Những mẫu thiết kế phương tiện giao thông lạ mắt trong tương lai (P2)

Sức sáng tạo không ngừng giúp con người ngày càng thuận tiện hơn trong việc di chuyển và chuyên chở hàng hóa. Không chỉ đạt được những tiến bộ trên mặt đất, ngành hàng không và hàng hải cũng đang chứng kiến cuộc cách tân mạnh mẽ cách con người vút lên không trung và rẽ nước tiến ra biển lớn.

Máy bay “lắp ghép” Clip-Air
 
Một mẫu máy bay có tên Clip-Air do các kỹ sư của Trường đại học kỹ thuật Federel Lausane nghiên cứu thiết kế có thể chuyên chở một lượng hành khách bằng 3 lần một chiếc A-320 của Aibus trong khi số lượng động cơ giảm còn một nửa (nếu 3 chiếc A-320 cần 6 động cơ, thì Clip- Air chỉ cần có ba chiếc).
 
 
 
Clip-Air thực chất là một máy bay cánh rộng 3 động cơ như bao chiếc máy bay chở khách khác. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở phần thân là nơi chở hành khách và hàng hóa. Thay vì chỉ có một thân duy nhất được gắn liền với cánh thì nay nó có đến ba thân. Điều đặc biệt là các thân chở hành khách đó có thể tháo rời ra và lắp vào một cách linh hoạt, tùy thuộc lượng hành khách mà cần treo 1, 2 hoặc cả 3 cái. Nhờ vậy, các hãng hàng không có thể cải thiện tình trạng ghế trống mà vẫn phải thực hiện chuyến bay hoặc phải tăng chuyến khi có số lượng hành khách lớn có nhu cầu cùng đi về một hướng, và tất nhiên, như vậy sẽ tiết kiệm được đáng kể nhiên liệu, đồng thời giá vé cũng sẽ giảm. “Một máy bay Clip-Air có thể chuyên chở lượng hành khách tương đương ba chiếc A-320 với số động cơ sử dụng chỉ bằng một nửa” - tác giả giới thiệu.
 
Tại triển lãm hàng không Bourget, Pháp, lần đầu tiên Makét của chiếc Clip-Air được giới thiệu vào tháng 7 năm 2013. Dự kiến mẫu thiết kế này sẽ trở nên phổ biến trên toàn thế giới sau khoảng 15 năm nữa.
 
Tàu thủy “xanh” Vindskip
 
Cách đây không lâu, các chuyên gia hàng hải của công ty Lade AS của Nauy đã thiết kế một mẫu tàu thủy rất khác lạ. Nó sử dụng chính vỏ tàu làm cánh buồm đẩy tàu đi. Tàu được trang bị một hệ thống động lực GNL chạy bằng khí ga, nhưng khi đã đẩy cho tàu chạy đến một vận tốc nhất định, động cơ sẽ giảm vòng quay, chỉ chạy ở chế độ ga nhỏ. Trong quãng đường tiếp theo, tàu sẽ chuyển động nhờ sức gió. Bằng phương pháp như vậy, lượng nhiên liệu tiêu thụ của tàu Vindskip có thể giảm tới 60%. Hiện công ty Lade AS đang trong giai đoạn tìm vốn để phát triển dự án này.
 
 
Theo dự đoán của tổ chức hàng hải quốc tế, lượng khí thải tạo hiệu ứng nhà kính do vận tải đường biển có thể tăng cao 2-3 lần từ nay đến năm 2050. Vì vậy, những dự án tàu biển xanh sạch đang ngày càng nở rộ. Ngoài Vindskip ra, trên thế giới hiện còn có dự án tàu Ecoliner - là một tàu buồm chở contenơ, Skysail hoặc Efuture 13000C sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời.
 
Tàu điện treo trên ray Skytran
 
 
Để khắc phục tình trạng không còn đường cho người tham gia giao thông trong thành phố và các tòa nhà thì cứ xin xít vào nhau, không thể xây dựng thêm đường ray tàu điện hoặc các bến đỗ xe bus, mới đây công ty Skytran đã kết hợp với trung tâm hàng không - vũ trụ NASA tìm ra được một giải pháp, đó là thiết kế chế tạo một chiếc tàu treo trên một đường ray trong thành phố. Tàu có thân hình như một viên thuốc con nhộng, sử dụng công nghệ ứng dụng lực từ trường để chuyển động dọc trên ray. Hệ thống này có đặc điểm rất kinh tế về năng lượng, chạy rất êm, không tiếng ồn và vận tốc có thể nhanh tới 100km/h. Điều đặc biệt ở tàu này là hành khách có thể sử dụng smartphone để đặt chỗ trên tàu và qua smartphone tự chọn hướng đi sau khi đã ngồi vào vị trí trong khoang tàu.
 
Thành phố đầu tiên trên thế giới được trang bị phương tiện giao thông này có thể sẽ là Tel-Aviv, Ixraen. Đơn giá xây dựng ước tính 15 triệu USD/kilômét, rẻ hơn 10 lần so với xây dựng đường tàu hai ray theo kiểu truyền thống. Theo kế hoạch, công trình được khởi công vào cuối năm 2014.
 
Tàu điện trong ống Hyperloop
 
CEO hãng xe Tesla Elon Musk cho biết hiện hãng đang theo đuổi một dự án nghiên cứu chế tạo toa tàu chạy trong ống đầy ấn tượng có tên Hyperloop. Theo đó, tàu Hyperloop là một toa xe có thể vận chuyển 28 hành khách chuyển động trong một đường ống dựa trên nguyên lý chênh lệch áp suất. Nhờ lực ma sát được giảm thiểu tới mức tối đa, tàu có thể đạt được vận tốc 1.223km/h. Việc cấp điện cho tàu được thực hiện bằng tấm pin mặt trời lắp đặt phía trên đường ống.
 
 
Theo tính toán ban đầu, chi phí để thực hiện ý tưởng đặc biệt táo bạo này cần vào khoảng 6 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Elon Musk không phải người đầu tiên có ý tưởng làm phương tiện giao thông như vậy. Trong những năm 1960, hãng Lockheed Martin cũng đã đưa ra ý tưởng này, nhưng chiếc ống trong đó toa tàu di chuyển được đặt dưới lòng đất của thành phố San Fracisco. Một công ty Thụy Sĩ tên là Swissmetro cũng đã thực hiện được ý tưởng này vào năm 2009.
 
Khí cầu chở hàng có điều khiển Aeros
 
Kể từ khi khí cầu Zeppelin Hindenburg bị hỏa hoạn vào năm 1937, việc ứng dụng bị rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, hiện nay nó đang là một trong 34 hạng mục được ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ uu tiên phát triển.
 
 
Aeros Corp là công ty chế tạo hàng không tiên phong của Mỹ vừa công bố sẽ sản xuất 24 chiếc khí cầu vận tải chở hàng trọng tải từ 66 đến 250 tấn. Công ty cho biết chiếc “tàu bay” là “một phương tiện kinh tế và sinh thái của giao thông vận tải, rất lý tưởng cho vận chuyển hàng hóa tới các vùng khó tiếp cận. Ngoài ra, sản phẩm cũng nhắm đến thị trường quân sự hoặc du lịch, nhất là du lịch trên biển và trên không”, ông Igor Pasternak, giám đốc dự án nói.
 
Để nâng tàu lên cao, các nhà chế tạo sử dụng khí Heli là khí nhẹ hơn không khí để bơm vào tàu. Thiết bị động lực là các động cơ cánh quạt chạy bằng điện. Tàu có thể cất cánh, hạ cánh theo phương thẳng đứng tại bất cứ đâu trên nền đất thô, và đặc biệt là nó được trang bị hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số Fly-by-Wire.
 
Các khí cầu Aeroscraft là một phương tiện giao thông có tiếng ồn cực thấp, chi phí cho nhiên liệu và bảo trì cũng vậy. Chi phí nhiên liệu cho khí cầu chỉ bằng1/3 một máy bay chở hàng hiện nay. Tốc độ bay có thể đạt 100 dặm/h khi mang lượng hàng nặng 250 tấn.
 
 Máy bay siêu tiết kiệm nhiên liệu N3-X
 
 
Mặc dù các chuyên gia hàng không đã rất nỗ lực, cố gắng để giảm lượng tiêu hao nhiên liệu của các thiết bị bay, nhưng cho đến nay, tiền xăng dầu vẫn chiếm đến 1/4 giá vé của các hãng hàng không. Đối diện thách thức đó, các kỹ sư của Trung tâm hàng không - vũ trụ NASA, Mỹ đã thiết kế một mẫu máy bay có động cơ tuốcbin phản lực tích hợp vào thân ký hiệu N3-X. Với hình dáng khí động mỏng và trơn nhẵn từ đầu đến cuối, cấu trúc phần lớn làm bằng vật liệu tổng hợp sợi các bon, động cơ quay bởi động cơ điện có tính siêu dẫn, lực đẩy được chia thành từng phần và phân bố đều phía sau, lực ma sát giữa không khí và thân vỏ hầu như không đáng kể… đã khiến chiếc N3-X trở nên siêu tiết kiệm nhiên liệu và siêu êm. Mẫu thiết kế N3-X có thể chuyên chở 300 hành khách, giảm 70% năng lượng tiêu hao so với các máy bay thông thường. 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn