Trung Quốc bị tố “âm thầm” giám sát các tài xế

Một báo cáo của Associated Press cho biết chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà sản xuất xe “xanh” phải cung cấp cho họ thông tin về vị trí các phương tiện. Đặc biệt, người dùng thường không hay biết về hoạt động này.

 
Theo Carscoops, tổng cộng hơn 200 nhà sản xuất, bao gồm những tên tuổi như Tesla, Volkswagen, BMW, Ford, Daimler, Nissan và Mitsubishi, đều đã truyền số lượng lớn dữ liệu đến các trung tâm giám sát thuộc chính phủ. Hoạt động diễn ra từ năm 2017.
 
Bắc Kinh lý giải các dữ liệu thu thập được dùng để phục vụ vấn đề an toàn công cộng, cải thiện cơ sở hạ tầng hay đảm bảo những ưu đãi cho xe sử dụng nhiên liệu thay thế không bị lạm dụng.
 
Tuy nhiên, những người phản đối chương trình lại cho rằng lượng thông tin mà Trung Quốc thu thập đã vượt quá giới hạn cho phép. Không những vậy, chúng có thể được sử dụng nhằm làm giảm sức cạnh tranh của những nhà sản xuất nước ngoài.
 
Michael Chertoff, cựu Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa hoa Kỳ, nhận định: Trung Quốc đang nắm được rất nhiều thông tin về các hoạt động thường ngày của người dân. Ông gọi đó bằng từ “giám sát”.
 
Đây không phải lần đầu tiên, những tranh cãi tương tự xảy ra. Một số chương trình trước đó cũng bị đặt nhiều dấu hỏi bao gồm việc người dân ở nhiều khu vực phải lắp đặt các thiết bị GPS trong xe của họ cho tiện quản lý hay dán một loại nhãn trên kính chắn gió để các phương tiện có thể được “quẹt” tại một số địa điểm nhất định trong thành phố.
 
Điểm khác biệt ở chương trình hiện tại là nó dựa vào dữ liệu do các hãng sản xuất trực tiếp cung cấp. Tại Mỹ, chính phủ cần có lệnh của tòa án mới có thể thu thập những thông tin kể trên. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, các hãng xe buộc phải tuân thủ quy định vì những lợi ích kinh tế khi được kinh doanh tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới.