Công nghiệp ôtô: Chiều quá sinh hư

Dường như ưu thế “nhân công giá rẻ” đang quay ngược lại phản đòn Việt Nam. Khi chiều chuộng nhà đầu tư hết mức bằng cách tự hạ giá sức lao động của người Việt đến mức thấp nhất, tất yếu sẽ phải đối mặt với chính sách sa thải lao động cũ thuê lao động mới đang diễn ra tấp nập và liên tục trong sự chờ đợi báo cáo của các nhà quản lý.

Công nghiệp ô tô chiều quá sinh hư
 
Từ lâu, người ta cứ tự lừa mình rằng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là phương thuốc chữa bệnh nghèo, có thể được duy trì sử dụng có thể dùng trường kỳ lâu dài, giúp một nền kinh tế còn ở mức phát triển thấp cho đến khi đạt được trình độ phát triển rất cao. Bởi đây không đơn thuần chỉ là vốn, mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến, tăng trưởng kinh tế, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, mở ra thị trường mới… cho nước tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, sau khi ồ ạt ưu đãi, mời gọi với chính sách thả lỏng dễ dãi,  “mặt trái” của việc này mới liên tục liên tiếp được lộ ra như hậu quả tất yếu, bởi đây không phải là “tình thương mến thương nhau” mà chỉ đơn giản là em “gầm cao, máy thoáng, buồng trứng đẹp” thì anh nhào vô thôi.
 
Vì thế, những nước quá dễ dãi thường không được hưởng lợi từ chính sự nhiệt tình của mình. Về mặt lý thuyết, lợi ích của doanh nghiệp FDI với nước chủ nhà nằm ở ba điểm: lao động, công nghệ và đóng thuế. Thật không may, chỉ cần nhìn vào ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã đủ nhận thấy những lợi ích này không quá nhiều.
 
Nhìn xa hơn một chút, người dân châu Phi đã quá quen thuộc với các dòng tiền đổ qua, “cho không” có, cho vay có, “dạo” qua có. Người ta cho rằng nhờ thế châu Phi mới được như hôm nay. Nhưng đồng thời, họ cũng phải trả giá: các tập đoàn nước ngoài có tiếng nói đặc biệt quyền lực và châu Phi đến nay vẫn nghèo đến mức “bảy ngày lại mất điện” mà người dân ở đó nhún vai như chuyện đương nhiên.
 
Việt Nam cũng có lịch sử “ưu đãi quá mức và gần như vô điều kiện đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, việc có những doanh nghiệp lợi dụng sự dễ dãi… gần như là điều đương nhiên” (chuyên gia kinh tế Bùi Trinh). Trong khi sự dễ dãi chắc chắn thúc đẩy dòng vốn FDI và môi trường kinh doanh ở Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì việc đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội khác, quan trọng hơn, vẫn bị hoài nghi.
 
Bỏ trốn, chuyển giá, trốn thuế… là những minh chứng hùng hồn nhất về sự quản lý lỏng lẻo này. Theo báo cáo của UNCTAD, các nước đang phát triển thất thoát 100 tỷ USD tiền thuế mỗi năm có liên quan đến FDI. Riêng Việt Nam, số doanh nghiệp FDI báo lỗ khỏi nộp thuế chiếm… 50%!
 
Tại sao lại vậy? Dòng tiền của FDI là những viên kẹo bọc đường, nhìn thì hấp dẫn, ăn thì cũng ngon, mỗi tội lâu dài thì… hỏng răng, béo phì. Thậm chí, vị ngọt khiến người ta bị dụ khị đến mê mẩn, khó cai, bất kể khi đã chẳng còn răng hay ôm bệnh đầy mình. Tiến sĩ Alan Phan từng nói: “Hệ lụy lớn nhất là khi FDI thống trị nền kinh tế thì kinh tế của chúng ta sẽ phụ thuộc vào nước ngoài và mình mất quyền chủ đạo. Nói như vậy cũng có nghĩa, những chính sách của chúng ta phải luôn tạo ra ưu ái cho họ, nếu làm “phật ý” thì họ lại rời bỏ chúng ta, chúng ta sẽ bị chới với ngay.”
 
Thế nên, dù rổn rảng tuyên bố nỗ lực nội địa hóa và cải tiến công nghệ song những dây chuyền sản xuất ôtô ở Việt Nam vẫn dường như dậm chân ở giới hạn lắp ráp. Đến như “bom tấn” Toyota Innova sau 10 năm “hoành hành” trên thị trường thì cũng chỉ là thay đổi chút ít về kiểu dáng, còn đâu gần như vẫn giữ nguyên công nghệ, dẫu rằng nhà sản xuất luôn được ưu ái về chính sách về thuế phí… Họ hiểu quá rõ thị trường Việt Nam không cần “rượu mới”, chỉ cần “mông má” “em nó” tí ti là vẫn bán chạy như thường.
 
Cái giá phải trả rất rõ ràng. Không còn ở thì tương lai nữa.
 
Chiếm giá trị trong xuất khẩu ngày càng tăng, nhưng đóng góp vào ngân sách (kể cả dầu khí) rất thấp. Nhà nước mình rộng rãi về phúc lợi cho các công ty FDI, chẳng hạn như Samsung, lợi nhuận của họ có thể đạt được 6 tỷ USD theo phép tính, nhưng đóng thuế của họ chỉ mất 50 triệu USD. Phải nói rằng, Samsung khó mà tìm được nơi nào ưu đãi họ trong khi biết rành rành tiền họ thu về nhiều mà đóng thuế lại thấp như ở Việt Nam, TS. Alan Phan đúc kết.
 
Đặc biệt, từ chuyện Formosa xả thải chúng ta mới hay một ngành rủi ro cao được ưu đãi một cách bất hợp lý. Rồi chuyện Honda sa thải hàng loạt lao động mới vỡ lở hiện tượng: doanh nghiệp sa thải công nhân cũ (kể cả lành nghề) để tuyển dụng nhân viên mới với lý do chẳng thuyết phục được ai nhưng chưa thấy ông công chức nào hó hé phát được cái biểu gì nghe cho... có lý có sự.  
 
Các doanh nghiệp có hoàn thành nghĩa vụ theo điều kiện đầu tư của nước chủ nhà, song cũng chỉ đến vậy thôi. Chẳng hạn, các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt hứng thú với việc mở nhà máy có khả năng gây ô nhiễm cao ở những nước đang phát triển và mời gọi đầu tư dễ dàng. Ở Việt Nam, nhóm được nhận đầu tư FDI lớn nhất là chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư) có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất, trong khi lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ chỉ chiếm chưa đến 5%. Trong khi đó, nước nhận được FDI nhiều nhất trong khu vực, Singapore, gần như không có ngành sản xuất. Dường như não trạng đang bị ám ảnh bởi thuyết công nghiệp nặng là then chốt, phải tập trung vào sản xuất công nghiệp mới là hiện đại hóa đang hành hạ một nền kinh tế nông nghiệp. Formosa là một điển hình ưu đãi dễ dãi: dù đầu tư vào một ngành rủi ro cao về an toàn môi trường song lại được gần như cho không 3.000ha đất và giảm cực lớn khoản thuế phải đóng. Chưa từng có một doanh nghiệp Việt nào kể cả có ô dù chống lưng dám mơ một ưu đãi như vậy trên đất nước mình. Đến khi Formosa "gây chuyện” thì thảm hoạ môi trường được biến thành "sự cố", bị "phê hết cả bình" và đóng tận... vài trăm triệu gọi là “đền bù”! Ưu ái đến thế cũng là cùng. Không "sinh hư" mới lạ. Và hệ lụy xã hội sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ mới kết thúc. 
 
Một câu chuyện đau lòng khác: Thay vì thúc đẩy việc làm, sự tăng trưởng quá nhanh chóng của FDI có thể đẩy nhanh xu hướng thất nghiệp và bất bình đẳng. Một phần lớn lợi nhuận từ các khoản đầu tư sẽ đi ra bên ngoài Việt Nam. Do đó, hiệu ứng số nhân của lợi nhuận tài chính đối với kinh tế và việc làm sẽ bị hạn chế.
 
Ước tính cả nước có chừng 60% lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản có việc làm phi chính thức, một tỷ lệ rất cao trái ngược với bức tranh rực rỡ của tăng trưởng FDI (3 triệu lao động).
 
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, nơi đặt nhà máy Honda Việt Nam (HVN), hàng năm có sự biến động rất lớn giữa lao động bị dừng đóng BHXH và lao động được HVN đóng mới BHXH. Bình quân mỗi năm HVN chỉ tăng số lượng đóng BHXH khoảng 114 người/năm (thậm chí là giảm), rất nhỏ so với gần 2.000 lao động tuyển vào mỗi năm.
 
Honda đã có câu trả lời, song chưa thỏa đáng. Dù không loại trừ nguyên nhân tự nghỉ việc kiếm chỗ làm khác gần nhà hơn, song 1.600 (tương đương 16%) lao động nghỉ việc mỗi năm đều với “lý do cá nhân” không phải là con số nhỏ. Bắt đầu lại ở một nơi mới không dễ, ít nhất sẽ phí mất vài tháng đầu trong tư cách “thử việc”. Lao động nghỉ việc một loạt trong khi có cơ hội lên bậc và hưởng mức đãi ngộ cao hơn trong Honda, một công ty có lợi nhuận sau thuế gần 9.000 tỷ đồng (2015), chắc là bị “rối loạn tâm thần” bầy đàn? Bài học quản trị nhân sự nói rằng: Tự xin nghỉ việc thường xuất phát từ chính công ty đó, không phải “lý do cá nhân”.
 
Điều thú vị nhất, các nhà quản lý nhận thức được hết các vấn đề này. Chí ít là trong vụ Honda sa thải hàng loạt công nhân. Tuy nhiên, phản ứng lúc “trống đánh xuôi”, khi “kèn thổi ngược” và chủ yếu “quan ngại sâu sắc”.
 
Ông Khổng Sơn Trường - Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Vĩnh Phúc - nói với báo chí: có thể HVN đang lách luật, cho lao động nghỉ việc để tránh tăng đóng bảo hiểm, tăng lương, nghỉ thai sản… và rằng Honda không phải hiện tượng cá biệt, rồi Luật phải chặt chẽ hơn. Nhưng cũng trong một lần trả lời báo chí khác, Sở lại nói rằng: “Công ty đã thực hiện đúng các quy định pháp luật của Nhà nước Việt Nam, từ tuyển dụng đến quá trình sử dụng lao động, chế độ phúc lợi xã hội cũng như chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân viên”. Đúng là HVN cũng không làm gì phạm pháp, họ luôn có “lý do chính đáng” để cho lao động nghỉ việc. Nhưng câu trả lời không giải đáp những thắc mắc được phản ánh: Có đúng là bài thi kiểm tra cố tình gây khó dễ? Liệu có khuất tất trong khâu chấm điểm?
 
Đồng thời, hiện tượng chậm chạp trong việc thông tin lại tái diễn, như với vụ Formosa, và nay là vụ nghỉ việc hàng loạt ở các doanh nghiệp FDI. Dù đã yêu cầu làm rõ và báo cáo về Bộ LĐTBXH trước ngày 1/9, nhưng phải đến “Hội nghị đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Luật Lao động 2012” ngày 21/9, mới được nghe Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân nói: “Đến nay tôi vẫn chưa nhận được báo cáo”. Đại diện Sở LĐTBXH Vĩnh Phúc thông báo đã gửi, không thấy phát hiện sai phạm gì. Và bị phản bác: Đây là số liệu từ Cục thống kê tỉnh, không phải là số liệu thực dựa trên cung - cầu lao động và từ đó cũng không đánh giá được về tác động của chính sách với thị trường lao động. Kết quả? Bộ sẽ xuống kiểm tra, còn Sở thì vẫn cứ làm việc thường ngày của mình.
 
Nghịch lý đã quá rõ: nếu như doanh nghiệp được khẩn trương miễn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế vì công nhân đình công, thì khi người lao động bị doanh nghiệp “đình việc” lại chỉ được câu trả lời chờ kiểm tra hờ hững. Vậy mong chờ gì ở chất xám làm ra một ngành công nghiệp rực rỡ để rồi cứ vẽ ra kế hoạch?
 
Xét cho cùng, quá ưu đãi thu hút FDI cũng chỉ là thứ vũ khí cùn để mong đạt tăng trưởng kinh tế - xã hội -công nghệ. Cũng giống như chuyện nhân tình, nhân ngãi đình đám giữa hoa khôi Nga và đại gia Mỹ. Một bên ra sức chiều chuộng để có được tiền tỷ, chấp nhận lợi ích trước mắt, còn bên kia “no xôi chán chè” hoặc cho rằng “đối tác trái ý” thì lật kèo, khiến kẻ dễ dãi chỉ có mỗi “tài nguyên vốn tự có” ê chề, tủi nhục với bao dự định dang dở.
 
Nuông chiều sinh hư, âu cũng là tất lẽ dĩ ngẫu. Nhưng cái sự quản trị nhà nước ở lĩnh vực này diễn ra khó hiểu như vậy có lẽ... không chỉ nuông chiều.