Các triển lãm xe đang chết dần

Từng là sự kiện được mong chờ nhất của ngành công nghiệp ôtô thế giới nhưng càng ngày, có vẻ các triển lãm xe càng mất dần sức hấp dẫn. Điển hình như việc một loạt tên tuổi như Volkswagen, Ford, Volvo hay Opel đều từ chối xuất hiện tại Triển lãm Ôtô Paris sắp tới. Trong khi đó, tiếp bước hai đồng hương Mercedes-Benz và BMW, Audi cũng tuyên bố vắng mặt tại Triển lãm Ôtô Detroit diễn ra vào tháng 1/2019.

 
Triển lãm xe nguy cơ “vỡ trận
 
Theo thống kê, tính đến nay đã có khá nhiều hãng xe lớn, bao gồm Volkswagen, Ford, Opel, Volvo, Mazda... đều từ chối tham gia triển lãm Paris 2018 diễn ra từ ngày 4/10 đến ngày 14/10 tới. Song song với việc đánh giá lại các triển lãm ôtô lớn, Volkswagen cho biết đang tính đến chuyện sẽ tổ chức những sự kiện ra mắt xe của riêng mình.
 
 
Giới phân tích cho rằng Volkswagen rút khỏi Triển lãm Paris 2018 để dồn sức cho kế hoạch giới thiệu mẫu SUV cỡ nhỏ hoàn toàn mới. Đây là xu hướng chung của một số hãng trong thời gian qua, nhằm tránh tình trạng những sản phẩm chủ chốt bị “lu mờ” do xuất hiện cùng một loạt đối thủ khác.
 
Không riêng Triển lãm Paris mà Triển lãm Ôtô Detroit diễn ra tháng 1/2019 cũng có nguy cơ “vỡ trận”. Chia sẻ về động thái này, một đại diện từ Audi cho biết: Thương hiệu “bốn vòng tròn” có một lịch sử lâu dài và thành công với nhiều mẫu xe được ra mắt tại Triển lãm Ôtô Detroit (Triển lãm Ôtô quốc tế Bắc Mỹ - NAIAS). Tuy nhiên, lần này hãng xe Đức quyết định không tham dự.
 
Việc Audi vắng mặt không có nghĩa là công ty sẽ vĩnh viễn “chia tay” triển lãm. Hãng sẽ tiến hành đánh giá chất lượng các triển lãm ôtô, dựa trên những tiêu chí như thời gian diễn ra, đặc biệt giá trị mà sự kiện đó đem lại từ góc độ truyền thông và người dùng.
 
 
Trước Audi, BWM và Mercedes-Benz đều có thông báo tương tự. Quyết định của BMW được đưa ra trong giai đoạn hãng đang cân nhắc sự hiện diện của mình tại các triển lãm thương mại, đồng thời khám khá những cách thức mới mẻ hơn khi giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Thay vào đó, BMW sẽ đón năm 2019 bằng màn màn “trình diễn” tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) diễn ra ở Las Vegas vào tháng 1 tới.
 
Tháng 6 vừa qua, Volvo cũng xác nhận không tham dự Triển lãm Ôtô Geneva 2019 để tập trung cho các hình thức truyền thông thiết thực hơn. Bjorn Annwall - Phó Chủ tịch mảng chiến lược, thương hiệu và bán lẻ của Volvo - cho biết: Sự hiện diện tại các triển lãm lớn không còn khả thi. Công ty nhận thấy cần phải điều chỉnh chiến lược truyền thông, dựa trên thông điệp muốn truyền tải đến khách hàng cũng như bản chất của công nghệ được ra mắt. Ông cung cấp thêm: “Chúng tôi kỳ vọng những sự kiện tương tự Geneva sẽ phát triển và thay đổi theo thời gian. Có thể Volvo sẽ quay trở lại trong tương lai.”
 
Sự bùng nổ của công nghệ và kỷ nguyên kỹ thuật số
 
Nhìn chung, văn hóa xe hơi đã có những chuyển biến nhất định trong vòng 20 năm qua. Với sự phổ biến của Internet, hầu như giới hâm mộ xe đều ít nhiều nắm được thông tin về sản phẩm trước khi chúng chính thức ra mắt. Bởi vậy, khách hàng cũng không còn quá háo hức và chờ đợi ngày diễn ra các triển lãm lớn để “mục sở thị” mẫu xe yêu thích.
 
Không chỉ từ phía người tiêu dùng, kỷ nguyên kỹ thuật số còn đem lại những thay đổi đáng chú ý trong cách hãng xe giới thiệu sản phẩm. Càng ngày, các công ty càng quan tâm nhiều hơn đến việc kết nối với khách hàng thông qua YouTube hay Instagram thay vì những triển lãm tốn kém, trong khi hiệu quả mang lại không như mong đợi.
 
 
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những công nghệ như công nghệ tự lái hay công nghệ kết nối trên xe hơi đang dần lôi kéo nhiều hãng ôtô đến với sân chơi mới: Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) diễn ra trước Triển lãm Detroit chỉ một tuần hay Hội nghị Di động Thế giới khai mạc tại Barcelona (Tây Ban Nha).
 
Chỉ riêng năm 2018, CES đã chứng kiến sự xuất hiện của 300 màn “trình diễn” liên quan đến ôtô - con số chưa từng có cho một triển lãm vốn dành cho hàng điện tử tiêu dùng.
 
Triển lãm xe tìm “đường sống”
 
Trong khi các hãng sản xuất đang tìm kiếm những phương thức khác hiệu quả và bớt tốn kém hơn để giới thiệu sản phẩm đến khác hàng, nhà tổ chức các triển lãm xe “truyền thống” cũng phải tự tìm “đường sống”.
 
Cựu Chủ tịch Cadillac Johan de Nysschen bình luận: “Các triển lãm xe thực sự rất tốn kém. Tôi không hiểu tại sao chúng lại đắt đỏ như vậy. Các nhà tổ chức cần phải xem xét kỹ lưỡng điều này.”
 
Thực tế cho thấy so với nhiều năm về trước, những gì triển lãm xe đem lại cho các hãng chưa tương xứng với khoản đầu tư mà họ bỏ ra, khiến sự kiện vốn rất hút khách bỗng trở thành “gánh nặng”. Tuy nhiên, ban tổ chức cũng đã cố gắng thể hiện rằng họ đang dần thích nghi... Triển lãm Detroit là một ví dụ.
 
Hiệp hội các nhà bán lẻ ôtô Detroit (DADA) đang tìm giải pháp cắt giảm chi phí, mang lại giá trị lớn hơn cho các hãng tham dự cũng như người xem. Theo kế hoạch, vào năm 2020, thời gian diễn ra sự kiện sẽ được chuyển từ tháng 1 sang tháng 6, thậm chí tháng 10 để tránh xung đột với Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES). Bên cạnh đó là hoạt động lái thử xe ngoài trời nhằm đem đến cho khách tham quan trải nghiệm mang tính thực tế.