Xe máy điện phải gắn biển số từ 1/6: khó!

Theo thông tư ban hành từ 4/4 của Bộ Công An, thời hạn xe máy điện phải đăng ký biển kiểm soát (BKS) như xe gắn máy sẽ chỉ còn chưa đến nửa tháng (từ 1/6), tuy nhiên với số lượng bùng nổ các loại xe này cộng với sự buông lỏng quản lý lâu nay, đây là việc sẽ gặp nhiều khó khăn.

Quy định xe máy điện phải đăng ký BKS
 
Thông tư 15 thay thế cho Thông tư 36 trước đó, quy định về Đăng ký xe có hiệu lực từ ngày 1/6/2014. Các phương tiện trong phạm vi điều chỉnh của Thông tư này gồm xe ôtô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe máy chuyên dùng của Công an sử dụng vào mục đích an ninh...
 
Mô tả BKS của xe điện: 29 chỉ ký hiệu địa phương đăng ký; MK1 chỉ ký hiệu sê ri đăng ký; 008.51 số thứ tự đăng ký
 
Theo Bộ GTVT, xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Hiện nay, các mẫu xe máy điện và đạp điện bán trên thị trường khá phong phú và trở thành xu hướng của giới trẻ tại các thành phố lớn hiện nay.
 
Quy định cũng nêu rõ, địa điểm đăng ký tại nơi đăng ký phương tiện của Phòng CSGT các tỉnh, công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Thời gian đăng ký dao động từ 2-30 ngày làm việc tùy nguồn gốc phương tiện. Hồ sơ đăng ký xe bao gồm: Giấy khai đăng ký xe; Giấy tờ của chủ xe; Giấy tờ của xe. Trong đó, giấy tờ của xe quan trọng nhất đối với xe mới chính là hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính.
 
Người dân gặp khó
 
Theo Quy định của Thông tư 15, xe máy điện khi đăng ký BKS phải có hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, nếu như với mặt hàng xe máy thì việc này là đương nhiên, nhưng lâu nay, người mua xe điện, xe đạp điện lại không có được hóa đơn đúng chuẩn.
 
Chị Chu Kim Đức, một người sử dụng xe đạp điện từ 2 năm nay khá bất ngờ khi nghe thông tin xe điện phải đăng ký BKS. Theo chị Đức, chiếc xe Giant đang dùng không có hóa đơn đỏ như mua xe máy mà chỉ có sổ bảo hành và một tờ giấy ghi thông tin xe (chủ yếu là tiếng Trung) từ nhà sản xuất. Chiếc xe này được thiết kế có bàn đạp nhưng hầu hết người sử dụng đều không lắp và tốc độ xe khá nhanh.
 
Giấy tờ mà chị Đức nhận được khi mua xe điện ngoài sổ bảo hành thì chỉ có tờ giấy ghi mã sản phẩm của nhà sản xuất
 
Nhiều chủ cửa hàng bán xe điện trên phố Huế đón nhận thông tin một cách bất ngờ nhưng cũng không tỏ ra lo lắng vì...xe vẫn bán đều và nhu cầu đều tăng. Khi hỏi về hóa đơn đỏ cho xe mua, phần lớn đều trả lời là không có. Thậm chí có nơi còn cho biết chỉ có hóa đơn xuất theo lô do đơn vị nhập khẩu cung cấp. Còn theo anh Sơn, một người buôn xe điện tiết lộ, các xe điện bán ở Hà Nội hiện nay đến 90% là hàng nhập lậu, do đó chuyện đòi hóa đơn chứng từ cho từng xe là không thể!
 
Như vậy, việc đăng ký xe điện hiện đang đối mặt với sự khó khăn thấy rõ từ số số lượng quá nhiều xe ‘không nguồn gốc’ đang lưu thông ngoài đường. Nếu chỉ tóm ‘người có tóc’ – người sử dụng mà không quản lý ngay từ đầu thì lại lặp lại câu chuyện phạt người đội mũ bảo hiểm không đúng chuẩn. Chẳng khác nào đẩy việc khó cho dân.
 
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn