Uber bị buộc rút khỏi Đông Nam Á

Uber có thể sớm rút khỏi một số thị trường, bao gồm Đông Nam Á, sau khi tập đoàn viễn thông Softbank Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn nhất của hãng cung cấp ứng dụng gọi xe. Như vậy, không loại trừ khả năng Uber sẽ rút khỏi Việt Nam.

Uber có thể rút khỏi Đông Nam Á
 
Trả lời Financial Time, Rajeev Misra - thành viên ban quản trị Softbank - cho biết: Sau khi nắm giữ 17,5% cổ phần, Softbank muốn Uber thay đổi chiến lược hoạt động trên toàn cầu bằng cách tập trung vào những thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Uber có thể sẽ rút khỏi một số thị trường như Ấn Độ và Đông Nam Á. Nguyên nhân khiến Softbank thay đổi chiến lược hoạt động đến từ nhiều nguyên nhân.
 
Khu vực Đông Nam Á có dân số khoảng 600 triệu người. Thị trường đi chung xe được dự báo tăng từ 5,1 tỷ USD vào năm 2017 lên 20,1 tỷ USD năm 2025. Hiện tại, Ấn Độ có hơn 1,2 tỷ dân, thị trường chia sẻ xe có giá trị trên 2 tỷ USD. Dù tiềm năng là vậy, nhưng các đối thủ khác trong khu vực này không dễ bị “đánh bại”.
 
Anthony Tan - CEO Grab - từng cho biết: Grab chiếm 70% thị phần Đông Nam Á. Thêm nữa, không chỉ là nhà đầu tư lớn cho Uber, Softbank còn là nhà đầu tư lớn của Grap, đối thủ chính của Uber tại Đông Nam Á. Việc gà nhà đá nhau có thể khiến lợi nhuận mà Softbank từ hai startup này bị ảnh hưởng!? Với thị trường Ấn Độ, phân tích của App Annie về lượng người dùng hàng tháng cho thấy hãng cung cấp dịch vụ gọi xe địa phương Ola chiếm 52-53% thị phần nước này, trong khi tỷ lệ của Uber là 46-48%. Vì thế, việc chuyển trọng tâm khỏi những thị trường kể trên được cho là sẽ giúp Uber cắt giảm các khoản thua lỗ về tài chính do cạnh tranh.
 
Tuy nhiên, việc tập trung vào những thị trường như châu Âu, Mỹ hay Nam Mỹ cũng chưa thể đảm bảo cho sự thành công của Uber, cho dù trong thời gian gần đây, Uber đã đầu tư khá mạnh tay vào các thị trường này nhằm tận dụng lợi thế của lượng khách hàng tiềm năng “khổng lồ”.
 
Tại Mỹ, công ty gặp phải sự cạnh tranh từ Lyft. Thị phần của Lyft đã tăng từ 15% cuối tháng 9/2016 lên 22% (tháng 9/2017). Cùng giai đoạn đó, thị phần Uber lại giảm từ 83% xuống 74%.
 
Ở “lục địa già”, Uber gặp phải những thách thức lớn hơn khi cạnh tranh với các đối thủ tại nhiều quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó là những rào cản về pháp lý sau khi Tòa án Tư pháp châu Âu ra phán quyết công ty sẽ bị quản lý như những dịch vụ taxi “truyền thống”.
 
Ngoài ra, Uber cũng phải “đối mặt” với đối thủ Trung Quốc là Didi Chuxing ở thị trường Nam Mỹ. Didi vừa mua lại hãng đi chung xe 99 của Brazil và có kế hoạch sẽ “xâm nhập” thị trường Mexico từ năm 2018.
 
An Nhiên