7 thao tác cơ bản khi lái mô tô PKL

Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ cũng tăng thêm sự an toàn và giúp mọi người thoải mái hơn khi điều khiển mô tô phân khối lớn. Những kỹ thuật này đã được ông Henry Iu, huấn luyện viên trưởng khu vực châu Á phụ trách hướng dẫn đào tạo học viên tham gia các khóa học kỹ năng lái xe an toàn của Ducati – DRE giới thiệu mới đây.

 
Trong chương trình nâng cao trình độ tay lái dành cho biker do Ducati Việt Nam vừa tổ chức lần đầu tiên cho khu vực phía Nam, tại trường đua HappyLand ở tỉnh Long An, ông Henry Iu đã đưa ra những chiêu thức xử lý tình huống khi lái xe mô tô phân khối lớn. Điều thú vị là những bài học này cũng áp dụng hiệu quả cho người lái xe máy, xe tay côn phổ thông sử dụng thường nhật.
 
1. Bẻ hết ghi-đông bẻ ngoặt về bên tay phải khi dựng chống nghiêng. Ở vị trí này, ghi-đông sẽ tạo khoảng trống giúp biker dễ dàng lên/xuống xe mà không bị vướng hông và đùi vào tay cầm lái. Đây là thao tác khá mới lạ vì từ trước đến nay hầu hết biker Việt giữ thói quen với việc ghi-đông được bẻ ngoặt về bên trái cho “thuận chiều”.
 
7 thao tác “cực lợi, dễ làm” nhưng thường bị quên khi lái mô tô_2
 
2. Đặt mũi chân trên thanh gác chân. Khi liên tục cầm lái trên quãng đường dài, nếu từ bỏ được thói quen đặt phần giữa đế giày hoặc gót giày trên gác chân thì biker sẽ tránh được các rung chấn từ mặt đường lan dọc theo ống chân lên cả phần thân trên cơ thể, từ đó sẽ cảm thấy giảm thiểu mệt mỏi hơn hẳn. Bên cạnh đó, mũi chân tì trên thanh gác chân sẽ tăng độ đàn hồi cho phần bàn chân, cổ chân, hỗ trợ người lái tăng sự phản xạ linh hoạt khi vận hành xe.
 
7 thao tác “cực lợi, dễ làm” nhưng thường bị quên khi lái mô tô_3
3. Dỡ chân ôm sát yên xe khi chuẩn bị lên xe. Trước khi khởi hành, người lái phải đứng gần phía bình xăng, sau đó từ từ co chân nhấc đùi cẩn thận quàng qua yên xe để “kéo” thân người ngồi lên xe gọn gàng. Tránh trường hợp đứng từ xa vội vàng dỡ chân lấy đà đá cao chân để ngồi lên yên xe, động tác như vậy tưởng chừng “nhanh gọn chuyên nghiệp” nhưngthật ra lại tiềm ẩn nguy cơ dễ mất thăng bằng hoặc đá chân vướng vào yên xe sau nhô cao.
 
4. Hai cánh tay thả lỏng sau đó đặt tự nhiên thoải mái lên tay cầm lái. Tránh gồng cứng cánh tay dẫn tới cứng vai sẽ kém năng động khi ôm cua hoặc khi rơi vào tình huống giao thông nguy hiểm đòi hỏi biker phải nhanh chóng xoay chuyển người kết hợp đánh ghi-đông lách tránh vật cản.
 
7 thao tác “cực lợi, dễ làm” nhưng thường bị quên khi lái mô tô_1
 
5. Duỗi hoàn toàn các ngón tay khi bóp càng phanh bên phải. Bên cạnh những lợi ích đã biết của thao tác này, ví dụ nó giúp nhả tay ga đóng bướm ga triệt để (góp phần giảm tốc) thì một lợi ích nhiều người khó ngờ là tránh trường hợp phanh trên đường mấp mô sẽ dằn xóc xe khiến xe chồm lên, khiến người lái theo phản xạ sẽ càng siết chặt tay vặn ga – tăng ga hơn nữa, thúc xe lao tới mất kiểm soát.
 
6. Bóp càng phanh bên phải để khởi động xe an toàn trên đường dốc. Muốn đề máy một chiếc xe đang đỗ, dựng chống nghiêng, cài sẵn số 1 mà không bị trượt bánh khi cắt côn, điều cần lưu ý là ngồi lên yên, dựng thân xe thẳng đứng, khép chống nghiêng, bóp càng phanh ở bên phải tay cầm lái, bóp tay côn, đề máy, nhả tay côn từ từ, đồng thời nhả càng bóp phanh, sau đó vặn ga nhịp nhàng phù hợp để xe chạy.
 
7. Trước khi tắt máy đỗ xe, cần cài số để khóa bánh xe. Hành động này thật sự an toàn khi dựng xe với chống nghiêng trên đường dốc, bệ dốc... giúp xe không bị trượt chạy nếu người nào đó vô tình va chạm đến xe.
 
7 thao tác “cực lợi, dễ làm” nhưng thường bị quên khi lái mô tô_4
 
Một số trang bị cần thiết để đảm bảo an toàn cho người sử dụng xe như mũ bảo hiểm, giáp tay/chân...
 
 
Một số hình ảnh trong khoá huấn luyện cơ bản sử dụng xe phân khối lớn
 
Với những người chưa từng sử dụng một dòng xe tay côn nào, sau buổi hướng dẫn cơ bản của Ducati, họ có thể vận hành một mẫu xe 400cc chính xác
 
 
Các bài tập căn bản như: đi xe chậm, phanh trong tình huống khẩn cấp sao cho an toàn, đánh lái...được các học viên thực hiện nhiều lần liên tiếp để tạo thành một thói quen khi bước lên xe phân khối lớn.