Sau Honda, đến lượt Toyota có giấy đáp ứng Nghị định 116

Sau Honda, Toyota Việt Nam là hãng tiếp theo có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hợp lệ theo Nghị định 116 cùng Thông tư 03 cho hai mẫu xe nhập khẩu Toyota Hiace và Lexus NX300t.

Ảnh: Báo Giao thông
 
Theo Báo Giao thông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức “đóng dấu” cho giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô của Toyota Việt Nam (TMV) đối với hai mẫu xe là Toyota Hiace và Lexus NX300t.
 
Trước đó, ngày 2/3, TMV đã gửi văn bản số 174/2018/TMV-TA đến Bộ GTVT, đề nghị xác nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại xe nhập khẩu phù hợp với quy định hiện hành.
 
Đại diện Toyota cho biết hãng sẽ bắt đầu đặt hàng sản xuất các xe có giấy chứng nhận hợp lệ. Dự kiến Toyota Hiace về nước vào khoảng tháng 6 năm nay. Trong khi đó, mẫu Lexus NX300t hiện đã được nhập về và chỉ chờ tiến hành các thủ tục thông quan.
 
Như vậy, Toyota Việt Nam là doanh nghiệp thứ hai đáp ứng quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho một số dòng xe do hãng nhập về. Ngay đầu tháng 3, Honda Việt Nam thông báo đã hoàn thiện các thủ tục trong Nghị định 116 và Thông tư 03 về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại đối với xe nhập khẩu. Hãng xe Nhật cũng đã công bố giá bán 4 xe có nguồn gốc từ Thái Lan với thuế nhập khẩu 0%, bao gồm Honda CR-V, Honda Jazz, Honda Civic và Honda Accord. Mặc dù vậy, các phương tiện còn phải trải qua một quá trình kiểm định kéo dài từ 1-2 tháng trước khi được bàn giao cho khách hàng.
 
Kể từ khi Thủ tướng chính phủ ký ban hành Nghị định 116 vào ngày 17/10/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh bảo hành bảo dưỡng ôtô, Nghị định đã gây không ít tranh cãi trong ngành công nghiệp. Đầu năm 2018, hoạt động nhập khẩu xe của hầu hết các doanh nghiệp đều ngưng trệ. Kết thúc hai tháng đầu năm, số lượng xe dưới 9 chỗ được đưa về nước chỉ đạt hơn 30 chiếc.
 
Báo Hải quan đưa tin, mới đây, Bộ Giao thông vận tải cũng nêu ra những khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện Nghị định 116 và Thông tư 03, đồng thời đề xuất Chính phủ phương án sửa đổi một số điểm của Nghị định.
 
Ở phương án 1, Bộ kiến nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, doanh nghiệp để sửa đổi nội dung tại Nghị định 116. Phương án 2 là tiếp tục áp dụng các quy định ở Nghị định 116 và Thông tư 03 trong một thời gian nữa. Sau đó, nếu có những vướng mắc và bất cập như những gì doanh nghiệp phản ánh thì sẽ tiến hành bổ sung, sửa đổi...