Uber nhận đòn giáng: Sẽ bị quản lý như taxi truyền thống

Uber vừa nhận thêm một “đòn giáng” mới sau khi tòa án châu Âu cho rằng công ty nên bị quản lý như hãng taxi thông thường thay vì dịch vụ công nghệ đơn thuần. Toà án Công lý Hội đồng Châu Âu đã phán quyết rằng: "Việc sử dụng ứng dụng di động, có thu phí, kết nối giữa tài xế không chuyên có xe cá nhân và người có nhu cầu đi lại về bản chất phải được coi là một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải".

Uber sẽ bị quản lý như taxi truyền thống
 
Theo USA Today, quyết định bắt nguồn từ đơn khiếu nại của hiệp hội taxi Barcelona (Tây Ban Nha), yêu cầu ngăn chặn Uber hoạt động trong thành phố. Các tài xế taxi cho rằng tài xế Uber cần phải có giấy phép. Họ cũng cáo buộc Uber vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 
Phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu có thể sẽ thay đổi cách thức hoạt động của Uber, đồng thời ảnh hưởng đến một số hãng công nghệ khác và cách những công ty này bị quản lý trong khu vực. Ngày 20/12, Toà án Công lý Hội đồng Châu Âu (CJEU) đã đưa ra phán quyết “Các dịch vụ trung gian sử dụng ứng dụng di động, có thu phí, để kết nối giữa các tài xế không chuyên có phương tiện di chuyển cá nhân và những người có nhu cầu đi lại trong thành phố, về bản chất phải được coi là có liên quan đến một dịch vụ vận tải và được phân loại là ‘một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải’ dưới hệ thống pháp luật Châu Âu.”  
Quyết định này chỉ áp dụng cho dịch vụ cung cấp bởi các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải. Riêng tại Việt Nam, loại hình dịch vụ này không nằm trong khuôn khổ Đề án Thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam khởi xướng.
 
Theo Đề án Thí điểm, mọi phương tiện sử dụng ứng dụng Uber phải là phương tiện hợp đồng, tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành áp dụng cho kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng; theo đó, chỉ các doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép kinh doanh vận tải mới được sử dụng ứng dụng Uber. Về phía Uber Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ chính sách này và tuyệt đối không chấp nhận các tài xế không chuyên, không đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong Thí điểm.
Trong khi đó, phía Uber vẫn luôn lập luận công ty nên được “đối xử” như một nhà cung cấp dịch vụ thông tin chứ không phải doanh nghiệp vận tải. Lý do Uber đưa ra là hãng chỉ hoạt động dựa trên một ứng dụng trực tuyến có nhiệm vụ kết nối lái xe với khách hàng. Tương tự như một nhà môi giới vận tải.
 
Tuy nhiên ranh giới giữa mô hình "môi giới" và "vận tải" thực sự là rất mập mờ, vì bản chất là Uber vẫn là người vận hành hệ thống mua và bán nhu cầu đi lại này, tức là có phát sinh lợi nhuận và các hệ lụy trong hạ tầng giao thông. Vì thế khi Uber phát triển ở các thị trường, hãng cũng gặp không ít rắc rối, trong đó có “cuộc chiến” với các dịch vụ taxi truyền thống tại nhiều quốc gia trên thế giới.
 
Trước những lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh cũng như như bất ổn xã hội, Hiệp hội taxi Hà Nội từng gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích dừng thí điểm các loại hình dịch vụ như Uber và Grab. Như vậy nếu đề án được duyệt, cộng đồng Uber mà thực chất là các lái xe, chủ xe cũng sẽ bị coi như một mô hình Taxi, phải tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành áp dụng cho kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng. Còn vai trò của "ông chủ" Uber dường như vẫn vô can, đơn giản là gọi xe và.. thu tiền.
 
Mặc dù vậy, cho đến nay, phần lớn khách hàng vẫn “chuộng” các dịch vụ gọi xe trực tuyến mới xuất hiện bởi sự tiện lợi, trong khi chi phí cũng thấp hơn. Nhiều người cho rằng trong thời đại công nghệ, bên nào không theo kịp tất yếu sẽ phải “chết”.