Án phạt 1,2 tỷ USD của Toyota có thể là tiền lệ cho GM

Với mức án phạt kỷ lục 1,2 tỷ USD, Toyota tạm thời thở phào khi thoát được cuộc điều tra hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm vào lỗi tăng tốc xe đột ngột 5 năm trước. Nhưng đây cũng là một “án lệ” có thể được các nhà chức trách Mỹ áp dụng trong cuộc điều tra tương tự nhằm vào “gã khổng lồ” xe hơi GM.

Theo Reuters, thỏa thuận nộp phạt của Toyota vừa được chính thức công bố vào tối qua (19/3). Theo đó, ngoài việc nộp phạt 1,2 tỷ USD, thỏa thuận giữa Bộ Tư pháp Mỹ và Toyota còn bao gồm cả việc hãng sản xuất xe hơi Nhật Bản phải thừa nhận đã lừa dối cơ quan quản lý và công chúng Mỹ về các vấn đề an toàn với các dòng xe hơi của mình trong năm 2009 và 2010.
 
Phát biểu với báo giới, Tổng chưởng lý Eric Holder, nhấn mạnh: Thay vì ngay lập tức tiết lộ và điều chỉnh các lỗi kỹ thuật của xe mà họ đã phát hiện được, Toyota lại đưa ra các tuyên bố gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, đồng thời đưa ra các báo cáo các số liệu không chính xác cho các ủy ban điều tra của quốc hội.
 
Ngoài ra, ông Holder cũng nhấn mạnh việc thu hồi xe có thể gây tổn hại tới danh tiếng của hãng xe, tuy nhiên việc lừa dối người dùng còn khiến danh tiếng của hãng bị ảnh hưởng trầm trọng hơn về lâu dài. Đồng thời, ông Holder cũng cảnh báo các công ty xe hơi khác “không nên lặp lại sai lầm của Toyota”.
 
Có thể thấy, án phạt dành cho Toyota đã đánh dấu một thắng lợi lớn cho những người ủng hộ an toàn của người sử dụng xe hơi đã chiến đấu trong nhiều năm qua để đưa hãng sản xuất xe hơi này ra trước tòa. Mặc dù, không có bất kỳ một cá nhân nào của Toyota bị buộc tội, song đây cũng là vụ án hình sự liên bang đầu tiên trong ngành công nghiệp xe hơi Mỹ kể từ khi đạo luật an toàn ôtô đầu tiên của quốc gia này được thông qua cách đây 48 năm. Trong khi đó, Giám đốc pháp chế của Toyota Bắc Mỹ Christopher Reynolds khẳng định thỏa thuận nộp phạt này đã giúp Toyota đẩy lùi một “chương đen đủi” lại phía sau.
 
Liệu CEO mới bổ nhiệm của GM Mary Barra có đủ bản lĩnh để tận dụng bài học từ Toyota và đưa gã khổng lồ GM thoát khỏi bê bối này
 
Điều đáng nói là, vụ việc của Toyota diễn ra vào đúng thời điểm hãng GM đang phải đối mặt với cuộc điều tra của các nhà chức trách Mỹ liên quan đến việc hãng này cố tình chậm trễ trong việc thu hồi những dòng xe bị lỗi hệ thống đánh lửa khiến hàng trăm người thiệt mạng. Tuy nhiên, nếu Toyota cách đây 5 năm đã phải tiến hành đợt thu hồi “khủng” với khoảng hơn 10 triệu xe trong danh sách dính lỗi tăng tốc đột ngột thì hồi tháng trước GM mới thông báo thu hồi 1,6 triệu xe sau hơn 13 năm kể từ khi phát hiện lỗi kỹ thuật ở hệ thống đánh lửa trên một số dòng xe.
 
“Tôi hy vọng, vụ việc này của Toyota sẽ trở thành khuôn mẫu cho các nhà chức trách Mỹ áp dụng trong việc điều tra các vụ việc tương tự của các hãng xe khác”, ông Holder nói.
 
Tuy vậy, ông Holder từ chối đưa ra bình luận chi tiết về vụ việc của GM. Trong khi đó, Preet Bharara, Công tố viên trưởng ở Manhattan, cũng tham gia buổi họp báo hôm 19/3, lại lỡ lời ám chỉ án phạt dành cho Toyota sẽ là kịch bản tiếp theo dành cho GM. Tuy nhiên, sau đó, vị công tố này đã nhanh chóng đính chính lại.
 
Hiện Văn phòng công tố Mỹ ở Manhattan đang tiến hành điều tra vụ chậm xử lý lỗi kỹ thuật của GM khiến hàng trăm người thiệt mạng. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, GM cũng sẽ phải đối mặt với phiên chất vấn của Quốc hội Mỹ cùng một loạt các vụ kiện tập thể của các chủ sở hữu xe. Sau khi dư luận và báo chí chỉ trích dữ dội và sự chậm trễ cũng như sự thiếu minh bạch trong các báo cáo thương vong liên quan đến lỗi kỹ thuật của xe, CEO mới được bổ nhiệm của GM là Mary Barra đã lên tiếng xin lỗi và hứa sẽ nhanh chóng xử lý việc thu hồi chậm cùng cam kết sẽ tập trung hơn nữa vào tính năng an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, rõ ràng những lời hứa đó vẫn là chưa đủ sức nặng để trấn an dư luận, đặc biệt là trong bối cảnh đã có vụ việc Toyota vừa xảy ra.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn