Ý tưởng cho thuê xe tại sân bay của 3 thanh niên 9X gây sốt

Chỉ với một bãi đậu xe tại khu công nghiệp phía nam sân bay quốc tế San Francisco, Mỹ, 3 thanh niên 19 tuổi đã đem đến một mô hình kinh doanh mới mẻ, độc đáo và giúp chủ xe tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Công ty mang tên FlightCar hoạt động bằng cách tận dụng những chiếc xe bị “bỏ rơi” tại bãi gửi xe quanh sân bay trong khi chủ nhân của chúng đi du lịch hoặc công tác nước ngoài để cho thuê. Đổi lại, những người này sẽ nhận được một khoản tiền, có chỗ đậu xe miễn phí, trong khi vẫn yên tâm rằng chiếc xe của mình sẽ được lau rửa sáng bóng.
 
Mô hình kinh doanh trên đã thu hút sự chú ý và được rất nhiều chủ xe ủng hộ. Yury Trushkov, một kỹ sư phần mềm 31 tuổi, cho biết mỗi khi xe của anh được thuê trong khoảng thời gian gia đình đi du lịch, anh chỉ kiếm được số tiền là 10 USD. Nhưng trên thực tế, lợi ích lớn hơn nhiều chục lần vì tiền trả cho dịch vụ đỗ xe có thể từ 200 đến 300 USD. Anh cũng rất yên tâm vì chiếc xe sẽ được bảo hiểm trong trường hợp hỏng hóc hay những thiệt hại mà người thuê gây ra.
 
FlightCar đóng đô cạnh sân bay và nó phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng. Sản phẩm xe cho thuê lại vì vậy cũng khá đa dạng, từ những chiếc xe bình thường như chiếc Hyundai Sonata 2007 của anh Yury Trushkov cho đến xe thể thao như Porsche Boxster và thậm chí là hàng hiếm như Lotus. “Tại bãi đỗ xe của sân bay, nơi có hàng ngàn xe ôtô bỏ không và chủ xe phả trả tiền cho sự nhàn rỗi ấy. Ngay cả một công ty cho thuê xe khổng lồ như Hertz liệu chắc gì có được lực lượng xe hùng hậu như vậy?”, Rujul Zaparde, CEO 18 tuổi của FlightCar, nói.
 
Zaparde và 2 đồng sáng lập Kevin Petrovic và Shri Ganeshram (đều 19 tuổi), bỏ qua việc học lên cao đẳng để thành lập FlightCar, gia nhập xu hướng kinh doanh chia sẻ đang hình thành trong nhiều lĩnh vực đời sống tại Mỹ như phương tiện đi lại, nhà ở…
 
Tuy nhiên, công ty của Zaparde cũng đang gặp không ít rắc rối liên quan đến các quy định của chính phủ. Các quan chức thành phố San Francisco và những người quản lý sân bay cho rằng mô hình kinh doanh này không những làm ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng cho thuê khác tại sân bay, mà còn bỏ qua các quy định hiện hành. Thành phố đã đệ đơn kiện FlightCar với hy vọng công ty sẽ phải ngừng hoạt động cho đến khi tuân thủ các quy định, đồng thời phải trả cho sân bay 10% lợi nhuận gộp và 20 USD cho mỗi giao dịch được thực hiện.
 
Theo Rosally Zaparde, vụ kiện sẽ không làm ảnh hưởng đến các hoạt động hiện tại của FlightCar. Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6/2013, số người thuê xe đã tăng từ 1.000 đến 1.400 lượt. Gần đây lượng xe thường xuyên ký gửi của FlightCar là 80 chiếc và công ty cũng mới mở thêm chi nhánh thứ 2 tại sân bay Logan ở Boston. Với số lượng nhân viên khoảng 30 người ở San Francisco và Boston, FlightCar cho biết công ty hiện chưa có lợi nhuận nhưng hy vọng sẽ sớm thay đổi điều này trong vài năm tới.
 
Đây quả thực là một mô hình kinh doanh mới mẻ, táo bạo mà còn rất hữu ích trong việc tiết kiệm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là nó được khởi xướng từ những người còn rất trẻ, vốn kiến thức kinh doanh chưa nhiều nhưng luôn có thừa nhiệt huyết.
 
Tại Việt Nam thời gian gần đây cũng đã xuất hiện một số mô hình kinh doanh chia sẻ từ những công ty đầu tư lớn như muachung, nhommua đến những tổ chức nhỏ lẻ như đi chung xe, thuê xe gia đình, thuê villa nghỉ cuối tuần… Và cũng giống như tại Mỹ, các mô hình dịch vụ không chuyên do các cá nhân đứng lên kinh doanh đã sẽ góp phần lấp đầy những nhu cầu riêng biệt nhưng cực kỳ đa dạng của thị trường mà các công ty lớn có thể bỏ qua. Thậm chí, nếu “khai đúng mỏ”, một ý tưởng mới mẻ có thể gặt hái thành công khổng lồ, chẳng hạn biến chủ nhân của nó thành tỷ phú. Đó chính là động lực thúc đẩy người Mỹ không ngừng tiến lên.
 

Tin tổng hợp

otoxemay.vn