Phí đường bộ dọa tăng gấp 3,5 lần

Dự thảo sửa đổi thông tư của Bộ Tài chính về phí đường bộ vừa lấy ý kiến hoàn thiện đã đặt lộ trình để các trạm thu phí tăng mức thu lên gấp 3,5 lần hiện tại.

Theo dự thảo “Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ”, từ năm 2013 sẽ áp dụng mức thu tối đa không quá 2 lần mức thu tối thiểu khung; năm 2014 mức thu tăng lên 2,5 lần mức khung (riêng nhóm xe container không quá 2 lần); năm 2015 tăng lên 3 lần (nhóm container không quá 180.000 đồng/vé lượt) và từ năm 2016 trở đi áp dụng mức thu kịch trần (gấp 3,5 lần).
 
Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội đầu tháng 6, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định không có chuyện phí chồng phí. Như cư dân mạng nói đùa với nhau: ông Thăng hoàn toàn đúng, bởi Bộ nào thu tiền của Bộ nấy, chứ có chồng lấn gì đâu.
Như vậy, xe chở người dưới 10 chỗ mức thu từ 10.000 đồng/lượt hiện nay sẽ lần lượt tăng lên 20.000 – 25.000 – 30.000 – 35.000 đồng/lượt theo lộ trình đến năm 2016. Chịu phí nặng nhất là nhóm xe tải, xe chở hàng bằng container và xe ôtô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27 tấn trở lên với mức phí tăng kịch khung là 200.000 đồng/vé/lượt vào năm 2016. Đáng chú ý là theo dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, tất cả con đường thuộc mạng lưới quy hoạch trên cả nước (với cả Quốc lộ, đường địa phương) và hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo phục vụ giao thông tốt hơn trước khi thu phí, đều sẽ đủ điều kiện được áp dụng mức thu mới.
 
Trước đó, bản kế hoạch của Bộ GTVT triển khai mở rộng Quốc lộ 1A lên 6 làn xe từ nay tới 2016 công bố vào tháng 4 đã cho biết dọc tuyến đường duy nhất này sẽ có hơn 20 trạm thu phí BOT mới với thời gian thu lên đến 25 năm. Cùng với Dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, có thể thấy gánh nặng phí đường bộ đang ngày càng “phình to” đè nặng lên phương tiện ôtô. Thực tế, hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện mức thu tăng gấp đôi như trạm thu phí QL51 (từ Đồng Nai đi Vũng Tàu) từ tháng 4/2013, hay sắp tới từ 1/7 trạm QL2 đoạn Nội Bài – Vĩnh Yên cũng sẽ áp dụng mức này.
 
Đến nay phí bảo trì đường bộ đã thu được nửa năm nhưng vẫn tồn tại nhiều trạm thu phí lẽ ra phải hủy bỏ. Sự mập mờ, chồng chéo và vô trách nhiệm của Bộ GTVT khiến người dân và doanh nghiệp bất an. Khi các doanh nghiệp vận tải bị bổ thêm nhiều loại tiền trên quãng đường chở hàng, chi phí này cuối cùng sẽ lại trút lên đầu người tiêu dùng.
 
Trong lúc chưa đối phó xong với những bất cập của việc thu phí đường bộ, các mức phí dự kiến tăng lên này khiến doanh nghiệp càng thêm choáng váng. Trả lời báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, kiến nghị ngoài việc giãn thời gian tăng phí, cần có cơ chế giám sát độc lập các nhà đầu tư BOT xây dựng hạ tầng để kiểm soát mức thu hợp lý đảm bảo cho nhà đầu tư hoàn vốn và có lãi, và cũng để người dân không phải trả tiền cao để đi một con đường nhanh xuống cấp. Còn theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ (Đại học GTVT Hà Nội), không thể trông chờ quá nhiều vào hình thức BOT để đầu tư hạ tầng và đổ hết vào phương tiện vận tải trong khi nền kinh tế còn khó khăn.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn