Lịch sử an toàn xe hơi

Trong bối cảnh năm 2014 chứng kiến lượng ôtô bị thu hồi của một loạt hãng xe lớn đều ở mức kỷ lục với các lý do như lỗi bộ phận đánh lửa, bình xăng hay túi khí, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý đang đặt một dấu hỏi lớn về độ an toàn, tin cậy của các dòng xe mới. Đó cũng là thời điểm để nhìn lại những điểm mốc quan trọng trong lịch sử an toàn xe hơi.

Theo Crashtest.org, lịch sử an toàn xe hơi có thể bắt nguồn từ một trong những vụ tai nạn chết người đầu tiên xảy ra vào ngày 31/8/1869 tại một thị trấn ở Ireland khiến một người phụ nữ thiệt mạng. Sự cố đã thức tỉnh nhận thức và sự cần thiết cho công nghệ an toàn đường bộ nhằm bảo vệ không chỉ người lái mà cả những người xung quanh.
 
Phanh thủy lực trên Duesenburg model A được xem là thiết bị an toàn đầu tiên trang bị trên một mẫu xe. Hệ thống được giới thiệu vào năm 1921-1922. Nó được thiết kế thành một hệ thống khép kín. Khi người lái đạp bàn đạp phanh sẽ làm tăng áp suất dầu trong xi lanh của bánh xe và các đường ống dầu, từ đó đẩy các pít tông và guốc phanh. Má phanh áp sát vào tang trống tạo ra lực ma sát. Kết quả, tang trống và moay ơ bánh xe sẽ giảm dần tốc độ, thậm chí dừng lại tùy theo lực tác động. Ngược lại, khi tài xế bỏ chân khỏi bàn đạp phanh, áp suất trong hệ thống dầu phanh sẽ giảm nhanh nhờ lò xo hồi vị. Theo đó, các má phanh, guốc phanh cũng rời khỏi tang trống.
 
 
Một phần cũng không kém phần quan trọng trong lịch sử an toàn xe hơi là sự xuất hiện của các bài thử nghiệm. GM là hãng thực hiện các thử nghiệm va chạm đầu tiên vào năm 1934. GM cho biết: “Thử nghiệm va chạm đã đem đến cho chúng tôi sự hiểu biết sâu sắc hơn về an toàn xe hơi. Chúng là một trong những công cụ để chúng tôi đánh giá những tiến bộ trong công nghệ an toàn, giúp giảm tỷ lệ tử vong giao thông đường bộ”.
 
 
Hiện nay, Viện Bảo hiểm an toàn đường bộ Mỹ (IIHS) là cơ quan chuyên tiến hành các thử nghiệm va chạm nhằm đưa ra đánh giá về độ an toàn của các xe mới. Hồi đầu năm 2015, cơ quan cũng vừa công bố danh sách 9 mẫu xe an toàn nhất, nghĩa là không có trường hợp nào tử vong trong tai nạn giao thông. Các xe được xướng tên bao gồm Audi A4, Honda Odyssey, Kia Sorento 2WD, Lexus RX 350 4WD, Mercedes-Benz GL-Class 4WD, Subaru Legacy 4WD, Toyota Highlander hybrid 4WD, Toyota Sequoia 4WD và Volvo XC90 4WD. Ông David Zuby, Phó chủ tịch, cũng là giám đốc nghiên cứu của IIHS, cho biết: Trong vòng ba năm trở lại đây, đây là một sự tiến bộ lớn. Từ đó cho thấy các xe ngày càng an toàn hơn. Trong khi đó, những mẫu xe cỡ nhỏ lại có tỷ lệ tử vong cao hơn, điển hình là Kia Rio với 149 trường hợp tử vong. Tiếp đến là Nissan Versa, Hyundai Accent và Chevrolet Aveo.
 
 
 
 
 
 
Đến năm 1949, Chrysler Crown Imperial là chiếc ôtô đầu tiên được trang bị phanh đĩa tiêu chuẩn. Nó là một hệ thống phức tạp, đắt đỏ nhưng bù lại, hiệu quả và tin cậy. Hệ thống được phát triển bởi công ty Auto Specialties Manufacturing có trụ sở tại Michigan, dựa trên bằng sáng chế của một nhà phát minh có tên là H.L. Lambert và được thử nghiệm lần đầu tiên trên chiếc 1939 Plymouth.
 
 
Trước khi được ứng dụng trên xe hơi,  phanh đĩa đã xuất hiện trong ngành công nghiệp máy bay. So với phanh tang trống, phanh đĩa có độ cân bằng tốt hơn, khả năng làm mát cũng tốt hơn bởi dòng không khí có thể dễ dàng đi qua bề mặt vật liệu ma sát. Tuy nhiên, phanh đĩa cũng có một số nhược điểm, lớn nhất là các chất bẩn có thể bám vào nên phải thường xuyên được bảo dưỡng để tránh hiện tượng ăn mòn hóa học hoặc cơ học. Một khi đã bị ăn mòn, quá trình tản nhiệt diễn ra chậm hơn do đĩa phanh mỏng, phanh cũng có thể bị gãy trong một số trường hợp.
 
Volvo được đánh giá là một trong những thương hiệu an toàn nhất thế giới bởi hãng luôn là nơi bắt nguồn của những công nghệ an toàn hàng đầu, trong đó có dây đai an toàn 3 điểm được giới thiệu lần đầu tiên tại Thụy Sĩ vào năm 1959.
 
1954 Volvo PV444 HS
 
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi chiếc ôtô đầu tiên trên thế giới là Volvo P544 được trang bị công nghệ dây an toàn 3 điểm. Chính Volvo cũng phải thừa nhận rằng bất kỳ mẫu xe nào của hãng được sản xuất từ năm 1959 đều sử dụng dây an toàn 3 điểm nhằm bảo vệ tốt nhất sự an toàn cho khách hàng. Công nghệ là phát minh của Nils Bohlin, một kỹ sư của hãng. Sau đó, dây an toàn cũng được phát triển với nhiều phiên bản khác nhau, nhưng dây an toàn 3 điểm vẫn được công nhận trên toàn thế giới. Đến nay, hàng triệu người dùng đã được cứu sống nhờ công nghệ này và trong những năm tới, dây an toàn sẽ vẫn thịnh hành. Volvo cho rằng trong tương lai, xe hơi có thể tự động tránh các va chạm và chỉ đến lúc đó, người dùng mới có thể “thoát” khỏi chúng.
 
Nils Bohlin, người phát minh ra dây đai an toàn 3 điểm
 
Bên cạnh dây an toàn, túi khí cũng trở nên quen thuộc với người lái ôtô. Trên thực tế, túi khí đã được phát minh vào năm 1952 bởi một kỹ sư trong ngành hải quân là John W. Hetrick nhưng mới được sử dụng trong nội bộ gia đình. Năm 1971, Ford bắt tay vào việc ứng dụng công nghệ này trong các sản phẩm của mình. Trong những năm sau, một loạt xe như Buick, Cadilac, Oldsmobile hay Chevrolet đều được trang bị túi khí đôi. Tuy nhiên, chúng hầu như chỉ được bán cho chính phủ Mỹ, chưa xuất hiện nhiều trên thị trường. Bởi vậy, năm 1973, GM mới là hãng xe đầu tiên lắp đặt túi khí trên các xe được sử dụng rộng rãi trong công chúng.
 
 
Năm 1989, chính phủ liên bang Mỹ cũng quy định ghế tài xế của tất cả các xe chở khách đều phải được trang bị công nghệ bảo vệ tự động, bao gồm dây đai an toàn hoặc túi khí trước.
 
Trong thời gian qua, túi khí do hãng Takata sản xuất đang là trung tâm của cơn bão thu hồi khiến không ít hãng xe bị liên đới. Mới đây, cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) còn tìm kiếm “người thổi còi” nhằm thu thập thông tin về các túi khí bị lỗi của hãng khiến ít nhất 5 người thiệt mạng cùng hàng chục người khác bị thương. Đến nay đã có hơn 20 triệu xe sử dụng túi khí của Takata bị thu hồi trên toàn thế giới.
 
 
Phát ngôn viên Gordon Trowbridge cho biết cơ quan khuyến khích tất cả các cá nhân cung cấp thông tin về quá trình sản xuất, thử nghiệm bộ phận kích nổ trong túi khí hoặc bất cứ hành vi sai trái nào của Takata. Các cuộc phỏng vấn với 6 nhân viên cũ của Takata cho thấy một số nhân viên của hãng được yêu cầu phải che giấu hoặc thay đổi dữ liệu “tố cáo” các bộ phận và chất liệu nhất định không đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Ngày 20/2/2015, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cũng cho biết sẽ phạt Takata 14.000 USD mỗi ngày do chậm chạp khi hợp tác trong cuộc điều tra của cơ quan về các túi khí bị lỗi. Thậm chí, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Anthony Foxx tuyên bố chừng nào chưa hợp tác hoàn toàn, công ty còn tiếp tục phải chịu phạt.
 
Càng ngày, cùng với sự gia tăng về số lượng những người sở hữu xe hơi thì vấn đề an toàn cũng trở thành mối quan tâm hàng đầu của chính phủ và cơ quan quản lý.  Tổ chức an toàn ở nhiều quốc gia đều đẩy mạnh sự hợp tác với Bộ Giao thông vận tải nhằm thực thi những quy định đảm bảo an toàn cho tài xế, hành khách cũng như người đi bộ. Tuy nhiên, đây không phải mục tiêu có thể thực hiện ngày một ngày hai khi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tỷ lệ tử vong do giao thông đường bộ vẫn ở một tỷ lệ rất cao.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn