở nhiều bang, nhưng sức ảnh hưởng từ cách làm này lại rất lớn. Tesla có thể sẽ không còn “đơn thương độc mã” trong thời gian tới đây, khi GM bắt đầu có dấu hiệu muốn hướng tới mô hình này, dù vẫn giữ cách phân phối truyền thống.

Tin tổng hợp

otoxemay.vn