Hà Nội, TP.HCM sẽ cho thuê xe đạp ở trung tâm?

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ và 5 thành phố trực thuộc Trung ương triển khai dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, nhằm tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân.

Mục tiêu của đề án là đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ
 
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, nhằm phát triển hợp lý những phương thức vận tải tại các thành phố lớn, bên cạnh việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng khối lớn còn cần có lộ trình cụ thể nhằm hạn chế sử dụng các phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông.
 
Các thành phố này phải phát triển và khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện vận tải công cộng; kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố; đồng thời xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án thí điểm phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng tại khu vực trung tâm.
 
Việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, chủ yếu là xe máy, là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết phải có là phát triển hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được nhu cầu người dân thì đến nay Bộ Giao thông vận tải, các bộ liên quan và các địa phương như Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa làm nổi.
 
Ùn tắc thực tế mới chỉ xảy ra ở 2 thành phố kể trên, mà chủ yếu tại khu vực trung tâm. Trong khi đó, xe đạp cũng cần có đường riêng, không thể đi chung với xe máy hay ôtô.
 
Cuối cùng, vẫn phải tính một lộ trình đúng đắn cho việc hạn chế phương tiện cá nhân. Chưa nên tính đến ôtô vì số lượng hiện tại còn quá ít (khoảng 2 triệu xe trên 90 triệu dân), đồng thời đây cũng là động lực phát triển kinh tế. Với xe máy, một số hãng đã chọn Việt Nam làm nơi xuất khẩu sang các thị trường khác, kể cả châu Âu. Năm ngoái, Honda bán hơn 1,8 triệu xe máy tại Việt Nam, nhưng bán tới hơn 16 triệu xe máy trên toàn thế giới. Như ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc Honda Việt Nam, từng đặt vấn đề là nên tăng ưu đãi cho việc sản xuất xe máy để xuất khẩu.
 
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn