Triển lãm quốc tế xe 2 bánh chỉ toàn xe điện Trung Quốc

Tại Triển lãm quốc tế xe hai bánh khai mạc hôm 5/12 tại Quận 7, TP.HCM, người xem giật mình khi thấy chỉ toàn doanh nghiệp Trung Quốc với sản phẩm nhái lại các thương hiệu nổi tiếng.

Trên băng-rôn lớn treo bên ngoài khu vực triển lãm ghi rõ “Triển lãm quốc tế xe hai bánh” nhưng trên diện tích 2.000 mét vuông với 80 gian hàng chủ yếu trưng bày các loại xe Trung Quốc. Đây là điều đáng tiếc dù không hề ngạc nhiên khi doanh nghiệp Việt bỏ qua cơ hội ngay trên chính sân nhà.
 
Xe đạp giá hàng trăm triệu
 
Gian hàng xe Thống Nhất.
 
Tại triển lãm, đại diện các doanh nghiệp xe đạp Việt Nam hầu như “mất dạng”, chỉ còn doanh nghiệp sản xuất xe đạp Thống Nhất với gian hàng xe đạp trống vắng. Trong khi đó, xe đạp được quảng cáo là sản xuất tại Trung Quốc nhưng mang thương hiệu nổi tiếng nên giá rất đắt. Xe thể thao hiệu Cronus mẫu Dynamic 2.0 Pro có bộ líp đĩa 20 tốc độ giá 23,5 triệu, mẫu Belgium 310 có 16 tốc độ giá 7,8 triệu, Holts 330 có 24 tốc độ giá 6,7 triệu, xe đạp nữ M30 giá 5 triệu. Trong đó một số mẫu xe đạp Cronus có trọng lượng nhẹ và có thể xếp gọn như một chiếc vali du lịch.
 
Xe đạp giá 228 triệu đồng.
 
Đặc biệt, gian hàng xe đạp Tonino Lamborghini của công ty Phi Long nhập khẩu từ Trung Quốc, theo lời người bán là được sản xuất theo giấy phép chính hãng, với khung sườn bằng carbon siêu nhẹ giúp xe chỉ còn 6,3kg, phụ kiện của Shimano, giá tới 228 triệu đồng. Ngoài ra còn có xe đạp Scuderia Ferrari khung carbon, xe nặng 8,8kg, giá 55,8 triệu. xe đạp Tonino Lamborghini với khung sườn bằng tre tự nhiên, nặng 11kg, giá 35,8 triệu.
 
Xe điện ‘tàu’ nhái xe máy Nhật
 
Các gian hàng của doanh nghiệp Trung Quốc có quy mô lớn và trưng bày rất nhiều mẫu xe, sắp đặt xe “có tầng có lớp”, thể hiện khá mạch lạc ý đồ quảng bá hình ảnh sản phẩm… càng khiến sự hiện diện của gian hàng Việt Nam thật lẻ loi nhỏ bé. Tuy nhiên, sản phẩm với tên “na ná” các nhãn hiệu nổi tiếng, nhái kiểu dáng xe tay ga của các hãng nổi tiếng Nhật Bản.
 
Gian hàng của thương hiệu xe đạp điện Trung Quốc Wason Electric Bike bán xe đạp điện kiểu truyền thống giá 5,5 triệu đồng, xe máy điện kiểu xe tay ga WSX giá 10,5 triệu. Xe đạp điện CityBug phiên bản Eagle giá tới 48,5 triệu. Xe máy điện B-Sunra nhái kiểu xe tay ga Honda Click giá 14,5 triệu.
 
Xe đạp điện Zinger Extra của HKBike giá 11,5 triệu với khung sườn uốn lượn vui mắt cùng với màu sơn bóng bẩy. HKBike với các hộp đèn nê-ông xanh mát và phông nền toàn bộ gian hàng đều nhuộm màu xanh tươi tắn, kèm theo số điện thoại hotline giải đáp tức thời những thắc mắc của khách tham quan. Nhà sản xuất Motion có xe đạp thiết kế màu sắc lô-gô như hãng môtô Ducati.
 
Khách e ngại
 
Một mẫu xe điện Trung Quốc nhái xe máy Honda tại Việt Nam.
 
Kiểu dáng phong phú, thời trang nên xe đạp điện của Trung Quốc khá hút khách tham quan. Nhưng khi biết nguồn gốc xe nhiều người tỏ ra e dè, chỉ hỏi tham khảo giá chứ không mua. Anh Đoàn Văn Thái, một khách tham quan đồng thời là kỹ thuật viên, tần ngần đứng ngắm gian hàng của hãng Giant trưng bày tới hơn 30 mẫu xe. “Xe khá đẹp, chi tiết nhựa và kim loại sắc sảo, nhưng thấy nói xe “tàu” nên không ưng lắm”, anh Thái nói.
 
Một gian hàng xe điện Trung Quốc.
 
Anh Thái cũng như nhiều người khác có ý định chọn mua xe đạp và xe đạp điện do xăng liên tục tăng giá. Theo tính toán, một lần nạp điện cho xe đạp điện tiêu tốn số kWh điện quy ra tiền bằng khoản 10.000 đồng, xe chạy được 70km. Trong khi nếu dùng xe máy để đi hết quãng đường này thì phải tốn gần 50.000 đồng tiền xăng.
 
Việc sử dụng xe đạp điện thay thế xe máy chỉ giải quyết một vấn đề về giá xăng, vốn sẽ ngày càng đắt, nhưng vẫn sẽ gây ra những vấn đề y hệt về sự phát triển giao thông. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa hề được chuẩn bị cho lĩnh vực này và thị trường coi như hoàn toàn mở cửa cho doanh nghiệp Trung Quốc.
 
Ngoài ra, vấn đề chất lượng, như bài học về xe máy “tàu” một thời, chắc chắn cũng sẽ để lại nhiều hậu quả. Đơn cử vừa qua, tại Q.6, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM, đã phát hiện 70 xe đạp điện “Made in China” giả nhãn hiệu Honda, Yamaha, được bán với giá 10 triệu đồng/chiếc, trong khi giá nhập khẩu là 4,5 triệu đồng.
 
Hạn chế xe đạp điện gia tăng hay giảm số lượng xe máy đều cần có một lộ trình dài, nhất quán và đồng bộ. Chỉ khi mục tiêu được thực hiện một cách kiên trì, cùng với nỗ lực phát triển thị trường ôtô, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông công cộng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, nguy cơ bị xâm chiếm bởi các sản phẩm kém chất lượng và có hại về lâu dài mới có thể bị loại trừ.
 
 
Theo kết quả thăm dò từ BTC triển lãm, trên thị trường Việt Nam hiện nay, xe đạp và xe đạp điện Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan chiếm tới 80% thị phần, trong khi đó xe do doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm 8% thị phần, nhưng toàn với các thương hiệu như Thống Nhất, Delta, Hitasa, Martin 107.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn