Biệt đội SOS Sài Gòn cứu hộ xe máy miễn phí

Sau một thời gian đi vào hoạt động, nhóm bạn tự nguyện cùng nhau thành lập tổ sửa chữa xe di động không thu phí đã tổng kết kinh nghiệm khắc phục hỏng hóc cho xe bất ngờ bị hỏng dọc đường và cả kỹ năng cấp cứu người bị tai nạn giao thông.

Biet-doi-SOS-Sai-Gon-cuu-ho-xe-may-mien-phi
 
Lịch hoạt động của nhóm thường bắt đầu khoảng 10 giờ mỗi tối, phủ khắp các tuyến đường quanh TP.HCM như quốc lộ 1A, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội… sau khi các thành viên đã hoàn tất công việc nghề nghiệp riêng hằng ngày. Khuya ngày 30/7, trên đường đi ngang cầu vượt An Sương (quận 12), nhóm gặp một bạn nam đang vất vả đẩy bộ xe máy. Bạn này cho biết trên đường đi làm về thì xe cán phải vật nhọn, xì vỏ, đang dắt xe đi tìm chỗ sửa. Thành viên nhóm liền lôi đầy đủ đồ nghề ra để vá xe tại chỗ. Bạn nam định rút tiền trả công nhưng nhóm không nhận. Tương tự, trên đường về nhà sau khi theo chân đội tình nguyện, Đức Hiện phát hiện một nam thanh niên đột ngột té xe bất tỉnh giữa đường Trường Chinh. Rất nhanh chóng, Hiện dựng xe giúp nam thanh niên. Sau khi lay và đắp nước lên mặt, nam thanh niên vẫn chưa tỉnh, Hiện vội liên hệ với đội cảnh sát giao thông để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Hiện chia sẻ: “Bình thường, thấy ai bị tai nạn tôi vẫn sẽ giúp. Nhưng tham gia cùng SOS Sài Gòn, tôi học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm và tự nhiên có phản xạ giúp đỡ mọi người vô điều kiện”.
 
Tuấn Sang, người lập nhóm, cho biết “Biệt đội hỗ trợ SOS Sài Gòn” là mô hình lấy cảm hứng và tinh thần từ “Biệt đội hỗ trợ 117” của anh Nguyễn Hữu Lợi ở Đồng Nai. Thấy mô hình của anh Lợi hoạt động rất hiệu quả nên Sang nảy ra ý tưởng lập đội ở Sài Gòn để trợ giúp các trường hợp gặp nạn giữa đêm khuya, khó tìm được sự trợ giúp.
 
Bản thân Sang cũng từng là nạn nhân của tai nạn giao thông và được giúp đỡ từ nhiều người không quen biết. Sang nhớ lại Tết năm 2015 Sang đi phượt một mình từ TP.HCM lên Gia Lai, do trời tối, đường trơn vì mưa phùn nên cả người và xe đều rơi xuống vực. “Lúc định hình lại được mới biết là mình vẫn còn sống. Cảm giác bị tai nạn ở một nơi xa lạ, giữa màn đêm đói rét rất kinh khủng, toàn thân mình run bắn lên. Mình vẫn còn nhớ, dân cư ở khu vực đó rất thưa và đi ngủ hết rồi nhưng nghe tiếng động họ liền chạy ra. Cả 7-8 người thanh niên, phụ nữ mất gần một tiếng dùng xà beng, cuốc chim mới gỡ được chiếc xe bị kẹt dưới vực, đưa cả người và xe lên mặt đường. “Đêm hôm đó, giữa cái lạnh buốt giá của núi rừng Tây Nguyên ngày Tết, tình người ở nơi ấy khiến tôi không còn thấy lạnh lẽo chút nào. Từ đó, tôi hứa với lòng suốt đời này sẽ không quên công ơn của những con người đó” - Sang bồi hồi kể.
 
Chưa kịp về nhà, Huỳnh Quang Nhật Minh vẫn còn khoác nguyên bộ đồng phục thanh niên xung phong từ chỗ làm đến tham gia với đội. Minh biết đến hoạt động của đội qua Facebook. “Cứ đặt hoàn cảnh đi giữa đường hết xăng, bể bánh mà có người tới giúp thì vui lắm chứ” - Minh bày tỏ. Riêng cô giáo mầm non Linh Nhi là 7 giờ sáng phải bắt đầu công việc nhưng một tuần cô vẫn dành ra 3 buổi để tham gia với đội. Cô muốn góp một chút sức để cùng giúp đỡ người gặp nạn và kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ lẫn nhau. Bản thân Nhi cũng từng chứng kiến trường hợp người dân vô cảm khi thấy người gặp nạn. “Mới đây, đang trên đường đi đến hầm Thủ Thiêm tôi thấy một bác chở rất nhiều đồ không may bị đổ xe nhưng mọi người qua lại chẳng ai giúp bác ấy dựng xe lên. Tôi tuy là con gái, nhỏ con nhưng vẫn dừng lại giúp bác. Trong cuộc sống, rủi ro hẳn sẽ không chừa một ai, nhất là tai nạn giao thông” - Linh tâm tư.
 
Hơn 2 giờ sáng, các thành viên chia tay nhau mỗi người mỗi ngả, dù mệt nhọc nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười hạnh phúc.