Hà Nội lại nhấp nhổm đề xuất thu phí xe vào nội đô

Hà Nội dự kiến thu phí xe là tuyến đường thuộc các quận nội thành cần hạn chế phương tiện cơ giới nhằm giảm tình trạng ùn tắc, nhất là vào các giờ cao điểm, nhằm đối phó với dự báo đến năm 2030 thì số ôtô là hơn 1,9 triệu còn xe máy là hơn 7,5 triệu.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng một số quy định để làm cơ sở cho thành phố thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
 
Theo đề án này, phương tiện cơ giới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường sống của người dân. Vì thế, UBND đề xuất áp dụng quy định nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế mức độ tập trung khí thải gây ô nhiễm môi trường.
 
Nếu được thực hiện, việc thu phí xe vào nội đô sẽ trực tiếp tác động vào các chuyến đi của người tham gia giao thông có nhu cầu. Quy định về mức thu phí này dựa trên nguyên tắc bù đắp một phần chi phí phục vụ đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại khu vực phân vùng hạn chế phương tiện giao thông.
 
Ngoài ra, để hạn chế tình trạng ô nhiễm, TP. Hà Nội cũng đề xuất thêm quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành phương tiện thông qua đăng kiểm.
 
UBND TP. Hà Nội lý giải, sự gia tăng của phương tiện giao thông “đã ở mức báo động”. Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường “sẽ trở nên nghiêm trọng”.
 
Đây là thực tế có thể cảm nhận rõ rệt. Chất lượng không khí Hà Nội có xu hướng xấu trở lại trong năm 2018 khi số giờ ở mức không tốt cho sức khỏe chiếm khoảng 70% tổng thời gian.
 
Nhưng các biện pháp thực hiện và cách lý giải lại chưa đủ thuyết phục. Chẳng hạn, việc thu phí môi trường có cần thiết khi loại phí này đã có trong giá xăng dầu. Hay thế nào là “người có nhu cầu” khi những phương án thay thế phương tiện cá nhân đến nay vẫn chưa thể hiện được vai trò rõ rệt lại chưa được làm rõ. Xe buýt xuống cấp, ít tuyến kết nối giữa các con đường lớn, ứng dụng tìm kiếm xe buýt thường xuyên rơi vào tình trạng “lỗi máy chủ” hay không kết nối được với máy chủ. Xe BRT ít tuyến, thiết kế gây nhiều tranh cãi. Đường sắt trên cao thường xuyên chậm tiến độ và vô số những rắc rối khác trong khi thi công. Dịch vụ xe “công nghệ”, xe taxi cũng không đủ thỏa mãn.
 
Ngoài ra, đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp khác như: cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh...