Các hãng ôtô Mỹ ‘không được chào đón’ ở Trung Quốc

Trước bối cảnh Bắc Kinh thẳng tay trừng phạt các hãng ôtô nước ngoài với cáo buộc thao túng giá trên thị trường phụ tùng thay thế, phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đang cố tình nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài bằng những quy định không rõ ràng trong luật chống độc quyền.

 
Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (ACC) công bố hôm 2/9 cho thấy có đến 60% các doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát hồi tháng trước cho biết họ cảm thấy các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng ít được chào đón hơn tại đại lục so với trước đây. Con số không hài lòng này tăng từ mức 41% trong cuộc khảo sát của ACC hồi cuối năm ngoái. Trong khi đó, 49% doanh nghiệp bày tỏ sự lo ngại về việc các doanh nghiệp nước ngoài đang trở thành mục tiêu “càn quét” chính trong cuộc chiến chống thao túng giá gần đây tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
 
Điều đáng nói là không chỉ có doanh nghiệp Mỹ, các doanh nghiệp châu Âu cũng ngày càng bi quan hơn về môi trường kinh doanh ở Trung Quốc. Cụ thể, những doanh nghiệp này cho rằng có sự phân biệt đối xử rõ ràng trong chiến dịch đàn áp chống độc quyền của chính quyền Bắc Kinh khi các đối tượng bị liệt vào “tầm ngắm” đều là những tập đoàn không phải của Trung Quốc. Chiến dịch này đang làm đe dọa trầm trọng thêm về sự suy giảm trong đầu tư trực tiếp nước ngoài dành cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
 
Trả lời phỏng vấn của tờ Bloomberg, Greg Gilligan, Chủ tịch ACC, nhấn mạnh: Có một sự gia tăng đáng kể về số lượng các tập đoàn đa quốc gia lo ngại trở thành mục tiêu đàn áp có chọn lọc tiếp theo của các nhà chức trách Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh các thành viên đang củng cố lập luận rằng: tại Trung Quốc, các công ty đa quốc gia đang trở thành đối tượng bị các cơ quan chức năng “thanh lọc”.
 
Tất nhiên, việc điều tra và làm sáng tỏ các vụ chuyển giá sẽ khiến cho môi trường kinh doanh trở nên cạnh tranh hơn và đây cũng là khẳng định từ phía Mỹ nhưng điều đáng nói là các quy định, quy tắc xử phạt của chính phủ Bắc Kinh lại đang bị cáo buộc là thiếu minh bạch, thậm chí là mơ hồ, chỉ liên quan đến một trường hợp cụ thể nào đó càng khiến các doanh nghiệp nước ngoài thêm bối rối và rất khó để thích ứng. Và thực tế, đối tượng của đợt càn quét này của giới chức Trung Quốc cũng tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì các doanh nghiệp nội địa.
 
Trong khi đó, theo Chen Xingdong, chuyên gia kinh tế tại Paribas SA có trụ sở ở Bắc Kinh, cho rằng, chiến dịch chống độc quyền sẽ dần dần loại bỏ lợi thế cạnh tranh tương đối của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc và đây chắc chắn sẽ là một cú sốc lớn. Còn theo Jin Jianmin, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo và cũng từng có thời gian làm việc cho chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh: “Trung Quốc đã từng là một quốc gia rất thân thiện với các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng thời gian “trăng mật” ấy hiện đã kết thúc”.
 
Hiện giới chức Trung Quốc chưa đưa ra bình luận nào về quyết định gây tranh cãi này. Song, Bắc Kinh đã thẳng tay trừng phạt nhiều hãng ôtô nước ngoài, trong đó có Audi, Chrysler và hàng loạt nhà cung cấp phụ tùng khác. Trước áp lực điều tra của các nhà chức trách Trung Quốc, tính đến nay đã có nhiều hãng xe nước ngoài bao gồm Audi, BMW, Mercedes-Benz, Jaguar Land Rover, Chrysler Group, Toyota Motor Corp, Honda Motor Co, General Motors… tuyên bố giảm giá phụ tùng xe hơi tại thị trường đại lục. Tháng trước, 12 hãng phụ tùng của Nhật Bản, trong đó bao gồm cả Sumitomo Electric Industries Ltd, Denso Corp và Mitsubishi Electric Corp, đã phải lĩnh án phạt lên tới hơn 200 triệu USD từ Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) với cáo buộc chuyển giá.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn