Bộ Công thương muốn giảm 50-70% thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô

Với phương án giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe chở người dưới 10 chỗ, nếu không vướng những chính sách ngược chiều, thị trường ôtô trong nước có thể đạt mức 380 nghìn vào năm 2020, như kỳ vọng của Bộ Công thương.

Viện chiến lược chính sách công nghiệp là đơn vị được giao xây dựng “Đề án phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam - Định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.  Theo đó, mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam là xây dựng ngành ôtô trở thành ngành công nghiệp quan trọng vào năm 2020; đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về xe khách, xe tải thông dụng và một số loại xe con; tham gia chuỗi cung ứng linh kiện, phụ tùng ôtô khu vực, xuất khẩu xe nguyên chiếc, giảm nhập siêu và hỗ trợ các ngành khác cùng phát triển.
 
Đối với xe dưới 10 chỗ, đề án đưa ra 4 phương án để thúc đẩy sự phát triển. Thứ nhất là giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt, cũng như lệ phí đăng ký trước bạ lần đầu (10-15%); thứ hai là giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% trước bạ lần đầu; thứ ba là giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ lần đầu; và cuối cùng giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và 70% trước bạ lần đầu.
 
Đồng thời, áp dụng thuế nhập khẩu 0% hoặc mức sàn với các linh kiện trong nước chưa sản xuất được; giữ thuế nhập khẩu cao với xe nguyên chiếc cho tới 2018, thời điểm phải hạ thuế về 0% để hội nhập AFTA.
 
Trong buổi tọa đàm ngày 6/6 với các doanh nghiệp ôtô trong nước, các chuyên gia của Bộ Công thương đã đề xuất chọn phương án thứ ba, đồng thời giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt với xe chiến lược. Theo các nhà sản xuất, phân khúc xe dưới 10 chỗ đang được chuộng nhất nên có tác động mạnh tới lượng cầu. Các chuyên gia vì thế cho rằng, chính sách phát triển công nghiệp ôtô thời gian tới cần được xây dựng cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất, với mục tiêu kích cầu và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
 
Điểm đáng nói nhất trong các lập luận lần này là việc Bộ Công thương cho rằng nếu giảm thuế theo phương án kể trên, thị trường ôtô có thể tăng trưởng 20%/năm. Từ đó, việc ngân sách giảm nguồn thu sẽ được bù đắp bằng việc số lượng xe đóng thuế tăng lên. Dự báo của VAMA cho biết năm 2013 toàn thị trường có thể đạt 103 nghìn xe. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, nếu tăng đúng dự kiến, thị trường năm 2015 sẽ đạt xấp xỉ 157 nghìn xe, năm 2020 lên tới 383 nghìn và năm 2030 có thể vượt mức 2 triệu xe.
 
Cách tính này thực ra không mới và đã được đề cập nhiều lần trong những năm trước đây. Tuy nhiên, chưa khi nào các cơ quan có trách nhiệm thống nhất được với nhau về một mục tiêu chung. Tình hình hiện nay cũng không khác là bao. Đầu năm nay, VAMA đã đưa ra đề nghị tiêu thụ đặc biệt với ôtô nhưng Bộ Tài chính đã từ chối trình Chính phủ để đưa ra Quốc hội xem xét. Còn theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông vận tải đã được Thủ tướng phê duyệt, số ôtô các loại bị khống chế ở mức 3,2-3,5 triệu xe vào năm 2020. Với con số gần 2 triệu ôtô hiện có, từ nay đến 2020 Bộ Giao thông vận tải chỉ “cho” thị trường được tăng thêm cỡ trên 100 nghìn xe mỗi năm.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn