Các hãng xe Nhật buộc phải ngừng xuất khẩu sang Việt Nam

Trả lời câu hỏi về tình hình xuất khẩu xe hơi vào thị trường Việt Nam của thời báo Nikkei, đại diện Toyota và Honda đã xác nhận họ đang phải tạm ngừng xuất khẩu xe sang thị trường Việt kể từ đầu năm 2018. Lí do bởi các thủ tục về giấy chứng nhận chất lượng từ phía nhà sản xuất để đáp ứng cho Nghị định 116 của Việt Nam vẫn chưa xong.

Các hãng xe Nhật ngừng xuất khẩu sang Việt Nam
 
Tờ Nikkei đưa tin, ngày 16/1, Toyota cho biết đã ngừng sản xuất những lô xe xuất khẩu sang thị trường Việt. Hiện nhà sản xuất cũng có cơ sở lắp ráp tại Việt Nam, nhưng xe nhập từ những quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản chiếm khoảng 1/5 số lượng xe hãng bàn giao cho khách hàng, tương đương 1.000 chiếc/tháng. Một số xe nhập khẩu bao gồm Hilux, Yaris, Fortuner và các sản phẩm thuộc thương hiệu Lexus. Việc ngưng xuất khẩu xe vào Việt Nam thực chất là việc phải làm trong quy trình lên kế hoạch sản xuất do chưa đủ thủ tục với nước sở tại. Hoàn toàn không phải chuyện "tuyên bố" hay mạnh mồm gây sức ép nọ kia như một số thông tin hiểu sai.
 
Trả lời báo giới tại Bangkok, Chủ tịch Toyota Thái Lan Michinobu Sugata nhận định: “Năm ngoái, thị trường Việt đã chậm lại, rõ ràng do người tiêu dùng có tâm lý chờ đợi quy định quy định mới về thuế.”
 
Kể từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu các dòng xe nhập từ ASEAN sẽ giảm về 0% nếu đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa 40%. Kết thúc năm 2017, lượng tiêu thụ ôtô toàn thị trường Việt đạt 272.750 xe, giảm 10% so với năm 2016.
 
Ông Michinobu Sugata cho biết thêm: “Chúng tôi từng dự đoán sẽ có một bước nhảy vọt trong năm 2018 nhưng những rào cản phi thuế quan do chính phủ Việt Nam đặt ra khiến Toyota không thể xuất khẩu xe sang thị trường này.”
 
Trong thời gian qua, Nghị định 116 trở thành đề tài gây tranh cãi trong ngành công nghiệp. Nghị định được công bố vào tháng 10/2017 đặt ra những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn đối với các doanh nghiệp kinh doanh xe nhập khẩu. Một trong hai vướng mắc lớn nhất là các hãng cần có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe cơ giới do nước ngoài cấp. Bên cạnh đó, mỗi lô hàng nhập về cũng phải lấy ra một xe để kiểm định, thay vì kiểm định theo chủng loại như trước.
 
Điều kiện giấy chứng nhận bị cho là không khả thi bởi nhiều quốc gia trên thế giới không cấp loại giấy tờ này cho xe xuất khẩu. Trong khi đó, quy định kiểm định theo lô có thể sẽ làm tăng những chi phí mà các hãng cho rằng không cần thiết, thời gian xe bị “giam” trước khi đến tay khách hàng cũng lâu hơn.
 
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, một đợt kiểm tra như vậy có thể kéo dài tới hai tháng với mức chi phí 10.000 USD: “Điều đó sẽ gây lãng phí về thời gian cũng như tiền bạc.”
 
Kể từ khi Nghị định 116 được ban hành, chính phủ những nước xuất khẩu xe chính của Việt Nam như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đều bày tỏ lo ngại về việc sẽ khó bán xe tại đây. Họ còn cho rằng Nghị định có thể vi phạm các luật lệ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn