Giá cước vận tải: Tăng dễ giảm khó

Dù giá xăng dầu đã giảm nhiều lần nhưng các đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá nhiên liệu vẫn không có chiều hướng điều chỉnh giá cước vận tải. Cuối cùng, Bộ Tài chính đành phải “vào cuộc” và đề nghị giảm giá cước vận tải.

Từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh tăng 5 lần, giảm 8 lần; dầu diezel tăng 4 lần và giảm 15 lần. Tuy nhiên, cước vận tải chịu sự tác động trực tiếp của giá xăng dầu lại chưa giảm tương ứng. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các Sở, doanh nghiệp vận tải chấp hành quy định về quản lý, kê khai giá cước vận tải. Đồng thời yêu cầu những đơn vị này chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và các yếu tố đầu vào. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng kiến nghị UBND các địa phương tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có giá cước vận tải.
 
Tuy nhiên, các hãng vận tải có vô số lý do để chưa tiến hành giảm. Nhiều đơn vị vận tải khẳng định yếu tố đầu vào vẫn cao. Theo họ, những lần giảm vừa qua không đủ bù lỗ cho những lần tăng giá trước đó! Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Phú Mỹ, ông Huỳnh Quốc Thịnh cho biết chi phí đầu tư cho xe tăng cao trong khi giá xăng giảm không đáng kể nên vẫn chưa đủ bù so với các đợt tăng giá. Theo đó, hiện giá đầu tư cho xe mới tăng 50%. Nếu điều này là đúng thì có nghĩa là sự “thành công” trong việc lắp ráp dòng xe thương mại mà các ngành quản lý viện dẫn hóa ra cũng chẳng thành công như người ta tưởng. Bởi điều này có thể là hệ quả của hai trường hợp: Một là dòng xe thương mại có lượng xuất xưởng khá “bèo bọt”, cung không nhiều dẫn đến giá bán xe vẫn cao; Hai là tỷ lệ nội địa hóa dù có cao hơn xe cá nhân, song không đáng kể và phần lớn vẫn phải nhập khẩu linh phụ kiện đắt đỏ từ bên ngoài. Nhìn vào lượng xe nhập và tỷ lệ nội địa hóa vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra thì có vẻ như cả hai trường hợp này đều đã ứng nghiệm.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn sẵn lý do đang phải gánh thêm cả phí bảo trì đường bộ. Giám đốc Công ty TNHH vận tải Trung Việt (đơn vị giảm 4-5% giá cước vận tải áp dụng từ 1/11), ông Trần Ngọc Thọ cũng cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vận tải khác không giảm giá cước khi xăng giảm là do yếu tố đầu vào tác động khá mạnh lên giá cước.
 
Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế thì các doanh thủ đang “tranh thủ” khai thác lợi nhuận và điều này là phản ứng bình thường từ phía các đơn vị này. Theo tính toán thì giá xăng dầu đã điều chỉnh giảm liên tiếp ở mức hơn 10%, dù biện minh gì đi nữa thì thị trường đang trái quy luật. Thông thường thì với mức giá này doanh nghiệp sẽ phải tiến hành điều chỉnh lại giá cho phù hợp với thị trường nhưng do lỗ hổng quản lý, giá nằm trong tay của trung gian, tiểu thương, doanh nghiệp nên người chịu thiệt vẫn là người dân.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn