Hơn 21 triệu túi khí bị lỗi chưa được sửa chữa

Hơn một nửa trong số gần 42 triệu túi Takata bị lỗi vẫn được sử dụng tại Mỹ, gây nguy hiểm cho tài xế cũng như hành khách trên xe.

Túi khí Takata
 
“Cơn bão túi khí” là một trong những bê bối lớn nhất lịch sử ngành công nghiệp ôtô thế giới khi số lượng túi khí bị triệu hồi chiếm gần 13% tổng số xe đăng ký. Tuy vậy, Cục quản lý an toàn giao thông quốc gia (NHTSA) cho biết: Đến cuối tháng 10, mới có 19,6 triệu trong số 41,8 triệu túi khí lỗi được khắc phục sự cố. Số còn lại vẫn được sử dụng cho các phương tiện lưu thông trên đường phố.
 
Xe càng cũ càng nguy hiểm. Bởi sau thời gian dài sử dụng, độ ẩm cao có thể khiến chất kích nổ túi khí kém ổn định và bung ra với lực quá mạnh khi xảy ra tai nạn, làm văng mảnh kim loại vào người ngồi trên xe.
 
Các hãng xe đang tích cực đẩy mạnh quá trình sửa chữa túi khí bị lỗi liên quan đến 13 trường hợp tử vong cùng 180 người bị thương tại Mỹ. Đến nay, Honda đã triệu hồi khoảng 17,7 triệu túi khí trên 11,4 triệu xe Honda và Acura trước những lo ngại về an toàn. Hãng xe Nhật thuê 500 nhân viên để “gõ cửa từng nhà” và tìm kiếm chủ sở hữu chưa phản hồi email thông báo. Tháng trước, công ty bắt đầu sử dụng mạng xã hội Facebook để theo dõi khách hàng và gửi cảnh báo.
 
Phát ngôn viên của hãng Chris Martin cho biết: Nhà sản xuất cũng đã sử dụng phụ tùng từ bên cung cấp khác để đảm bảo công việc sửa chữa không bị trì trệ bởi những rắc rối xảy ra với Takata.
 
Honda, Fiat Chrysler và Toyota là những thương hiệu có số lượng túi khí bị triệu hồi nhiều nhất. Chris Freeman - Quản lý chiến dịch Takata tại Fiat Chrysler Automobiles - cho biết: Công ty đã hoàn thành 49% quá trình sửa chữa những bộ phận gặp sự cố. Fiat còn hợp tác với Uber để đưa đón những tài xế để xe lại các đại lý. Trong khi đó, theo Victor Vanov - phát ngôn viên của Toyota, hãng cũng đạt tỷ lệ 68%.
 
Dù vậy, một số tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cho rằng: Các nhà sản xuất cần làm nhiều hơn nữa và sử dụng tất cả biện pháp để cảnh báo cho khách hàng về sự nguy hiểm. Ngoài ra, NHTSA cũng cần có trách nhiệm giám sát các hoạt động triệu hồi.